Theo bạn Trần Đinh Khánh Linh, địa chỉ làng nổi Tân Lập tại PX7Q+V27, quốc lộ 62, thuộc xã Tân Lập, huyện Mộc Hóa, tỉnh Long An, cách biên giới Campuchia khoảng hơn 15km về phía Nam, cách TP.HCM khoảng 100 km. Để di chuyển tới làng nổi này, Khánh Linh và bạn đã tự đi xe máy từ Sài Gòn xuống làng nổi Tân Lập, dù chưa biết đường nhưng bạn đã search đường đi từ Sài Gòn đến làng nổi Tân Lập.
"Trộm vía đường khá dễ đi, kiểu một đường thẳng thôi, không có vòng vèo gì nhưng đường xóc như cưỡi ngựa vậy", Khánh Linh nói.
Theo Khánh Linh, cô và bạn xuất phát từ Sài Gòn từ 6h30 đến 11h đến làng nổi Tân Lập, thời gian di chuyển lâu như vậy vì cả hai đã gặp trời mưa nên không dám đi nhanh.
"Giá vé vào cổng làng mua theo combo tham quan 3 điểm chính là 180.000 đồng/vé, nếu đi ba ngày cuối tuần, thứ 6,thứ 7, chủ nhật sẽ là 350.000 đồng/vé.
Ba điểm chính là đầm sen, đầm súng di chuyển bằng tàu máy vỏ lãi, sau đó là trải nghiệm xuồng ba lá vào khu rừng chàm.
Rồi chinh phục cung đường xuyên rừng với điểm nhấn là cầu chữ X (gọi là chinh phục vì đi một vòng rừng tràm tầm 5km).
Khi ngồi trên tàu máy vỏ lãi, ngắm những vạt sen, những bông hoa súng nở rực rỡ soi bóng xuống mặt nước, phía sau là hàng rừng tràm xanh mướt, hít một hơi thật dài, tôi cảm nhận bầu không khí trong lành tràn đầy lồng ngực, sự khoan khoái khiến tôi cảm thấy nhẹ bẫng, thư thái.
Khi ngồi trên xuồng ba lá đi qua những kênh rạch, len lỏi trong khu rừng chàm, mùi hương tràm bay thoang thoảng trong gió, thi thoảng nhìn những cánh chim chao liệng trên bầu trời xanh ngắt tôi thấy một cảm giác bình yên đến kỳ lạ", bạn Khánh Linh chia sẻ.
Được biết, làng Nổi Tân Lập trước kia là một vùng đất quanh năm ngập nước. Người dân nơi đây dần sống chung với lũ và thường xây nhà trên những khu gò cao lêu khêu, cứ mỗi độ nước về là sàn nhà cũng được nâng lên theo mực nước, dần dà cái tên "làng nổi" cũng được ra đời từ đó.
Vào mùa nước nổi, bốn bề đồng ruộng chìm ngập trong nước. Từ trên cao nhìn xuống, làng nổi Tân Lập tựa như những chiếc bè xanh khổng lồ nổi bồng bềnh giữa biển nước trắng xóa. Tất cả tạo nên một bức tranh thiên nhiên tuyệt đẹp mà bất kỳ du khách nào cũng nên chiêm ngưỡng ít nhất một lần trong đời.
Làng nổi Tân Lập có diện tích lên đến 135ha và trở thành khu du lịch sinh thái, điểm đến cho du khách vui chơi giải trí và nghỉ dưỡng của du khách thập phương.
Ngoài những điểm check in, tham quan quanh làng nổi Tân Lập, ở đây còn có nhiều hoạt động cho du khách như xả stress với các trò chơi dân gian hấp dẫn như: cầu khỉ, bập bênh, xích đu, cầu thăng bằng… các trò chơi tập thể (có tính phí): bịt mắt bắt vịt, bắt lươn trong lu, tác ao bắt cá,...
Bên cạnh đó là thưởng thức các món đặc sản đậm chất miền Tây, nguyên liệu dân dã nhưng lại có hương vị đậm đà, hấp dẫn khó quên như: Cá linh chiên giòn; Cá lóc nướng trui; Cá rô kho tộ; Lươn xào nghệ; Canh chua; Lẩu mắm; Rau rừng chấm kho quẹt…
Chia sẻ về kinh nghiệm khi tham quan, khám phá làng nổi Tân Lập, nữ du khách đến từ TP.HCM cho biết, giờ tham quan đẹp nhất trong ngày tại làng nổi Tân Lập là từ 9h sáng đến 16h chiều.
Để có những bức hình cực chill, du khách nên mặc đồ màu sáng (trắng, be, đỏ, vàng…) để nổi trên nền rừng tràm xanh mướt.
Vì là khu du lịch sinh thái, với hoạt động, trải nghiệm ngoài trời du khách nên mang theo mũ, áo mưa, ô, kính râm, bôi kem chống nắng, thuốc xịt muỗi.
Thời điểm lý tưởng nhất để đi làng nổi Tân Lập là từ khoảng tháng 8 đến tháng 11 âm lịch, khi những cánh đồng sen nở rộ.
Cách di chuyển tới Tân Lập có nhiều cách, du khách có thể di chuyển bằng xe công cộng như xe bus.
Từ bến xe Miền Tây hay bến xe Chợ Lớn du khách mua vé xe bus đến thẳng khu du lịch.
Nếu đi bằng ô tô, xe máy bạn chạy theo Quốc lộ 1A về thành phố Tân An (Long An) khoảng 40km, tiếp tục đi theo quốc lộ 62 về huyện Mộc Hóa khoảng 62km là tới làng nổi Tân Lập. Du khách dùng Google Map hoặc hỏi người dân chỉ đường sẽ không sợ bị lạc.
Hoặc xuất phát từ trung tâm thị trấn Củ Chi chạy theo hướng huyện Bến Lức (Long An) chừng 70km cho tới khi gặp ngã ba cuối đường, rẽ phải thêm 35km nữa là đến nơi.
"Một ngày trải nghiệm đáng nhớ với tôi khi được hòa mình vào thiên nhiên, được thư giãn, cảm nhận sự bình yên và đặc biệt có những bức ảnh để lưu lại trong hành trang thanh xuân của mình. Làng nổi Tân Lập đã không làm tôi thất vọng, tôi sẽ còn quay lại, sẽ trải nghiệm tiếp những điểm đến mà tôi chưa kịp khám phá ở đây", Khánh Linh cho biết.