Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi: Những câu chuyện "cười chảy nước mắt"
Những câu chuyện "cười chảy nước mắt" về đạo diễn phim Tướng về hưu
Hà Tùng Long
Thứ bảy, ngày 03/08/2024 15:06 PM (GMT+7)
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã đã chia sẻ với Dân Việt những câu chuyện "cười chảy nước mắt" về đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi.
Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc: "Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi rất tôn trọng diễn viên"
Đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi từng có nhiều năm giảng dạy tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Ông là thầy của rất nhiều thế hệ đạo diễn nổi tiếng của Việt Nam như: Phạm Nhuệ Giang, Đặng Thái Huyền, Trịnh Quang Tùng, Trịnh Lê Phong…
Ông đồng thời là đạo diễn của nhiều phim truyện điện ảnh gây tiếng vang như: Tướng về hưu, Cuộc chiến đấu vẫn còn tiếp diễn, Hai bà mẹ, Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Tiếng cồng định mệnh, Miền đất không cô đơn…
Sự ra đi của ông ở tuổi 93 dù đã được "báo" trước nhưng vẫn khiến không ít người cảm thấy tiếc thương. Hình ảnh một vị đạo diễn có khuôn mặt hiền từ, nụ cười phúc hậu và tác phong làm việc chuyên nghiệp vẫn hằn in trong ký ức của nhiều người.
Chia sẻ với Dân Việt, Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc bộc bạch rằng, năm 1988, bà được đạo diễn, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi mời tham gia phim Tướng về hưu với vai bác sĩ Thủy - con dâu vị tướng già mà không cần phải qua thử vai dù lúc đó đã có "trào lưu casting" để chọn diễn viên phù hợp với nhân vật. Trong quá trình thực hiện bộ phim, câu mà Nghệ sĩ Nhân dân Hoàng Cúc nghe được nhiều nhất từ miệng của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi là "tùy mày" hoặc "kệ mày". Theo nữ nghệ sĩ, Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi chỉ gọi ai đó là "mày" khi thực sự thân thiết và quý mến người đó.
"Tôi nhớ, bước vào quay cảnh đầu tiên của phim Tướng về hưu là lúc đó tôi đi diễn ở Việt Trì (Phú Thọ) nhưng do mưa nên được về sớm và tôi đã đi thẳng đến phim trường để quay luôn. Quay xong cảnh đầu đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi hài lòng lắm. Sang cảnh thứ hai thì tôi lại thấy không ổn vì lúc đó để tóc dài, mặt hơi bị hiền lành, chưa ra được chất của nhân vật nên hôm sau tôi đi làm tóc lệch. Chính mái tóc này sau đó đã làm nên thương hiệu Hoàng Cúc. Việc làm tóc này tôi không xin phép đạo diễn mà tự ý làm nên hôm sau lên bối cảnh tôi rất sợ bị mắng. Gặp đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi tôi rón rén hỏi: "Anh ơi, em làm đầu tóc như này được không?", ông ấy bảo: "Kệ mày".
Sau này, có những cảnh họa sĩ đưa quần áo cho nhưng tôi không đồng ý. Tôi bảo: "Ngồi trong nhà ai lại mặc thế này! Phải may cho em bộ quần áo ngủ thật đẹp và sang". Đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi bảo: "Ờ đúng, con này phải mặc đẹp. Trong phim nó là trí thức, có tiền… nên ăn mặc phải ra dáng người có tiền chứ". Nghĩa là tôi nói gì đạo diễn cũng rất ghi nhận và hợp tác.
Thậm chí, khi họa sĩ định quay cảnh bác sĩ Thủy vừa ngồi hút thuốc, vừa đếm tiền trên bộ bàn trà nhưng tôi thấy không ổn nên đề nghị được quay cảnh đó dưới nền nhà cũng được đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đồng ý luôn. Lần nào quay xong một cảnh mà hài lòng với những cảnh đó, anh Nguyễn Khắc Lợi sẽ bảo: "Con này ăn vai thế, không ngờ con này lại ăn vai vậy".
Và đúng, minh chứng cho lời khen "Con này ăn vai thế" của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi là sau đó vai diễn của tôi được trao giải Nữ diễn viên xuất sắc nhất tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ IX (năm 1990). Tại Liên hoan này, bộ phim Tướng về hưu cũng được trao giải Bông Sen bạc (không có giải vàng). Chính bộ phim này của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi đã đưa tên tuổi của tôi đến gần hơn với khán giả trong lĩnh vực điện ảnh.
Sau này, dù rất muốn mời tôi tham gia các phim khác của mình nhưng anh Nguyễn Khắc Lợi biết quy định nghệ sĩ ra ngoài đóng phim ở Nhà hát Kịch Hà Nội rất chặt chẽ và khắt khe nên không dám. Anh Nguyễn Khắc Lợi bảo: "Muốn mời bà này đi đóng phim mà khó lắm!".
Làm phim với đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi tôi rất thích vì anh ấy là một người rất gần gũi, thân thiện và tôn trọng diễn viên. Cảnh nào quay xong mà vừa ý là cười rất tươi: "Thôi được rồi, diễn thế đạt rồi". Cảnh nào chưa được thì cũng nhẹ nhàng bảo quay lại chứ không căng thẳng hay mắng mỏ ai bao giờ. Chính vì thế mà chúng tôi luôn cảm thấy ấm áp khi làm việc cùng anh Nguyễn Khắc Lợi".
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã: "Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi bị điếc khá sớm"
Nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã từng có nhiều năm được làm đồng nghiệp đàn em của Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi khi về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam (số 4 Thụy Khuê, Hà Nội) và giảng dạy tại Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội. Chia sẻ với Dân Việt, nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã cho biết, người đầu tiên bà biết đến khi được về công tác tại Hãng Phim truyện Việt Nam là Nghệ sĩ Nhân dân Nguyễn Khắc Lợi.
"Thời điểm đó, khi tôi viết kịch bản tốt nghiệp Đại học Sân khấu – Điện ảnh Việt Nam thì thầy Bành Châu có bảo tôi mang kịch bản này đến Hãng Phim truyện Việt Nam gặp đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi – lúc đó đang làm Xưởng trưởng Xưởng làm phim 3 của Hãng phim.
Trước đó, tôi chưa biết đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi nên trong hình dung vẫn nghĩ một người làm nên bộ phim như Tướng về hưu thì bên ngoài chắc phải cao to, lịch lãm, tài tử như đạo diễn Hải Ninh, Nguyễn Thụ… Nhưng khi đến nhà ông thì tôi thấy kinh ngạc lắm. Đón tôi là một người đàn ông nhỏ nhắn, hiền lành và vui vẻ. Tôi vẫn nhớ, trong buổi gặp hôm đó tôi gặp cả ông Lê Phương (chồng của nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã sau này), cả hai đang bàn chuyện. Tôi thấy ông Lê Phương la hét, quát lác… đủ mọi thứ mà ông Nguyễn Khắc Lợi vẫn ngồi cười. Tức là họ chịu đựng nhau quen rồi và người chịu đựng là ông Nguyễn Khắc Lợi. Sau này, tôi chứng kiến cũng rất nhiều lần ông Lê Phương "nổi đóa" với ông Nguyễn Khắc Lợi nhưng ông Lợi lành quá nên không nói lại được Lê Phương khi ông ấy cáu.
Sau này, về Hãng Phim truyện Việt Nam công tác một thời gian rồi tôi mới thấy hai ông thân nhau một cách rất kỳ quặc. Lúc nào vào công việc thì ông Nguyễn Khắc Lợi cứ để cho ông Lê Phương cáu gắt, la lối… xong ông Nguyễn Khắc Lợi chốt một câu thì ông Lê Phương chịu luôn. Tức là người rất lành, điềm tĩnh, không chấp người khác nhưng lại rất sâu sắc. Ông Lê Phương từng rất thương ông Nguyễn Khắc Lợi khi biết ông Lợi bị điếc, nói chuyện với nhau phải hét lên".
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã, sau này, khi gia đình nhà văn Lê Phương thân thiết với gia đình đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi, bà nhận ra dù hai người đối lập nhau về tính cách nhưng lại rất tôn trọng và quý mến nhau. Ông Lê Phương luôn có "sự kiêu hãnh ngầm" nên ít khi xuống nước trước với ai nhưng với đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi thì ông thường xuống nước làm lành trước. Đó cũng là một cách thể hiện sự tôn trọng đồng nghiệp – người anh em của mình.
"Ông Nguyễn Khắc Lợi luôn luôn là một người hiền lành, dễ tha thứ cho người khác và không bao giờ mưu cầu cái gì cho bản thân cả. Ông bị điếc khác sớm nên mỗi lần nói chuyện hay giảng bài đều nói rất to. Thời điểm tôi về dạy ở trường Đại học Sân khấu – Điện ảnh Hà Nội, tôi thường nghe sinh viên tấm tắc khen các bài giảng của thầy Lợi nên tò mò đứng ngoài nghe và qur thật đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi có một cách dạy rất hay.
Các bài giảng của ông dí dỏm, hài hước và sinh động nên rất cuốn hút sinh viên. Nhưng bên cạnh đó, ông Nguyễn Khắc Lợi có một cái hay nữa là trong các bài giảng, khi khen về một phim nào đó, ông ấy thường lấy phim của người khác ra để làm ví dụ; còn khi chê thì mới lấy phim mình ra. Đó là một kiểu "chơi" rất đẹp và càng làm người khác kính trọng ông hơn", nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã bày tỏ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.