Dân Việt

Nhiều “ông lớn” bất động sản đổ về miền Tây Nam bộ

Chấn Đức 05/08/2024 11:41 GMT+7
Năm 2024, trước những đổi thay tích cực về hạ tầng giao thông, hàng loạt doanh nghiệp bất động sản thuộc hàng "ông lớn" đã đổ vốn đầu tư tại các tỉnh miền Tây Nam bộ. Điều này hứa hẹn một sự khởi sắc cho thị trường bất động sản trong tương lai gần cho vùng đất "chín rồng".

Ngày 3/8 vừa qua, Tập đoàn Kita Group đã chính thức khởi công xây dựng khu căn hộ cao cấp Stella Icon (quy mô 6.026 m2, 294 căn, thuộc dự án khu đô thị Kita Airport City, quận Bình Thủy, TP. Cần Thơ), với số vốn lên tới 440 tỷ đồng. Dự kiến khu căn hộ Stella Icon sẽ hoàn thành trong 18 tháng.

Ông Nguyễn Duy Kiên, Chủ tịch Kita Group cho biết: "Trước việc Chính phủ dốc toàn lực đầu tư phát triển hạ tầng cơ sở cho Đồng bằng sông Cửu Long, nhất là phát triển các cao tốc, cầu cống,... Tập đoàn chúng tôi quyết định đón đầu, đầu tư mạnh về các tỉnh miền Tây Nam bộ".

Lộ diện lý do "kéo" nhiều “ông lớn” bất động sản đổ về miền Tây Nam bộ- Ảnh 1.

Ngày 3/8/2024, Tập đoàn Kita Group khởi công dự án căn hộ cao cấp Stella Icon tại quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ, với vốn đầu tư hơn 440 tỷ đồng. Ảnh: Vân Nam

Ông Kiên bày tỏ sự hài lòng về công tác thủ tục hành chính, tạo điều kiện cho doanh nghiệp hoàn thiện hồ sơ dự án, về giao đất, triển khai dự án,… của chính quyền và cơ quan chức năng TP.Cần Thơ.

Ông Kiên cho biết thêm, trước khi đầu tư khu Stella Icon, Kita Group đã thành công với dự án Stella Mega City, tọa lạc trung tâm quận Bình Thủy, TP.Cần Thơ.

Hiện Cần Thơ cũng đang sôi động với nhiều dự án bất động sản khác, tập trung nhiều ở các quận Ninh Kiều, Cái Răng, Bình Thủy như: Nam Long Central Lake, An Phú Center Point, Khu đô thị An Phú Eco City, Khu đô thị mới STK An Bình, Khu dân cư Đại Ngân, Rivera Park, Khu đô thị Cồn Khương, Diamond City…

Đặc biệt, Tây Nam bộ đã đón nhận sự góp mặt của hầu hết "ông lớn" ngành địa ốc như: CEO Group, Sun Group, Văn Phú Invest, Nam Long, LDG Group, T&T Group,… với loạt dự án ở các phân khúc khác nhau.

Hầu hết các "ông lớn" trong làn sóng đầu tư này đều chung một mục tiêu là đón cơ hội, "ăn theo" sự phát triển mạnh mẽ về hạ tầng giao thông.

Lộ diện lý do "kéo" nhiều “ông lớn” bất động sản đổ về miền Tây Nam bộ- Ảnh 2.

Sau thời gian dài đóng băng, từ giữa năm 2024, nhà ở thuộc phân khúc tầm trung đang được giao dịch trở lại lại tại các dự án bất động sản ở miền Tây Nam bộ. Ảnh: Vân Nam

Trong số đó, phải kể loạt dự án "khủng" của loạt "ông lớn" như dự án khu đô thị Happy Home Cà Mau (Tập đoàn CIT Group) đón đầu cao tốc Cần Thơ – Cà Mau.

Giữa tháng 2/2024, liên danh Vinhomes và Tập đoàn Đầu tư Việt Nam (VIG) đã đăng ký thực hiện dự án Khu đô thị mới Phước Vĩnh Tây, thuộc huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Đây là dự án lớn có diện tích khoảng 1.090 ha, quy mô dân số khoảng 89.960 người. Sơ bộ tổng chi phí thực hiện dự án lên tới là 80.000 tỷ đồng, chi phí mặt bằng là 10.678 tỷ đồng.

Trước đó, Công ty Cổ phần Phát triển Thành Phố Xanh cũng xin thực hiện dự án Khu đô thị mới Hậu Nghĩa - Đức Hòa, huyện Đức Hòa, tỉnh Long An.

Thị trường bất động sản Long An cũng chào đón sự gia nhập của "ông lớn" Eurowindow, với tư cách là một trong 3 thành viên liên danh thực hiện dự án Khu đô thị tại phường 4 và phường 6, TP. Tân An.

Đại gia bất động sản nổi tiếng cả nước nữa là Ecopark cũng có cho mình một dự án khu đô thị mới tại Long An với diện tích 220ha, tổng mức đầu tư gần 17.000 tỷ đồng.

Lộ diện lý do "kéo" nhiều “ông lớn” bất động sản đổ về miền Tây Nam bộ- Ảnh 3.

Việc khánh thành và đưa vào hoạt động cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận đã kích hoạt sự trở lại của các "ông lớn" bất động sản về miền Tây Nam bộ. Ảnh: Thanh Xuân

Ông Dương Quốc Thủy, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Cần Thơ cho biết: "Bất động sản khu vực Tây Nam bộ hiện đang bước vào vận hội mới khi được Trung ương quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng giao thông, tạo đòn bẩy cho sự phát triển kinh tế - xã hội và mở ra không gian phát triển cho thị trường bất động sản trong vùng. Dự kiến đến năm 2025, toàn vùng sẽ có 550 km đường cao tốc. Trong đó, 2 tuyến cao tốc trọng điểm của vùng là tuyến cao tốc TP.HCM - Mỹ Thuận - Cần Thơ - Cà Mau và tuyến cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng".

Theo quy hoạch mạng lưới đường bộ giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050, khu vực miền Tây Nam bộ sẽ có 6 tuyến cao tốc với tổng chiều dài 1.166 km, quy mô 4-6 làn xe, với vốn đầu tư 154.210 tỷ đồng.

Hiện miền Tây Nam bộ đã hoàn thành và đưa vào khai thác các tuyến cao tốc, theo quy mô giai đoạn 1, với tổng chiều dài 193 km gồm cao tốc Bến Lức – Trung Lương (40 km), Trung Lương – Mỹ Thuận (51 km), Cao Lãnh – Lộ Tẻ (29 km) và Lộ Tẻ – Rạch Sỏi (51 km) và Mỹ Thuận – Cần Thơ (22 km). Dự kiến đến hết năm 2025, miền Tây Nam bộ sẽ có 300km đường cao tốc.

Không chỉ có giao thông đường bộ, theo quy hoạch đến năm 2030, miền Tây Nam bộ sẽ được đầu tư xây dựng mới và nâng cấp 4 cảng hàng không, 13 cảng biển, 11 cụm cảng hành khách và 13 cụm cảng hàng hóa đường thủy nội địa.

"Chắc chắn, với những tín hiệu, các con số khả thi nêu trên, thị trường bất động sản Tây Nam bộ sẽ có cơ hội khởi sắc, mà khởi đầu sẽ là năm bản lề 2024", ông Dương Quốc Thủy khẳng định.