Sáng 2/8, Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh an toàn thực phẩm và Kiểm dịch động thực vật (SPS) Việt Nam phối hợp với Báo Nông nghiệp Việt Nam, Sở An toàn thực phẩm TP.HCM tổ chức Hội nghị phổ biến các quy định SPS trong Hiệp định EVFTA và RCEP.
Phát biểu tại Hội nghị, TS. Lê Thanh Hòa - Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam cho biết, với các quy định SPS thay đổi liên tục, Văn phòng SPS Việt Nam đóng vai trò là đầu mối, cung cấp thông tin để xuất khẩu đáp ứng các quy định liên quan đến an toàn thực phẩm và kiểm dịch động, thực vật.
Theo ông Hòa, việc Việt Nam tham gia vào Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và các hiệp định thương mại tự do như EVFTA, RCEP… cơ bản đã tạo ra sân chơi công bằng và rộng lớn hơn trước đó với các đối tác lớn như Đông Á và các nước châu Âu.
Các hiệp định thương mại tự do tạo ra thuận lợi về thuế, đặc biệt là giảm dòng thuế về 0% đối với nông sản tươi và qua chế biến, tạo cơ hội thuận lợi cho doanh nghiệp Việt Nam trong thời gian tới, đặc biệt phù hợp doanh nghiệp Việt Nam đầu tư vào nông sản thực phẩm chế biến sâu.
ThS Lương Ngọc Quang - Phòng Hợp tác quốc tế & Truyền thông, Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NNPTNT) cho biết, các quy định SPS trong Hiệp định RCEP dựa trên các tiêu chí, gồm tuân thủ quy định quốc tế, đánh giá rủi ro dựa trên khoa học, minh bạch, khuyến khích các phương pháp công nhận lẫn nhau, hợp tác và ứng dụng công nghệ trong chứng nhận.
Các biện pháp kiểm dịch được quốc gia đưa ra nhằm ngăn chặn các loại sinh vật gây hại nguy hiểm hoặc nguy cơ về an toàn thực phẩm, đồng thời tránh rủi ro tại cảng ở quốc gia nhập khẩu, thúc đẩy tốc độ thông quan.
“Mỗi quốc gia có quy định riêng về tiêu chuẩn an toàn và kiểm dịch thực vật. Việc tuân thủ giúp hàng hóa xuất khẩu được chấp nhận tại nước nhập khẩu, phòng tránh việc bị cảnh báo, hoặc hạn chế nhập khẩu”, ông Quang nói.
RCEP là hiệp định thương mại tự do giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia và New Zealand. Theo bà Phạm Thị Lâm Phương - Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), RCEP được xây dựng trên nền tảng các FTA riêng lẻ đã có giữa ASEAN với từng đối tác (FTA ASEAN+).
RCEP có thị trường 2,2 tỷ dân, GDP trên 26.000 tỷ USD, tương đương khoảng 30% dân số và GDP toàn thế giới, chiếm khoảng 29% thương mại hàng hóa và 32,5% đầu tư toàn cầu.
Tại Hội nghị, bà Nguyễn Thị Hồng Hoa - Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển thị trường cung cấp một số quy định mới của các thị trường trọng điểm nhập khẩu thủy sản của EU và trong khối RCEP.
Ở thị trường EU, thủy sản nuôi phải được xây dựng, triển khai và công nhận Chương trình giám sát quốc gia về tồn dư hóa chất kháng sinh. Sản phẩm nhuyễn thể hai mảnh phải có chương trình giám sát an toàn vệ sinh vùng thu hoạch và được công nhận.
Hằng năm, cơ quan thẩm quyền nước xuất khẩu phải báo cáo EU về kết quả triển khai chương trình và định kỳ bị thanh tra. EU yêu cầu lập danh sách riêng cho các cơ sở sản xuất đùi ếch, ốc, và gelatin/collagen từ nguyên liệu thủy sản và các cơ sở trong chuỗi sản xuất từ thu mua, sơ chế, kho lạnh, chế biến, tàu cấp đông đến tàu chế biến phải có trong danh sách này. Các quy định về chống khai thác IUU cũng phải được tuân thủ nghiêm ngặt.
Bà Phương cho biết thêm, khi giao thương, doanh nghiệp cần xác định xem hàng xuất khẩu/nhập khẩu với nước thành viên nào của RCEP để tìm Biểu thuế ưu đãi RCEP của nước đó áp dụng cho Việt Nam và ngược lại.
Với các cơ quan quản lý nhà nước, bà Phương cho rằng cần tiếp tục cập nhật, tuyên truyền, phổ biến các thông tin về thị trường, chính sách, đặc biệt là các thị trường đã ký kết FTA với Việt Nam như RCEP tới doanh nghiệp để tận dụng tối đa ưu đãi từ các Hiệp định.
Theo ông Ngô Xuân Nam - Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam, thông báo thay đổi và dự thảo các biện pháp SPS của EU trong 6 tháng đầu năm 2024 tăng gần 20%, nhiều nhất trong các đối tác thương mại nông sản của Việt Nam. Ngược lại, một số thị trường như Trung Quốc gần như không có thông báo nào.
Trong 6 tháng đầu năm, số lượng cảnh báo từ EU tăng bất thường. Cụ thể, Việt Nam nhận 57 cảnh báo trong nửa năm, trong khi cùng kỳ năm 2023 là 31 cảnh báo, tăng hơn 80%. Trong số này, TP.HCM chiếm nhiều nhất, với 23 cảnh báo.
Việc EU tăng số lượng cảnh báo khiến tần suất kiểm tra biên giới của nông sản tăng. Hiện Việt Nam còn 4 mặt hàng phải chịu tần suất kiểm tra biên giới là thanh long (30%), ớt (50%), đậu bắp (50%) và sầu riêng (10%).
“Xu hướng này có thể tăng tiếp nếu chúng ta không có giải pháp kịp thời”, ông Nam chia sẻ.
Về nguyên nhân, theo ông Nam, doanh nghiệp xuất khẩu chưa thực sự tuân thủ các quy định của nhà nhập khẩu. Người sản xuất ở một số nơi còn chưa có biện pháp, kế hoạch sử dụng các loại thuốc BVTV, thuốc kháng sinh, phân bón không đúng hướng dẫn. Tỷ lệ giám sát mã số vùng trồng, cơ sở đóng gói chưa đạt.
“Không còn cách nào khác là phải tăng cường liên kết theo hướng đồng quản lý an toàn thực phẩm, chất lượng, góp phần giúp chuẩn hóa ngay từ nguyên liệu đầu vào. Chỉ khi nào từng khâu làm tròn trách nhiệm của mình, nền nông nghiệp Việt Nam mới thoát cảnh e dè trước những thay đổi của thị trường nhập khẩu”, Phó Giám đốc Văn phòng SPS Việt Nam nhấn mạnh.
Văn phòng Thông báo và Điểm hỏi đáp quốc gia về Vệ sinh Dịch tễ và Kiểm dịch Động thực vật Việt Nam (gọi tắt là Văn phòng SPS Việt Nam) được chính thức thành lập theo Quyết định 99/2005/QĐ-TTg ngày 9/5/2005 của Thủ tướng Chính phủ. Văn phòng SPS Việt Nam là đơn vị trực thuộc Bộ NNPTNT.
Văn phòng SPS Việt Nam là đầu mối thực hiện các nghĩa vụ minh bạch hóa theo yêu cầu của Hiệp định về áp dụng các biện pháp vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật (Hiệp định SPS) của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), thực hiện chức năng là kênh thông tin chính thức giữa Việt Nam và các thành viên WTO về các vấn đề SPS.
Văn phòng có nhiệm vụ thông báo và hỏi đáp các nội dung và quy định về vệ sinh an toàn thực phẩm cũng như kiểm dịch động thực vật; yêu cầu các nước thành viên của WTO cung cấp thông tin về các biện pháp, thủ tục đánh giá rủi ro, về thanh tra, kiểm tra và các vấn đề liên quan khác về vệ sinh an toàn thực phẩm và kiểm dịch động thực vật.