Hiện, thang bậc lương cơ bản đối với lao động trong doanh nghiệp, ký hợp đồng làm việc sẽ có mức lương theo hệ số lương tương ứng là 2,34 đối với bậc đại học trở lên, sau 3 năm sẽ tăng một bậc lương tương ứng đến 2,67, 3 và 3,3... cao nhất trong bảng hệ số lương hiện là 8.00.
Thời điểm trước 1/7/2024, trước khi tăng lương cơ sở từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng, người lao động có hệ số lương hệ số 4,98, không có người phụ thuộc, có mức lương 8,96 triệu đồng/người/tháng, có thu nhập không phải đóng thuế thu nhập cá nhân (TNCN).
Tuy nhiên, sau khi mức lương cơ sở tăng lên 2,34 triệu đồng từ 1/7, người lao động có mức lương hệ số 4,98, không có người phụ thuộc, sẽ được hưởng lương 11,65 triệu đồng, đã thuộc đối tượng chịu thuế bậc 1.
Với người được hưởng lương hệ số cao nhất trong thang hưởng lương 8.00, cộng với tất cả các loại phụ cấp, với hệ số lương 1,8 triệu đồng/hệ số, thì thu nhập từ lương/hệ số của người cao nhất chỉ 14,4 triệu đồng/tháng, nay đã tăng lên 18,72 triệu đồng. Nhưng, tiền lương cơ sở tăng, đồng nghĩa họ bị nhảy bậc tính thuế và đóng thuế nhiều hơn trước.
Trường hợp của chị V. K. A, quản lý nhân sự cấp cao tại doanh nghiệp ở Hà Nội là ví dụ điển hình, mức lương hệ số cao nhất 8.00, cộng với phụ cấp quản lý, thu nhập của chị này là 31,1 triệu đồng, sau khi trừ các loại giảm trừ cho cá nhân, hai người phụ thuộc và tiền bảo hiểm, chị K.A phải đóng số tiền tính thuế thu nhập cá nhân của 9,2 triệu đồng, thuộc thuế bậc 2 với mức đóng một tháng là 670.000 đồng.
Tuy nhiên, sau khi được tăng lương từ tháng 7, thu nhập của chị K.A tăng lên 35,42 triệu đồng, sau khi trừ hết khoản giảm trừ và bảo hiểm, số thu nhập tính thuế chị K.A phải chịu mỗi tháng 13,5 triệu đồng/tháng, nhảy sang bậc chịu thuế thứ 3, mức đóng thuế tương ứng là gần 1,28 triệu đồng/tháng.
Theo chị K.A, dù lương tăng, song mức giảm trừ vẫn vậy thì không thể nói là thuế TNCN phù hợp được. "Nói thẳng ra, thuế đứng im hưởng lợi, bởi như bản thân tôi, số tiền đóng thuế thu nhập cá nhân tăng gấp đôi so với thời điểm trước khi tăng lương. Rõ ràng, bất cập so với tình hình thực tế".
Trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phụng, chuyên gia Thuế, nguyên Vụ trưởng quản lý thuế doanh nghiệp lớn (Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính) nói: "Lương tăng 30%, thuế thu nhập cá nhân của một số người có thể tăng nhưng cũng có người có mức lương thấp sẽ không bị tính thuế. Điều quan trọng là làm thế nào để hạn chế các tác động của thuế thu nhập cá nhân đến người dân và ngành thuế, Bộ Tài chính cần tiếp thu để xây dựng cơ chế tính thuế mới phù hợp và hiệu quả.
Ông Phụng thừa nhận: "Việc tăng lương trong bối cảnh biểu thuế thu nhập cá nhân tính theo lũy tiến từng phần và mức giảm trừ gia cảnh không thay đổi, sẽ dẫn đến một số người rơi vào diện phải chịu thuế, hoặc nộp thuế bậc 1 lên nộp thuế bậc ai, đây là hiện trạng không ai mong muốn".
"Tôi được biết, Bộ Tài chính đang xây dựng để đưa vào chương trình làm việc của Quốc hội năm 2025 và hiện cơ quan soạn thảo đã bắt tay vào xây dựng đề cương, nội dung, kỹ thuật để tính toán liều lượng chính sách cho phù hợp.
Cũng về vấn đề này, PGS, TS Đinh Trọng Thịnh (Học viện Tài chính) cho rằng: Nhiều người đang phàn nàn về cách tính giảm trừ gia cảnh của thuế thu nhập cá nhân bởi hiện nay so sánh với CPI, trong khi đó có nhiều giỏ hàng hóa khác nhau không tăng, hay việc phải nộp thuế khi có thu nhập vãng lai từ 2 triệu đồng trở lên là quá ít, rồi các bậc thuế hiện nay quá dày, khiến người có thu nhập bị đã nhảy sang bậc chịu thuế lớn hơn dù chỉ tăng nhẹ thu nhập.
Theo PGS Thịnh, mức giảm trừ gia cảnh đối với người lao động 11 triệu đồng/tháng, người thân là 4,4 triệu đồng/tháng là quá thấp, không có sự phân biệt giữa thành thị và nông thôn. 5 năm vừa qua, giá rất nhiều mặt hàng hàng hoá dịch vụ thiết yếu đều tăng, giá dịch vụ giáo dục tăng 17%, giá lương thực tăng 27%, đặc biệt giá xăng tăng hơn 100%…
Rõ ràng chính sách tăng lương 30% từ 1/7 nhằm đáp ứng an sinh, thu nhập thực tế và thu chi tiêu dùng. Tuy nhiên, việc chậm sửa đổi cách tính giảm trừ gia cảnh và cả việc giãn các bậc chịu thuế, rút ngắn các bậc chịu thuế cũng cần được xem xét, tính đến sao cho phù hợp với tình hình thực tế.
Hiện, thuế thu nhập cá nhân bao gồm 7 bậc tính thuế, khoảng cách giữa các bậc chịu thuế khá cận nhau. Bậc 1 cho người có thu nhập chịu thuế 5 triệu đồng, bậc 2 từ 5-10 triệu đồng, bậc 3 là 10-18 triệu đồng, bậc 4 là 18 đến 32 triệu đồng, bậc 5, 32 đến 52 triệu đồng...
Đáng nói, ở bậc 1, số lượng người chịu thuế đông hơn cả. Bởi một người mới ra trường, nhận lương 16 triệu đồng/tháng, không có người phụ thuộc, đã là đối tượng phải chịu thuế, thu nhập thuộc diện chịu thuế là 5 triệu đồng sau khi giảm trừ gia cảnh cá nhân (mức đóng 220.000 đồng/tháng).
Trường hợp khi họ được tăng lương lên 25 triệu đồng/tháng, sau khi giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng, người này sẽ thuộc bậc thuế thứ 3 và phải đóng thuế ở mức gần 1,2 triệu đồng/tháng.
Với cách tính thang 7 bậc thuế thu nhập cá nhân như hiện nay, người có thu nhập thuộc diện chịu thuế bậc 2, chỉ cần tăng nhẹ số thu nhập/tháng, sẽ phải chịu mức thuế bậc 3 và bậc 4. Trong khi đó, thuế suất các bậc này đều chênh nhau hơn 5%.
Cụ thể, ở các bậc 1, 2 và 3 (sau khi giảm trừ gia cảnh cho cá nhân, người phụ thuộc, đóng bảo hiểm) thu nhập bị tính thuế mỗi bậc khá sát nhau, chỉ cách nhau từ 3-5 triệu đồng.
Đơn cử, ở bậc 1, thu nhập chịu thuế từ 0-5 triệu đồng (cách 5 triệu đồng), bậc 2 là 5-10 triệu đồng (cách 5 triệu đồng) và bậc 3 là từ 10 đến 18 triệu đồng (8 triệu đồng).
Việc các bậc tính thuế sát nhau, khiến cho người lao động có số tiền lương, thu nhập thực nhận tăng nhẹ, cũng đã phải chịu bậc thuế cao hơn so với trước đây rồi.
Ngoài ra, không tính đến số người thuộc diện phải đóng thuế thu nhập bậc 1-3 chiếm đa số từ 40% số người phải đóng thuế hiện nay.
Tuy nhiên, đối với thang bậc từ bậc 4, đặc biệt là 5 và 6 trở đi, việc giãn cách số tiền thu nhập tính thuế lớn, khiến người thu nhập cao chỉ chịu mức thuế thấp.
Đơn cử tại bậc 4, thu nhập chịu thuế được tính từ 18 đến 32 triệu đồng (cách nhau 14 triệu đồng), người có tổng thu nhập 40 triệu đồng/tháng (nếu có 2 con phụ thuộc), sẽ chịu thuế bậc 3. Và cũng như vậy, người có thu nhập 54 triệu đồng/tháng, cũng chỉ phải chịu thuế thu nhập bậc 3, dù cho tổng thu nhập họ hơn 14 triệu đồng/tháng.
Đến các bậc 5 thu nhập tính thuế từ 32-52 triệu đồng cách nhau 20 triệu đồng và từ 52 đến 80 triệu đồng, cách nhau 32 triệu đồng. Thực tế này sinh bất cập, người thu nhập cao, gia tăng thu nhập mạnh nhưng chỉ phải chịu bậc thuế duy nhất hoặc không bị chuyển bậc thuế nhiều như người có thu nhập trung bình.
Theo PGS, TS. Ngô Trí Long, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính): "Khoảng chênh lệch tính thuế đã tạo ra gánh nặng không nhỏ đối với người nộp thuế. Khoảng cách, cần giãn khoảng cách giữa các bậc thuế nhiều hơn nữa, nhất là đối với các bậc thấp như 1-3, để người dân không phải đối diện với cảnh chỉ tăng nhẹ thu nhập, đã chịu một mức thuế khác".