Cũng như cán bộ, công chức, viên chức nói chung, đội ngũ công chức, viên chức đang làm việc tại Hà Nội cũng được nhận đầy đủ chế độ tiền lương, tiền phụ cấp, tiền thưởng theo chế độ nhà nước quy định.
Tuy nhiên, do làm việc tại Thủ đô nên nhóm này cũng sẽ được hưởng thêm khoản tiền lương tăng thêm, để tăng thu nhập, nhằm giữ chân khuyến khích người tài làm việc tại Thủ đô. Chính sách này được đề cập cụ thể tại Luật Thủ đô năm 2024 vừa được Quốc hội thông qua.
Cụ thể, căn cứ khoản 3 Điều 15 Luật Thủ đô 2024, cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, tổ chức chính trị - xã hội và đơn vị sự nghiệp công lập được ngân sách nhà nước bảo đảm toàn bộ chi thường xuyên thuộc Thành phố Hà Nội quản lý được hưởng thu nhập tăng thêm căn cứ theo năng lực, hiệu quả công việc.
Khoản 1 Điều 35 Luật Thủ đô 2024 cũng quy định Hội đồng nhân dân Thành phố Hà Nội sẽ quyết định sử dụng nguồn cải cách tiền lương còn dư sau khi đã bảo đảm đủ nguồn để thực hiện cải cách tiền lương cho cả thời kỳ ổn định ngân sách theo quy định của cấp có thẩm quyền và bảo đảm các chính sách xã hội, an sinh xã hội, phúc lợi xã hội do trung ương ban hành để thực hiện chi thu nhập tăng thêm cho cán bộ, công chức, viên chức theo quy định trên; tổng mức chi không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản (lương cơ bản = hệ số lương x 2,34 triệu đồng) của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thành phố.
Tổng mức chi thu nhập tăng thêm này không vượt quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản của cán bộ, công chức, viên chức thuộc phạm vi quản lý của Thành phố Hà Nội.
Cũng trong Luật Thủ đô, tại Điều 16 còn quy định về thu hút, trọng dụng người có tài năng và phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao cho Thủ đô.
Cụ thể điều kiện thu hút, trọng dụng người có tài được ghi cụ thể trong luật.
Người tài được trọng dụng là công dân Việt Nam có phẩm chất đạo đức, trình độ, năng lực vượt trội, có kinh nghiệm thực tiễn, đang làm việc ở trong nước, ở ngoài nước có công trình, sản phẩm, thành tích, công trạng hoặc cống hiến đặc biệt để phát triển một lĩnh vực, một ngành của Thủ đô được xét tuyển, tiếp nhận vào làm công chức, viên chức;
Công dân Việt Nam có đủ tiêu chuẩn quy định tại điểm a khoản này được ký hợp đồng để thực hiện công việc chuyên môn, nghiệp vụ hoặc đảm nhiệm chức vụ quản lý, điều hành tại các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý của Thành phố;
Người nước ngoài có trình độ chuyên môn cao, nhiều kinh nghiệm thực tiễn, có công trình hoặc sản phẩm đã được nghiệm thu, công nhận, ứng dụng đem lại hiệu quả cao thì được ký hợp đồng để thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô;
Người được xét tuyển, tiếp nhận hoặc được ký hợp đồng làm việc quy định trên được hưởng các chế độ, chính sách do Hội đồng nhân dân Thành phố quy định.
Hội đồng nhân dân Thành phố ra nhiều quyết định, chính sách để phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô như:
Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, đạt trình độ khu vực và quốc tế ở các ngành, lĩnh vực đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ xây dựng, phát triển, quản lý và bảo vệ Thủ đô trong từng giai đoạn;
Sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị của cơ sở đào tạo trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thành phố;
Sử dụng ngân sách Thành phố để hỗ trợ kinh phí đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao nghiệp vụ, kỹ năng nghề tại các cơ sở đào tạo của nước ngoài cho cán bộ, công chức, viên chức làm việc trong các cơ quan, tổ chức, đơn vị thuộc Thành phố quản lý, học sinh, sinh viên của các cơ sở giáo dục, đào tạo trên địa bàn Thành phố;
Hỗ trợ hình thành các trung tâm quốc gia, trung tâm vùng về đào tạo và thực hành nghề chất lượng cao trên địa bàn Thành phố; hỗ trợ học phí cho học viên học nghề tại các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao của Thành phố.
Luật Thủ đô năm 2024 chính thức có hiệu lực từ 1/1/2025.