Dân Việt

Bắc Kạn nỗ lực tìm đầu ra cho tre, trúc thông qua Mạng lưới mây tre quốc tế

Chiến Hoàng 03/08/2024 06:14 GMT+7
Tỉnh Bắc Kạn hiện có khoảng 600ha cây trúc, tuy nhiên hiện chưa có làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc, thị trường tiêu thụ tre, trúc không ổn định, giá cả bấp bênh nên việc khai thác chủ yếu xuất thô sang các tỉnh lân cận để phục vụ các nhà máy sản xuất chế biến.

Ngày 2/8, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn, Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Bắc Kạn đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Mạng lưới Mây tre quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam.

Bắc Kạn nỗ lực tìm đầu ra cho tre, trúc thông qua Mạng lưới mây tre quốc tế- Ảnh 1.

Ông Nguyễn Duy Diệp, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn thông tin về thực trạng tre, trúc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn tại buổi làm việc với đoàn công tác của Mạng lưới Mây tre quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam. Ảnh: Chiến Hoàng

Mục đích đoàn công tác của Mạng lưới Mây tre quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam đến Bắc Kạn để xây dựng và thực hiện dự án thí điểm "Nghiên cứu và trình diễn công nghệ chủ chốt tạo ra các sản phẩm tre thay thế nhựa".

Tại buổi làm việc, đại diện lãnh đạo Sở NN&PTNT, Hội Nông dân tỉnh Bắc Kạn đã thông tin về hiện trạng cây tre, trúc trên địa bàn tỉnh. Theo thống kê của Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn, hiện toàn tỉnh có 600ha cây trúc. Cây trúc tập trung chủ yếu tại các huyện Ba Bể, Chợ Mới và một số ít tại các huyện Pác Nặm, Bạch Thông, Ngân Sơn. Tuy nhiên, cây trúc chỉ được trồng phân tán, nhỏ lẻ, mang tính tự phát.

Bắc Kạn nỗ lực tìm đầu ra cho tre, trúc thông qua Mạng lưới mây tre quốc tế- Ảnh 2.

Đoàn công tác của Mạng lưới Mây tre quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam thăm rừng trúc tại xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

UBND tỉnh Bắc Kạn cũng đã ban hành Quyết định số 1449/QĐ-UBND ngày 12/8/2020 về việc ban hành định mức kỹ thuật áp dụng trong thực hiện các chương trình, dự án, mô hình trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, trong đó quy định định mức kinh tế kỹ thuật trồng cây trúc. Ngoài ra, hiện nay Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn cũng đang xây dựng định mức kỹ thuật và khuyến cáo người dân trồng cây giang nhung lấy lá.

Bắc Kạn nỗ lực tìm đầu ra cho tre, trúc thông qua Mạng lưới mây tre quốc tế- Ảnh 3.

Các chuyên gia đoàn công tác của Mạng lưới Mây tre quốc tế và Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ thuộc Viện Khoa học Lâm nghiệp Việt Nam lấy mẫu trúc tại rừng trúc xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới của tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Ông Nguyễn Duy Diệp cho biết, trên địa bàn tỉnh hiện có 232 cơ sở chế biến gỗ và lâm sản, trong đó có 205 cơ sở đang hoạt động, 27 cơ sở đã tạm dừng hoạt động. Các cơ sở này chỉ sản xuất các sản phẩm có nguồn gốc từ gỗ, chưa có cơ sở sản xuất chế biến tre, trúc.

"Tỉnh Bắc Kạn không có làng nghề sản xuất các sản phẩm từ tre, trúc mà chủ yếu các hộ gia đình sử dụng tre, nứa, trúc đan lát để phục vụ sinh hoạt gia đình. Do thị trường tiêu thụ không ổn định, giá cả bấp bênh nên việc khai thác trúc chủ yếu xuất thô sang các tỉnh lân cận để phục vụ các nhà máy sản xuất chế biến", ông Diệp trăn trở.

Bắc Kạn nỗ lực tìm đầu ra cho tre, trúc thông qua Mạng lưới mây tre quốc tế- Ảnh 4.

Tiến sỹ Phan Văn Thắng, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu lâm sản ngoài gỗ nhận định về tiềm năng phát triển cây trúc theo hướng chế biến sâu tại buổi làm việc với Hội Nông dân và Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn. Ảnh: Chiến Hoàng

Để khai thác tiềm năng, thế mạnh đối với cây tre, trúc trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, Sở NNPTNT tỉnh Bắc Kạn đã đề nghị đoàn công tác xem xét, hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, trang thiết bị cho hợp tác xã, doanh nghiệp chế biến các sản phẩm tre, trúc phù hợp tiêu chuẩn thị trường trong nước và quốc tế để xuất khẩu các mặt hàng chế biến từ tre, trúc.

Tỉnh Bắc Kạn mong muốn đoàn công tác xem xét, triển khai thực hiện dự án "Nghiên cứu và trình diễn công nghệ chủ chốt tạo ra các sản phẩm tre thay thế nhựa", từ đó nâng cao giá trị cho cây trúc, góp phần tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân sinh sống ổn định vào rừng.

Trong quá trình thăm rừng trúc, đoàn công tác đã trao đổi với các hộ nông dân, Hội Nông dân xã, chính quyền xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới về các vấn đề liên quan đến tre, trúc, hiện trạng tre trúc của xã; giống, biện pháp kỹ thuật trồng, khai thác, chế biến, quản lý, sản xuất, sử dụng trúc, thị trường và chuỗi giá trị tre, trúc.

Qua kiểm tra thực tế tại rừng trúc thuộc xã Tân Sơn, huyện Chợ Mới, các chuyên gia trong đoàn công tác đánh giá, tỉnh Bắc Kạn có rất nhiều điều kiện để phát triển cây trúc theo hướng chế biến sâu thành các sản phẩm phù hợp với xu hướng cũng như tiêu chuẩn của thị trường trong nước và quốc tế. 

Tuy nhiên, để thực hiện được điều đó, tỉnh Bắc Kạn cần có thêm những chính sách hỗ trợ, những định hướng cụ thể cho người dân để áp dụng khoa học, kỹ thuật, áp dụng công nghệ trong việc trồng và sản xuất các sản phẩm từ cây trúc.