Sẽ chuyển sang Công an những Tiktoker livestream bán hàng trốn thuế
Sẽ chuyển sang Công an những Tiktoker livestream bán hàng trốn thuế
Khải Phạm
Thứ năm, ngày 01/08/2024 07:30 AM (GMT+7)
Livestream bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội đang bùng nổ ở Việt Nam. Theo Tổng cục Thuế, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang Công an để điều tra, xử lý khi phát hiện có hành vi trốn thuế của cá nhân, tổ chức, hộ kinh trong hoạt động livestream bán hàng.
Theo số liệu báo cáo của Vụ Kinh tế số và Xã hội số (Bộ Thông tin và Truyền thông) trong Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2024, thị trường bán buôn và bán lẻ trên internet ghi nhận đà tăng trưởng mạnh.
Theo đó, doanh thu thương mại điện tử B2B Việt Nam từ 2018 đến 2023 đều tăng trưởng trung bình trên 20%. Doanh thu của thị trường thương mại điện tử (TMĐT) năm 2018 chỉ là 8,06 tỷ USD đã tăng vọt lên 20,5 tỷ USD vào năm 2023.
Số liệu báo cáo của Metric dựa trên dữ liệu phân tích thị trường E-commerce cũng cho thấy, tính riêng 5 sàn TMĐT gồm: Shopee, TikTok Shop, Lazada, Tiki, Sendo, đã bán hơn 1,5 triệu sản phẩm trong nửa đầu năm nay.
Con số này tăng 65,55% và mức doanh thu đạt 143.900 tỷ đồng, tăng 54,91% so với cùng kỳ 2023.
Trong đó, Shopee và TikTok Shop đang là 2 nền tảng được người dùng sử dụng phổ biến hiện nay với nhiều hình thức bán hàng đa dạng.
Riêng TikTok Shop đạt mức tăng trưởng doanh thu 150,54% và sản phẩm bán ra tăng 242,15% so với cùng kỳ năm 2023.
Con số này của Shopee lần lượt là 65,97% và 25,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Ngoài những gian hàng truyền thống, 2 sàn này còn bán hàng qua hình thức livestream thu hút lượng lớn khách hàng. Đặc biệt, TikTok Shop đang là sàn TMĐT có nhà bán hàng livestream đông đảo nhất.
Thời gian vừa qua, trên nền tảng TikTok Shop, ghi nhận những phiên livestream với doanh thu từ vài chục đến hàng trăm tỷ đồng của các TikToker nổi tiếng như Quang Linh Vlogs, Hằng Du mục, Quyền Leo Daily, Phạm Thoại, Hà Linh...
Việc bùng nổ những phiên livestream bán hàng có doanh thu "khủng" là bởi những nhà bán hàng đều là những người nổi tiếng, có tầm ảnh hưởng trên nền tảng TikTok mà nhiều người tự nhận là "idol".
Những người hâm hộ mua hàng trên livestream đa số để ủng hộ thần tượng của mình. Chính vì thế, những mặt hàng tưởng chừng như chỉ bán offline nay đã len lỏi trên mạng như sầu riêng, hoa quả, hay thậm chí ô tô, xe máy.
Ngoài những người nổi tiếng, hầu hết các nhà bán hàng trên các nền tảng mạng xã hội cũng tập làm quen với việc livestream song song với bán trực tiếp thông qua các gian hàng khiến thị trường này càng bùng nổ hơn.
Các phiên livestream bán hàng đình đám doanh thu trăm tỷ diễn ra trên trên TikTok Shop, nhưng nền tảng này sẽ không can thiệp vào các hoạt động bán hàng, chia sẻ doanh thu của các TikToker với nhãn hàng.
TikTok Việt Nam cho biết, việc thỏa thuận % hoa hồng mỗi sản phẩm bán ra thế nào là do người livestream và nhãn hàng, nền tảng sẽ không can thiệp. Tiền hoa hồng của nhà bán hàng khi livestream sẽ dựa trên hợp đồng với nhãn hãng và sẽ phải kê khai thuê với lợi nhuận thu được từ việc bán hàng online.
Theo quy định, người bán hàng online trên các nền tảng sẽ phải nộp thuế giá trị gia tăng (VAT) và thu nhập cá nhân khi doanh thu từ 100 triệu đồng/năm.
Trong đó, nhà bán hàng là cá nhân có doanh thu là tiền hoa hồng do livestream bán hàng phải nộp thuế thu nhập cá nhân theo biểu thuế lũy tiến với 7 bậc, thuế suất sẽ dao động từ 5-35%. Đối với hộ kinh doanh, hoa hồng khi livestream bán hàng sẽ phải khai nộp thuế theo mức 7% bao gồm: 2% thu nhập cá nhân và 5% thuế VAT.
Theo Luật sư Diệp Năng Bình - Trưởng Văn phòng Luật sư Tinh Thông Luật cho biết, cá nhân kinh doanh phải thực hiện đăng ký thuế trong vòng 10 ngày làm việc kể từ ngày bắt đầu hoạt động kinh doanh. Tùy vào thời gian chậm nộp hồ sơ khai thuế mà tổ chức vi phạm có thể bị phạt cảnh cáo; phạt tiền từ 2 - 25 triệu đồng.
Còn trường hợp người vi phạm trốn kê khai, đóng thuế có thể bị phạt tiền từ 1 lần đến 3 lần số tiền thuế trốn được và buộc khắc phục hậu quả là buộc nộp đủ số tiền thuế trốn vào ngân sách nhà nước.
Trước sự bùng nổ của hoạt động livestream trên các sàn, Tổng cục Thuế vừa ban hành công văn số 3153 về tăng cường quản lý thuế đối với hoạt động TMĐT.
Cụ thể, Tổng cục Thuế nêu rõ trong công văn, thời gian qua, công tác quản lý thuế đối với hoạt động kinh doanh thương mại điện tử đã đạt được những kết quả đáng ghi nhận.
Để tiếp tục quản lý thuế hiệu quả đối với hoạt động thương mại điện tử, Tổng cục Thuế chỉ đạo Cục thuế các tỉnh, thành phố tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với các tổ chức kinh doanh trong lĩnh vực thương mại điện tử, kinh doanh trên nền tảng số (chủ sở hữu sàn giao dịch thương mại điện tử, đơn vị vận chuyển, trung gian thanh toán, đại lý của nhà cung cấp nước ngoài không có cơ sở thường trú tại Việt Nam, đơn vị truyền thông quảng cáo,...) ngay từ khâu lập kế hoạch đến thực hiện công tác kiểm tra, qua đó thu thập thông tin của các tổ chức, cá nhân kinh doanh trên sàn giao dịch thương mại điện tử phục vụ công tác quản lý thuế.
Đặc biệt, tăng cường giám sát tuân thủ đối với các tổ chức, cá nhân bán hàng hóa, nhận hoa hồng từ việc quảng cáo trong hoạt động livestream bán hàng trên các sàn TMĐT.
Nếu rà soát phát hiện dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế, cơ quan thuế phải lập danh sách cá nhân, tổ chức có dấu hiệu sai phạm. Sau đó, cơ quan thuế sẽ chuyển hồ sơ sang Công an để điều tra, xử lý khi phát hiện có hành vi trốn thuế của cá nhân, tổ chức, hộ kinh trong hoạt động livestream bán hàng.
Như vậy, ngoài việc bị phạt hành chính, các cá nhân, tổ chức livestream bán hàng sẽ phải đối mặt với những hình phạt cao hơn tùy vào mức độ nghiêm trọng và số tiền trốn thuế từ hoạt động kinh doanh.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.