Thay đổi cách tính lương hưu của công chức, viên chức ảnh hưởng lớn đến túi tiền, ai cũng cần biết

Thùy Anh Thứ tư, ngày 24/07/2024 13:00 PM (GMT+7)
Người lao động đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định có mức tính lương hưu phụ thuộc vào thời điểm bắt đầu tham gia đóng BHXH nên sẽ có sự khác nhau, dựa theo các mốc trước năm 1995, 2000, 2006, 2015, 2019, 2024 và từ năm 2025 trở đi.
Bình luận 0

Tính lương hưu dựa trên bình quân cả quá trình đóng BHXH

Luật BHXH hiện hành quy định mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu của người lao động thuộc khu vực nhà nước (Cán bộ, công chức, viên chức) được tính trên cơ sở mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH của một số năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Theo luật BHXH sửa đổi năm 2024 (có hiệu lực từ 1/7/2025), lộ trình tiến tới lương hưu của người lao động khu vực nhà nước được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH cả quá trình là phù hợp nguyên tắc đóng - hưởng.

Cụ thể, nếu người lao động có toàn bộ thời gian đóng BHXH theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định thì mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH để tính lương hưu được quy định như sau:

Tham gia BHXH trước ngày 1/1/1995 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 5 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/1995 đến 31/12/2000 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 6 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Thay đổi cách tính lương hưu của công chức, viên chức ảnh hưởng lớn đến túi tiền, ai cũng cần biết- Ảnh 1.

Từ năm 2025 cách tính lương hưu của lao động khu vực công không còn dựa vào số năm cuối tham gia BHXH. Ảnh: Nguyễn Trang

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2001 đến 31/12/2006 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 8 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH trong khoảng thời gian từ ngày 1/1/2007 đến 31/12/2015 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 10 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2016 đến 31/12-/2019 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 15 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2020 đến 31/12/2024 thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của 20 năm cuối trước khi nghỉ hưu.

Tham gia BHXH từ ngày 1/1/2025 trở đi thì tính bình quân của tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ thời gian.

Như vậy, nếu bắt đầu tham gia BHXH từ 2025, mức lương hưu của người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do Nhà nước quy định sẽ được tính dựa trên toàn bộ quá trình đóng giống như người lao động thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định.

Quy định lương hưu tính toàn bộ quá trình đóng BHXH là phù hợp, bình đẳng

Chia sẻ với phóng viên báo Dân Việt, ông Nguyễn Duy Cường - Phó Vụ trưởng Vụ BHXH (Bộ LĐTBXH), quy định về mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu, trợ cấp một lần tại Luật BHXH sửa đổi năm 2024 được kế thừa từ Luật BHXH năm 2014.

Một trong những nguyên tắc của BHXH là mức hưởng được tính trên cơ sở mức đóng và thời gian đóng BHXH. Việc quy định lộ trình tiến tới lương hưu của người lao động khu vực nhà nước được tính trên mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của toàn bộ quá trình là phù hợp với nguyên tắc trên.

Ngoài mức hưởng trên, căn cứ vào thời gian bắt đầu tham gia BHXH, người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do Nhà nước quy định còn được điều chỉnh tiền lương làm căn cứ đóng BHXH bắt buộc.

Thay đổi cách tính lương hưu của công chức, viên chức ảnh hưởng lớn đến túi tiền, ai cũng cần biết- Ảnh 2.

Ông Nguyễn Duy Cường cho rằng đưa cách tính lương hưu ở khu vực công như cách tính khu vực tư nhằm đảm bảo sự công bằng, bình đẳng. Ảnh: N.T

Theo đó, người lao động bắt đầu tham gia BHXH trước 1/1/2016, được điều chỉnh theo mức lương cơ sở hoặc mức tham chiếu tại thời điểm hưởng chế độ hưu trí; Đối với người lao động bắt đầu tham gia BHXH từ 1/1/2016 trở đi, được điều chỉnh trên cơ sở chỉ số giá tiêu dùng của từng thời kỳ theo quy định của Chính phủ (như người lao động thuộc đối tượng thực hiện chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định).

Lý giải nguyên nhân có sự phân biệt trong cách tính mức bình quân tiền lương làm căn cứ đóng BHXH để tính lương hưu giữa người lao động khu vực nhà nước (tính bình quân mức lương tháng đóng BHXH một số năm cuối) và người lao động thực hiện theo chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quyết định (toàn bộ quá trình đóng). 

Ông Nguyễn Duy Cường cho hay, trước đây chính sách BHXH chỉ áp dụng cho khu vực nhà nước, sau đó mới mở rộng ra khu vực doanh nghiệp ngoài nhà nước. Cột mốc đáng chú ý là năm 1995, quỹ BHXH tách độc lập khỏi ngân sách nhà nước, bắt đầu thực hiện theo cơ chế đóng hưởng.

Lý do thời điểm đó không thực hiện cách tính lương hưu thống nhất giữa 2 khối là vì khu vực ngoài nhà nước có đặc thù riêng. Ở khu vực nhà nước, về cơ bản người lao động được trả lương theo thâm niên, nhưng thực tế với cách tính lương hưu căn cứ vào những năm cuối sẽ có người được lợi nhưng cũng có người thiệt thòi hơn.

Qua các lần sửa đổi luật đều theo nguyên lý và xu hướng hướng tới khu vực nhà nước và ngoài nhà nước bình đẳng như nhau là tính lương hưu trên toàn bộ quá trình đóng, song không thể thay đổi ngay lập tức mà cần có lộ trình.

Trước khi Luật BHXH sửa đổi 2024 được thông qua, Luật BHXH năm 2014 vẫn duy trì 2 cách tính lương hưu. Người làm việc ở khu vực tư nhân khi về hưu sẽ được tính dựa trên tổng số năm tham BHXH, người làm việc khu vực công (công chức, viên chức) thì được tính tiền lương hưu dựa trên số năm tham gia BHXH ở những năm cuối.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem