Với vai trò Phó Chủ tịch Hội đồng tư vấn cải cách thủ tục hành chính của Thủ tướng Chính phủ, TS Vũ Tiến Lộc tư vấn, đề xuất với Thủ tướng Chính phủ các sáng kiến cải cách về cơ chế, chính sách, thủ tục hành chính liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân; Đánh giá việc thực hiện cải cách thủ tục hành chính tại các bộ, ngành, địa phương.
TS Vũ Tiến Lộc được xem là vị chuyên gia kinh tế sâu sắc để lại nhiều dấu ấn trên nghị trường và đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng doanh nghiệp.
Ông đã cùng các hiệp hội doanh nghiệp đề xuất với Thủ tướng Chính phủ chọn ngày 13/10 hàng năm là ngày Doanh nhân Việt Nam.
Ông đã nghiên cứu và tích cực phổ biến tư tưởng Hồ Chí Minh về doanh nghiệp và doanh nhân. Ông là người đầu tiên đưa ra thông điệp "Doanh nhân - người lính thời bình" và lập ra Cúp Thánh Gióng để tôn vinh các doanh nhân Việt Nam tiêu biểu.
Ông đã kiến nghị và là Trưởng Ban biên tập Đề án trình Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết về xây dựng và phát huy vai trò của đội ngũ doanh nhân Việt Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa và hiện đại hóa.
TS Vũ Tiến Lộc đã có sáng kiến đề xuất với Quốc hội khóa XIII lần đầu tiên hiến định vai trò của doanh nghiệp, doanh nhân trong Hiến pháp cùng các giai tầng khác như công nhân, nông dân, trí thức.
Ông có sáng kiến đề xuất chính thức hóa loại hình hộ kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, thúc đẩy quá trình minh bạch hóa và nâng cao năng lực cạnh tranh của khu vực kinh tế đang đóng góp tới 30% GDP trong nền kinh tế Việt Nam.
Dưới thời ông Lộc làm lãnh đạo, VCCI có nhiều chương trình hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa, khởi nghiệp quốc gia. Trong đó, VCCI đã tổ chức đại diện cộng đồng doanh nghiệp, để cùng nghiên cứu và công bố xếp hạng Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và Bộ Chỉ số doanh nghiệp phát triển bền vững (CSI).
TS Vũ Tiến Lộc là người thường xuyên chủ trì nhiều diễn đàn, đối thoại chính sách giữa Chính phủ và doanh nghiệp, các hội nghị thượng đỉnh và diễn đàn kinh doanh lớn ở Việt Nam, nước ngoài.
Ông là Chủ tịch Hội nghị Thượng đỉnh các nhà lãnh đạo doanh nghiệp APEC (APEC CEO Summit) năm 2006, 2017; Sáng lập và điều hành các Hội nghị Thượng đỉnh kinh doanh hàng năm của Việt Nam (VBS) trong nhiều năm.
Trong thời gian công tác, đảm nhận vai trò Chủ tịch VCCI - nơi đại diện cho tiếng nói, quyền lợi, trách nhiệm và vận mệnh của hàng triệu doanh nghiệp trên cả nước, TS Vũ Tiến Lộc luôn có những quan điểm thẳng thắn, bộc trực và táo bạo về đổi mới môi trường kinh doanh, đầu tư và gỡ bỏ các rào cản đối với kinh tế tư nhân cả ở trên nghị trường Quốc hội, lẫn trong thực tiễn phát sinh các vấn đề được dư luận chú ý, quan tâm.
Mới đây, ngày 21/6 tại chương trình làm việc của Kỳ họp thứ 7, Quốc hội thảo luận tại hội trường về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đất đai số 31/2024/QH15, Luật Nhà ở số 27/2023/QH15, Luật Kinh doanh bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Các tổ chức tín dụng số 32/2024/QH15.
TS Vũ Tiến Lộc cho rằng: Cần phải xây dựng "con đường cao tốc" trong xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật.
Theo ông Lộc, nền kinh tế đang rất khó khăn, tăng trưởng kinh tế và doanh nghiệp đều ở mức thấp nhất trong lịch sử, và các chính sách hỗ trợ thực thi không như kỳ vọng.
"Kinh tế muốn phục hồi thì tiền bạc quan trọng, nhưng quan trọng hơn là thể chế. Thể chế tốt thì nguồn lực được khơi thông, tiền đẻ ra tiền", ông Lộc nhấn mạnh. Ông cho rằng, cần thanh toán những "món nợ" thể chế, hạ tầng, nhân lực của các giai đoạn phát triển trước, việc này cũng quan trọng không kém các nỗ lực số hóa nền kinh tế".
Tại Diễn đàn khởi nghiệp sáng tạo Việt Nam lần 4, chiều 10/12/2023, TS Vũ Tiến Lộc cho rằng, phải chuyển tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, phải biến mỗi người nông dân thành một nhà khởi nghiệp. Chúng ta hoàn toàn có khả năng làm được điều này. Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh sẽ tiếp sức cho người nông dân và doanh nghiệp
"Các nhà kinh tế hàng đầu trên thế giới gợi ý rằng Việt Nam nên trở thành bếp ăn của thế giới, chuỗi cung ứng lương thực toàn cầu có một mắt khâu quan trọng ở Việt Nam. Vị thế vai trò quan trọng là thế, nhưng bài toán với nông nghiệp Việt Nam chính là phát triển bền vững và có hiệu quả", TS Lộc nói.
Diễn đàn Kinh tế - Xã hội Việt Nam 2023 với nội dung "Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững" do Ủy ban Kinh tế của Quốc hội và Ban Kinh tế trung ương tổ chức vào tháng 9/2023.
Tại đây, TS. Vũ Tiến Lộc cho rằng, nền kinh tế đang đứng trước khó khăn của nền kinh tế toàn cầu như hiện nay, khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam cũng đang gặp rất nhiều thách thức. Có thể nói rằng khu vực này đang bị suy yếu.
Trong những năm qua, mặc dù chúng ta đã có những nỗ lực phát triển kinh tế tư nhân về mặt số lượng nhưng lại chưa có các chương trình mang tầm quốc gia và sự "yểm trợ" cần thiết để nâng cao chất lượng cho khu vực này.
Do đó, "Chúng ta cần gấp rút xây dựng một chương trình quốc gia để nâng cấp các doanh nghiệp Việt Nam thuộc mọi thành phần kinh tế", TS Lộc nói.
Trao đổi nhanh với PV Dân Việt, TS Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế, nguyên Phó Viện trưởng Viện Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM) tỏ rõ sự tiếc thương đối với sự ra đi của TS Vũ Tiến Lộc.
TS Doanh cho biết: TS Vũ Tiến Lộc là người nhiệt tình, luôn ủng hộ khu vực kinh tế tư nhân của Việt Nam, là người có nhiều đóng góp trong việc xây dựng VCCI trở thành địa chỉ để doanh nghiệp tư nhân gửi gắm ý kiến, đóng góp vào sự hình thành và phát triển đội ngũ doanh nghiệp Việt Nam hiện nay.
"Tôi có ấn tượng về TS Vũ Tiến Lộc ở khả năng nhạy bén, nhiệt tình công việc. VCCI nơi anh dành nhiều thời gian công tác là cơ sở gần doanh nghiệp nên những đề xuất, đóng góp của TS Vũ Tiến Lộc đều xuất phát từ hơi thở thực tiễn, là vấn đề sát sườn của doanh nghiệp. Cá nhân tôi thấy làm tiếc trước sự ra đi của TS Vũ Tiến Lộc", ông Doanh bày tỏ.