Luật Đất đai 2024 có hiệu lực được kỳ vọng giải quyết 70% khó khăn về pháp lý của thị trường bất động sản. Đây là điểm nghẽn khiến nhiều dự án địa ốc triển khai chậm, đọng vốn, đất bỏ hoang.
Theo Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam, có khoảng 1.200 dự án với giá trị khoảng 30 tỷ USD gặp vướng mắc, chủ yếu là về pháp lý. Trong năm 2023, khoảng 500 dự án đã được Tổ công tác của Thủ tướng về rà soát, đôn đốc, hướng dẫn tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong triển khai thực hiện dự án bất động sản vào cuộc xử lý. Nhưng còn khoảng gần 800 dự án đang chờ. Từ 2018 đến nay, nguồn dự án nhà ở mới được phê duyệt rất eo hẹp.
Ông Lê Văn Bình, Phó vụ trưởng Vụ Đất đai, Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng những vướng mắc này phần lớn do các doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định, dẫn đến dự án chậm triển khai. "Dù luật đã quy định nhưng nhiều dự án không làm theo tuần tự, dẫn đến sai sót là câu chuyện thường xuyên xảy ra. Theo quy định trước đó, thời điểm định giá là khi có quyết định cho thuê đất, nhưng lại không quy định bao lâu phải ban hành quyết định về giá đất. Điều này gây ra những sự trì trệ. Đối với tồn tại này, Luật Đất đai 2024 đã tháo gỡ vướng mắc về mặt định giá", ông Bình nhận định.
Ông Bình cũng cho biết, việc các Luật Đất đai 2024, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản có hiệu lực sớm hơn 5 tháng, tạo điều kiện thúc đẩy thị trường địa ốc phục hồi nhanh hơn. Theo đó, nhiều việc tiếp cận đất đai cho các nhà đầu tư bất động sản sẽ minh bạch. Cơ chế minh bạch sẽ tạo thuận lợi cho nhà đầu tư, người dân không vướng các thủ tục pháp lý như trước đây.
"Trong Luật Đất đai 2024 tháo gỡ các vấn đề về giá đất và bồi thường tái định cư. Trước đây chúng ta quy định giá cụ thể, nhưng nhiều nơi định giá còn thấp so với thị trường. Quy định mới dù vẫn dùng giá cụ thể, nhưng dần tiệm cận giá thị trường. Giá đất tăng, bảo đảm quyền lợi cho người bị thu hồi đất tốt hơn", ông Bình đánh giá.
Đánh giá thêm về tác động khi 3 luật kể trên có hiệu lực, ông Đào Trung Chính, Cục trưởng Cục Quy hoạch và phát triển tài nguyên đất, Bộ Tài nguyên và Môi trường khẳng định riêng với bất động sản, việc thực hiện được sớm 3 luật này sẽ giải quyết được câu chuyện về định giá đất, thực hiện nghĩa vụ tài chính.
"Trong thời gian qua, nhiều dự án vướng mắc về thực hiện nghĩa vụ tài chính. Có những dự án, áp dụng theo luật ban hành năm 1993, chứ không phải năm 2013. Ngay cả với Luật Đất đai 2013, nhiều địa phương không thực hiện được, dẫn đến không ít sai phạm trong định giá đất, từ đó, xảy ra vấn đề sợ sai, không dám làm", ông Chính nhận định.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp bất động sản vừa trải qua một đợt khủng hoảng suốt từ năm 2018. Có tới hàng nghìn dự án phải dừng lại không triển khai được, ước tính giá trị khoảng 30 tỷ USD.
"Lý do bởi vướng mắc về thể chế, pháp lý mâu thuẫn chồng chéo, dẫn tới cơ quan quản lý nhà nước không cấp phép được cho dự án. Từ các luật mới có hiệu lực, với mỗi dự án, doanh nghiệp sẽ biết sai ở đâu để sửa, chính quyền cũng vậy, để cấp phép cho dự án theo đúng quy định. Tôi đánh giá, luật ban hành tạo ra sự công bằng, minh bạch, hướng tới chất lượng để người tiêu dùng lựa chọn", ông Đính chia sẻ.