"Ngay từ những năm 1976-1977, dàn dựng bối cảnh nội trong trường quay của Xưởng Phim truyện Việt Nam – sau này là Hãng Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) cho bộ phim đen trắng "Bức tường không xây". Vẫn nụ cười tỏa sáng ấy khi chú cùng đoàn phim tiếp nhận bối cảnh từ Phó Quản đốc phân xưởng Thiết kế Mỹ thuật Trần Ngọc Truật và chú Đạt (Tổ trưởng tổ dựng cảnh) cùng anh Mậu Thịnh (Tổ trưởng Tổ trang trí - Mỹ công) nơi tôi gắn bó 3 năm trời từ năm 1976-1978.
Bối cảnh giả căn nhà chủ nhiệm hợp tác xã được tổ dựng cảnh (chú Đạt), tổ đạo cụ (chú Hồ Sĩ Chi) và tổ Trang trí Mỹ Công (các anh Mậu Thịnh, Hoàng Chí Long, Lê Chấn, các chị Đoàn Lê, Bích Hải, chị Hoàn… chú Lê Văn Nồng, chú Quý, em Cương… cùng Hồ Ngọc Thạch và Đỗ Lệnh Hùng Tú) tái hiện như thật.
Qua cửa sổ là phông vẽ phong cảnh một cánh đồng lúa có mái đình nép dưới bóng cây đa làng. Để khỏi lộ những nhát chổi vẽ, anh Thịnh và anh Long dùng dụng cụ phun đều trước khi căng đều tấm phông sau cửa sổ. Trong nhà có rèm che một phần cửa sổ cho cảnh (vẽ phía sau bị đẩy lùi xa thêm cho khỏi lộ).
Sau này, khi có dịp sang Hàn Quốc mới biết nước bạn phóng ảnh thay phông vẽ và không làm phông nút buộc dây cố định vào thanh sắt trên/dưới như ta mà in ảnh rồi căng trên khung lớn có bánh xe đẩy để thay vào từng vị trí mà góc máy quay phim cần hướng tới khi ghi hình".
Theo Chủ tịch Hội Điện ảnh Việt Nam, ông sẽ không bao giờ có thể nào quên được những phân tích của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi từ góc độ đạo diễn và thiết kế mỹ thuật. Càng không thể nào quên khi Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi nói với bác sĩ Trâm – em ruột của ông, cố gắng điều trị cho Đỗ Lệnh Hùng Tú khi ông nằm viện tại Bệnh xá Mai Hương (tiền thân của bệnh viện Thanh Nhàn).
"Không ngờ lần gặp chú Nguyễn Khắc Lợi tại sân bay, khi chú cùng gia đình bay vào Đà Nẵng lại là lần cuối cùng. Nay về nơi ấy có chú Đào Đức, chú Ngọc Truật, chú Lê Văn Nồng, anh Lê Chấn, chị Đoàn Lê, anh Minh (mộc), chú Quý, và chị Bích Hải… những người cùng thời đợi đón chú. Xin cúi đầu kính tiễn chú và phân ưu cùng tang quyến đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi".
Được nhiều thế hệ học trò gọi bằng "bác" xưng "con"
Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân cũng chia sẻ rằng, chị rất biết ơn Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi – người mà chị gọi bằng "bác". Chị vẫn nhớ, những ngày mới chập chững bước chân vào nghiệp diễn, chị được đóng vai Kim Chi - vai phụ trong bộ phim "Tướng về hưu" do Nghệ sĩ Nhân dân Bùi Đình Hạc đạo diễn, và có sự hợp tác của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi. Đó là vai phụ thứ hai trong cuộc đời làm nghệ thuật của chị.
"Ngày đó, khi tôi được Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi chọn đóng vai này, tôi hạnh phúc nhưng cũng lo lắng vô cùng. Tuy nhiên, khi được Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi hướng dẫn, chỉ bảo tận tình tôi đã ổn định tâm lý hơn, nhập vai tốt hơn.
Rồi sau này, tôi còn được làm việc với Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi trong những phim khác như "Hà Nội 12 ngày đêm" và những phim ông hướng dẫn cho sinh viên của mình. Tôi luôn cảm thấy ấm áp khi được làm phim, được ở bên cạnh một người cha như Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi. Và chắc không chỉ tôi mà những ai từng làm việc chung với Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi cũng sẽ có những cảm xúc như thế.
Mỗi khi xong 1 ngày quay, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi thường là người về sau cùng. Trước khi về, ông gọi hết từ diễn viên, quay phim, phục trang, thư ký rồi nói: "Xong rồi, chúng mày về đi". Chúng tôi và những thế hệ học trò sau này luôn nhớ và biết ơn Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi", Nghệ sĩ Ưu tú Chiều Xuân bộc bạch.
Tương tự, đạo diễn Vũ Linh cũng kể rằng, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi là người mà rất nhiều thế hệ học trò từng gọi bằng "bác", xưng "con". Ông là người thầy rất gần gũi và giản dị với học trò. Ông gần gũi tới mức gọi học trò là "chúng mày", tếu táo trong từng câu chuyện và sẻ chia với nhau từng điếu thuốc…
"Khi Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi tuổi đã cao, chúng tôi chuyển gọi thầy là "cụ", xưng "con". Lần nào qua nhà thăm cụ, cụ cũng đọc tên vanh vách từng đứa, nói rõ cá tính và đặc điểm riêng của từng đứa. 93 tuổi là cái tuổi xưa nay hiếm, nhất lại càng hiếm đối một con người mải miết cống hiến cho nền điện ảnh nước nhà, cho biết bao thế hệ đạo diễn như Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi.
Ngày xưa, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi làm bạn với thuốc lá cho đến những năm gần 90 tuổi, do sức khỏe suy giảm kèm theo nhưng cơn ho khan, khó thở… cụ mới nghe theo lời khuyên của bác sĩ để tuyệt giao với khói thuốc.