Điều ít biết về các diễn viên “sống chết” với nghề lồng tiếng từ thời phim bộ TVB thập niên 90

Hà Tùng Long Thứ năm, ngày 01/08/2024 10:42 AM (GMT+7)
Dù đã trải qua hơn 30 năm làm nghề nhưng nhiều diễn viên lồng tiếng gắn với các bộ phim của TVB một thời như: Nguyễn Vinh, Huy Hồ, Bích Ngọc... vẫn đắm đuối với nghề, vẫn miệt mài cống hiến.
Bình luận 0

Những bộ phim đã nằm sâu trong ký ức

Từ thập niên 90, hàng loạt bộ phim nổi tiếng của Hồng Kông, nhất là các bộ phim được sản xuất bởi TVB (đài truyền hình nổi tiếng tại Hồng Kông) đã được yêu thích rộng rãi tại Việt Nam. Có thể kể đến một loạt phim như: "Song hùng kỳ hiệp", "Cô gái Đồ Long", "Thần điêu đại hiệp", "Anh hùng xạ điêu"

Thời điểm đó, phim bộ của TVB trở thành "món ăn tinh thần" không thể thiếu của nhiều khán giả. Người người, nhà nhà thi nhau thuê đầu video, mượn băng về "luyện phim", tạo nên một "cơn sốt" chưa từng có.

Điều ít biết về các diễn viên “sống chết” với nghề lồng tiếng từ thời phim bộ TVB- Ảnh 1.

"Thiên Long bát bộ" từng là bộ phim được rất nhiều khán giả yêu thích thập niên 90. Ảnh: TL

Những bộ phim của TVB thời đó không chỉ hấp dẫn khán giả Việt bởi nội dung đặc sắc, dàn diễn viên diễn xuất tốt, ngoại hình đẹp mà còn bởi giọng lồng tiếng chuyên nghiệp, truyền cảm của những "người hùng giấu mặt" – diễn viên lồng tiếng.

Theo chị Trần Bảo Ngọc – TP.HCM, nhắc đến phim bộ và lồng tiếng là cả tuổi thơ của chị ùa về bởi bản thân chị là một "fan cuồng" của TVB. Chị vẫn nhớ rõ rất nhiều bộ phim do Trương Quốc An, Vũ Ngọc Thạch dịch; Thế Thanh, Bích Ngọc, Thanh Phúc, Nguyễn Vinh, Bá Nghị, Thu Hương... lồng tiếng.

"Có thể lớp trẻ ngày nay nó không giống thế hệ của tụi mình ngày xưa, khi mà xã hội hiện đại phát triển, các bạn ấy chỉ quan tâm theo dõi idol, theo dõi trào lưu… thì những thế hệ 7x-8x như mình đây mới là thú vui đích thực.

Mỗi ngày sau những giờ học hành căng thẳng trên lớp, về nhà sau bữa cơm thì cả nhà lại quây quần bên chiếc tivi cũ kỹ, những chiếc đầu máy lỗi thời, những đồ quay băng ọp ẹp, cùng nhau thưởng thức những bộ phim TVB kinh điển, cùng nghe được giọng nói của những diễn viên lồng tiếng mà chưa bao giờ biết mặt".

Điều ít biết về các diễn viên “sống chết” với nghề lồng tiếng từ thời phim bộ TVB- Ảnh 2.

Diễn viên lồng tiếng Nguyễn Vinh từng lồng tiếng vai Đường Tăng phim "Tây Du Ký". Ảnh: FBNV

Theo chị Trần Bảo Ngọc, ngày đó xem phim, khi nghe đến những vai trẻ em chị thường nói với mẹ rằng: "Sao con nít gì mà hay quá vậy, lồng tiếng nói chuyện thấy cưng quá trời!". Mãi sau này chị mới biết, thật ra giọng nói ấy toàn là của các diễn viên lồng tiếng. Một mình họ có thể lồng tiếng cho nhiều nhân vật trong cùng một bộ phim.

"Bây giờ tôi đã hiểu vì sao người ta gọi các diễn viên đóng phim là diễn viên màn ảnh, những người lồng tiếng thì gọi là diễn viên lồng tiếng. Một công việc giấu mặt, nhưng lại là một công việc không phải ai cũng có thể làm được", chị Trần Bảo Ngọc nói thêm.

Những diễn viên lồng tiếng "sống chết" với nghề

Nhắc đến đội ngũ diễn viên lồng tiếng lâu năm ở Sài Gòn thập niên 80 - 90 phải nói dàn diễn viên lồng tiếng mang tên Sanyang (đường Cô Bắc, Q.1, TPHCM) trước đây gồm 12 người: Nguyễn Vinh, Huy Hồ, Hà Thao, Khánh Văn, Thiên Bảo, Đình Tuấn, Bích Ngọc, Thanh Bình, Minh Thảo, Thùy Trang, Tuyết Mai, Khánh Phương.

Điều ít biết về các diễn viên “sống chết” với nghề lồng tiếng từ thời phim bộ TVB- Ảnh 3.

Nguyễn Vinh hiện thu âm kinh Phật và ăn chay trường. Ảnh: FBNV

Trong đó, Nguyễn Vinh là nam diễn viên chuyên lồng tiếng cho các diễn viên của TVB như: Trương Trí Lâm vai Quách Tĩnh, Tăng Vỹ Quyền vai Quách Khiếu Thiên phim "Anh hùng xạ điêu"; Đàm Diệu Văn vai Lai Bố Y, Bạch Bưu vai Tần Cối phim "Thanh kiếm Tiềm Long"; Bạch Bưu vai Quách Tĩnh phim "Thần điêu đại hiệp"; Hà Bửu Sinh vai Lâm Bình Chi, Vương Vĩ vai Nhạc Bất Quần phim "Tiếu ngạo giang hồ"; Phàn Thiếu Hoàng vai Hư Trúc, Lý Hồng Kiệt vai Đoàn Diên Khánh, Vương Vĩ vai Gia Luật Hồng Cơ phim "Thiên Long bát bộ"…

Nhiều người cho rằng, trong dàn diễn viên lồng tiếng ở Sài Gòn thập niên 90, nếu giọng của Nguyễn Vinh "là số 2 không có ai số 1". Ông chuyên trị lồng tiếng cho các diễn viên điển trai, soái ca, hào hiệp… Nguyễn Vinh tham gia lồng tiếng cho Sài Gòn phim (TVB) từ năm 1991. Ngoài lồng tiếng phim, ông còn thu âm "Kinh Vô Lượng" khoảng 100 tập, 60 phút/tập của Pháp sư Tịnh Không.

"Khi lồng tiếng, điều quan trọng là tập trung cho nhân vật, nhập tâm cùng vai diễn. Trong phim bộ Hồng Kông TVB cũng nhờ tông giọng tiếng Hoa, hầu hết là tiếng gốc Quảng Đông. Ở đây họ nói rất rõ như kịch sân khấu nên mình biết được âm điệu, âm tiết, nghe tông họ xuống hay lên đoán được. Như vậy khi lồng vào, mình đi sát được tình cảm nhân vật hơn. Tuy không biết tiếng Hoa nhưng do lồng nhiều nên 5 - 10 chữ biết được vài chữ tiếng Hoa, khi đến câu nào, từ nào mình cũng chủ động được, biết được trước câu thoại sau, để lỡ đọc nhanh hay chậm, mình còn tiết chế, tăng giảm theo, cũng có lúc "ăn gian" nói lời thoại khi không có cảnh nhân vật", Nguyễn Vinh từng chia sẻ về nghề.

Điều ít biết về các diễn viên “sống chết” với nghề lồng tiếng từ thời phim bộ TVB- Ảnh 4.

Diễn viên lồng tiếng Huy Hồ. Ảnh: FBNV

Huy Hồ cũng là một nam diễn viên lồng tiếng được nhiều người biết đến thời những phim bộ của TVB còn thịnh hành. Ông tốt nghiệp khóa lồng tiếng phim Trung tâm Điện ảnh và Băng từ TP.HCM năm 1987. Lúc đầu, ông tham gia lồng tiếng cho phim của hãng TVB (Hồng Kông), sau đó chuyển qua San Yang (Đài Loan) và Yaway. Từ năm 2003 đến nay trở lại lồng tiếng cho phim của hãng TVB.

Ông từng lồng tiếng cho Trịnh Chí Vỹ vai Tất Thanh phim "Tế Công"; Ngọc Thượng vai Thái Hán Anh phim "Trung Nguyên kiếm khách"; Hứa Thiệu Hùng vai Lâm Nhất Bân phim "Lực lượng hải quan"; Cố Trí Cương vai Tống Nhân Tông phim "Thời niên thiếu của Bao Thanh Thiên"; Nhan Quốc Lượng vai Thạch Đại Xuyên, Lưu Đan vai Hoàng thượng, La Hạo Giai vai Lăng Công Công phim "Gia đình vui vẻ"; Liêu Khải Trí vai Mộ Dung Bạch phim "Khôi phục giang sơn"; Lưu Giang vai Ly Dân Cư Sĩ phim "Lục Tiểu Phụng"; Đường Văn Long vai Đới Quang Minh phim "Người cha tuyệt vời"…

Đam mê công việc lồng tiếng, Huy Hồ được xem là nam diễn viên lồng tiếng ở Việt Nam thành công nhất dạng vai thái giám. Khả năng nhập vai xuất thần của ông đến độ không ít người trong nghề kháo nhau rằng ở vai diễn này, nếu Huy Hồ tự nhận mình hạng hai thì không ai dám nhận hạng nhất. Chính ông là người trực tiếp lồng tiếng và tạo được tiếng vang lớn cho nhân vật thái giám phản diện Hòa Thân trong suốt 4 phần "Bản lĩnh Kỷ Hiểu Lam" khi bộ phim được phát hành chính thức ở Việt Nam. Hiện tại thì ngoài lồng tiếng ra, diễn viên Huy Hồ còn đọc kinh Phật.

Điều ít biết về các diễn viên “sống chết” với nghề lồng tiếng từ thời phim bộ TVB- Ảnh 5.

Diễn viên lồng tiếng Bích Ngọc. Ảnh: FBNV

Bích Ngọc là bà xã của diễn viên Công Hậu, được mệnh danh là "phù thủy lồng tiếng". Bích Ngọc vốn xuất phát điểm diễn viên kịch nói, từng diễn cho đoàn Kim Cương và đoàn kịch nói trẻ TP.HCM. Năm 1991, thời điểm hãng phim TVB tuyển diễn viên lồng tiếng, nữ diễn viên đã nộp đơn đăng ký thi vào và bất ngờ trúng tuyển. Từ ý nghĩ ban đầu đăng ký dự tuyển chỉ vì đam mê và lo cho gia đình nhưng không ngờ đến nay bà đã gắn bó với nghề được hơn 33 năm.

Hơn 3 thập kỷ, Bích Ngọc thổi hồn giọng nói cho các minh tinh nổi tiếng Hồng Kông như: Cô Cô, Triệu Mẫn, Tuyên Huyên, Lý Nhược Đồng, Đặng Tụy Văn, Ôn Bích Hà, Châu Hải My, Đặng Tụy Văn, Trần Tú Văn, Quách Ái Minh, Trần Tùng Linh…

Bích Ngọc nhớ thời hoàng kim của phim bộ, nhà nhà đều mở xem nên hễ ra đường là nghe giọng mình. Hay mỗi dịp ra chợ mua đồ gặp khán giả bắt chuyện khen: "Chị lồng vai này vai kia hợp quá!", bà cảm thấy rất hạnh phúc. Những kỷ niệm dẫu nhỏ nhưng là hành trang ký ức khó quên theo người diễn viên suốt chặng đường làm nghề.

Là gương mặt gạo cội, Bích Ngọc đến nay vẫn giữ thói quen xem lại những đoạn trong các bộ phim mình đã lồng tiếng. Bà vui khi thấy vai diễn được khán giả yêu thích song cũng buồn khi thấy một số sản phẩm chưa hay hoặc chưa tốt. Trước những khen chê, Bích Ngọc vẫn trân trọng và cám ơn bởi bà xem đó như một lời góp ý chân tình, giúp diễn viên có thể vững vàng đi trên con đường này cho đến ngày nay.

Bích Ngọc kể, có giai đoạn áp lực công việc và cuộc sống, não gần như không hoạt động. Đi làm từ sáng sớm tới tối mịt mới về, một tay bà lái xe, tranh thủ lót dạ bằng ổ bánh mì để kịp "chạy show". Guồng quay ấy lặp đi lặp lại trong nhiều năm cho tới khi bà kiệt sức phải nhập viện cấp cứu.

"Nhiều lúc đầu óc tôi trống rỗng, chạy xe một mình giữa xa lộ, lấn qua lằn ranh của xe tải khi người ta bóp còi inh ỏi mới giật mình. Đến phòng thu cầm tờ giấy kịch bản lên trên tay nhưng không nói được, tự nhiên nước mắt cứ rơi…", bà chia sẻ.

Ngoài lồng tiếng phim, Bích Ngọc hiện tham gia giảng dạy bộ môn Tiếng nói Sân khấu cho các trung tâm, học viện đào tạo diễn viên trẻ. Bà cũng trở về sân khấu Hoàng Thái Thanh của nghệ sĩ Ái Như, diễn kịch trong các vở "Lạc dòng", "Bông hồng cài áo"… 33 năm theo nghề lồng tiếng, Bích Ngọc được đồng nghiệp và khán giả ưu ái với danh xưng "Phù thủy lồng tiếng". Bà xem đây là món quà của nghề, cũng là sự trân trọng có được từ chính thành quả lao động với gia tài là hàng nghìn vai diễn lớn nhỏ.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem