Hiện nay, tỉnh Bình Định đang tập trung thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững và lồng ghép các chương trình mục tiêu quốc gia khác.
Mục tiêu tổng quát của Kế hoạch Thực hiện công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh Bình Định giai đoạn 2024 – 2025, là thực hiện mục tiêu giảm nghèo đa chiều, bao trùm, bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh nghèo.
Hỗ trợ người nghèo, hộ nghèo vượt lên mức sống tối thiểu, tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản theo chuẩn nghèo đa chiều quốc gia, nâng cao chất lượng cuộc sống; hỗ trợ huyện nghèo thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Cụ thể, phấn đấu đến cuối năm 2024, tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bình Định còn 1,13%, giảm 2% so với năm 2023 (8.848 hộ nghèo thoát nghèo), đưa tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh thấp hơn mức bình quân chung của cả nước (dự kiến cả nước còn từ 1,93% - 1,83%).
Năm 2025, tiếp tục duy trì tỷ lệ nghèo của tỉnh thấp hơn bình quân chung của cả nước. Dự kiến tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Bình Định dưới 0,7% so với tỷ lệ hộ nghèo cả nước (dự kiến cả nước còn từ 0,9%-0,8%). Tỷ lệ hộ nghèo dân tộc thiểu số giảm từ 3%/năm đến 4%/năm. Một số xã, phường của thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn và TP.Quy Nhơn không còn hộ nghèo. Các huyện Vân Canh, Vĩnh Thạnh và An Lão, phấn đấu đến năm 2025 tỷ lệ hộ nghèo dưới 6%. Huyện nghèo An Lão thoát khỏi tình trạng nghèo, đặc biệt khó khăn.
Theo Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định Đỗ Thị Diệu Hạnh, thời gian qua, hoạt động giảm nghèo trở thành phong trào sâu rộng, được các cấp, các ngành và chính quyền các địa phương phối hợp, tổ chức thực hiện chặt chẽ, kịp thời, đúng đối tượng. Ngoài ra, các ban, ngành, địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, dự kiến cuối năm 2024 sẽ thực hiện đạt và vượt các chỉ tiêu đã đề ra.
Đối với huyện nghèo An Lão, cuối năm 2024, huyện phấn đấu giảm tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo còn 17,23%; đến cuối năm 2025 tỷ lệ này còn dưới 6%. Để đạt được mục tiêu đề ra, ông Đinh Văn Phú - Phó Chủ tịch UBND huyện An Lão cho hay: "Huyện ủy, UBND huyện và các hội, đoàn thể đang tập trung nhiều giải pháp căn cơ, cụ thể. Trong đó, cuối năm nay, chúng tôi sẽ hoàn thành cấp đất và chuyển đổi nghề cho 420 hộ thiếu đất sản xuất".
Để công tác giảm nghèo bền vững đạt hiệu quả, tỉnh Bình Định tiếp tục đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền phổ biến chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về công tác giảm nghèo bền vững để các cấp, các ngành, các địa phương hiểu và thống nhất thực hiện.
Theo UBND tỉnh Bình Định, vấn đề lớn nhất trong giảm nghèo trên địa bàn tỉnh là việc làm và nâng thu nhập của người dân.
Do vậy, các sở, ngành, địa phương cần tập trung giải quyết việc làm tại chỗ, hỗ trợ sản xuất kinh doanh cộng đồng, sản xuất kinh doanh theo chuỗi. Đặc biệt, phải rà soát chặt chẽ từng vấn đề của từng hộ ở từng địa phương để có giải pháp hỗ trợ phù hợp, kịp thời.
Các huyện miền núi trong tỉnh phải sớm hoàn thành việc giao đất cho hộ nghèo, cận nghèo sản xuất, phát triển kinh tế.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định Lâm Hải Giang yêu cầu, Sở TN&MT phối hợp với huyện An Lão nhanh chóng giao đất sản xuất cho 379 hộ nghèo, cận nghèo và phải hoàn thành trước tháng 9/2024.
"Việc giao đất cho các hộ nghèo của UBND huyện An Lão diễn ra nhiều năm rồi nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Đất có nhưng triển khai phương án phân bổ, làm thủ tục giao đất cho các hộ còn chậm. Đối với đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, đất là tư liệu sản xuất, không có đất làm sao sản xuất, tăng thu nhập để mà thoát nghèo?", ông Lâm Hải Giang nêu vấn đề.
Lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định yêu cầu, tuyên truyền kịp thời các gương điển hình trong lao động sản xuất vươn lên thoát nghèo, các mô hình hiệu quả góp phần nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hộ cận nghèo biết và học tập, noi theo.
Cùng với đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định giao Sở LĐ-TB&XH phối hợp với các sở, ngành, địa phương đánh giá cụ thể hiệu quả của công tác giảm nghèo trong từng tháng. Từ đó kịp thời giải quyết khó khăn, vướng mắc và đưa ra giải pháp cho giai đoạn sau.
Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, với nhiều chính sách hỗ trợ toàn diện như chính sách hỗ trợ BHYT, hỗ trợ xây dựng nhà ở cho hộ nghèo, cận nghèo... Tỉnh này, đang có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thực hiện công tác giảm nghèo bền vững.
"Vấn đề hiện nay, là phải triển khai thực hiện sao cho đồng bộ, đạt hiệu quả tốt nhất. Tôi tin với quyết tâm và tinh thần trách nhiệm, công tác giảm nghèo bền vững trên địa bàn tỉnh sẽ đạt chỉ tiêu đã đề ra", ông Lâm Hải Giang kỳ vọng.