Nuôi tôm theo kiểu tự nhiên dưới tán rừng ngập mặn còn là mô hình phù hợp với xu hướng phát triển xanh, bảo vệ môi trường, giảm phát khí thải nhà kính, tăng hấp thu carbon mà cả nước đang hướng tới.
Ông Lưu Trường Giang ở khu phố 5, phường Phước Trung, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng gần 20 năm nay.
Với 11ha tôm nuôi dưới tán rừng đước, mắm theo hình thức quảng canh cải tiến, ông thu lãi từ 400-450 triệu đồng/năm. Ngoài tôm sú, ông còn kết hợp nuôi cua, ghẹ và một số loài cá biển như cá mú, cá chẽm.
Theo ông Giang, từ xưa phần lớn tôm giống từ tự nhiên vào vuông, người dân giữ lại nuôi. Sau này, khi nghề nuôi tôm phát triển mạnh, chất lượng nước không còn ổn định, lượng giống tự nhiên giảm dần nên nông dân phải mua thêm con giống nhân tạo về thả thêm nhưng vẫn giữ cách nuôi truyền thống.
Xung quanh vuông nuôi, nông dân giữ các loại cây ngập mặn như đước, mắm. Tán lá làm giảm nhiệt độ nước và che nắng, che mưa cho tôm, cá trú ẩn dưới bộ rễ. Lá cây rơi xuống phân hủy là nguồn thức ăn chính cho tôm.
Ông Lưu Trường Giang, nông dân nuôi tôm theo kiểu tự nhiên ở khu phố 5, phường Phước Trung, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) đặt lồng bắt tôm nuôi sinh thái trong rừng ngập mặn.
“Do tỷ lệ sống của tôm nuôi tự nhiên không cao, chỉ được 3-5% nên để cải thiện, chúng tôi mua tôm giống về ương khoảng 15-20 ngày cho tôm cứng cáp hơn, được khoảng 3cm thì thả vào ao nuôi tự nhiên, nhờ đó tỷ lệ sống của tôm tăng lên được 5-10%. Mỗi năm chúng tôi thả khoảng 6-8 đợt giống”, ông Giang nói.
Năng suất tôm trung bình hàng tháng thu hoạch được khoảng 150kg. Mặc dù năng suất không cao nhưng do tôm nuôi tự nhiên, không sử dụng thức ăn công nghiệp hay bất cứ hóa chất nào nên thịt tôm chắc, ngọt, an toàn, giá bán luôn cao hơn giá tôm nuôi công nghiệp từ 50-70 ngàn đồng/kg.
“Trong khi giá tôm nuôi công nghiệp năm nay giảm sâu thì giá tôm sú nuôi tự nhiên dưới tán rừng giá vẫn cao, loại 30 con/kg là 220 ngàn đồng, loại 10 con/kg là 440 ngàn đồng. Sau khi trừ chi phí con giống còn lãi từ 400 - 450 triệu đồng/năm.
Dù năng suất không cao như những mô hình nuôi khác nhưng tỉ lệ rủi ro thấp, chi phí đầu tư ít, chất lượng tôm nuôi cao và ổn định”, ông Giang thông tin.
Ngoài TP.Bà Rịa, các địa phương TP Vũng tàu, các huyện: Long Điền, Đất Đỏ, Xuyên Mộc, TX Phú Mỹ đều có hộ nông dân triển khai mô hình này, tuy nhiên số lượng không nhiều do mô hình cần điều kiện mặt nước lớn.
Theo Sở NN-PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, nuôi thủy sản dưới tán rừng là hình thức canh tác gắn với bảo vệ rừng với nhiều loài nuôi như tôm, cá, cua, sò...
Ngày nay, mô hình này còn được xem như biện pháp hấp thu carbon, giảm phát thải nhà kính, phù hợp với xu thế phát triển xanh trên thế giới, mang lại thu nhập ổn định cho người dân, giữ được trạng thái cân bằng của môi trường tự nhiên.
Đây là mô hình đảm bảo hài hòa lợi ích giữa mục tiêu phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường. Rừng giúp khôi phục và cân bằng hệ sinh vật trong nguồn nước dưới tán rừng, cung cấp thức ăn tự nhiên và tạo bóng râm để tôm trú ngụ.
“Người nuôi không sử dụng hóa chất, thuốc kháng sinh trong quá trình nuôi và sử dụng hoàn toàn thức ăn tự nhiên, giúp tạo ra sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm và giúp môi trường nuôi ít bị ô nhiễm.
Sự kết hợp giữa tôm và rừng vừa tạo điều kiện nuôi thuận lợi, vừa tạo sinh kế bền vững cho người dân”, bà Đào Thị Thanh, Phó phòng nghiệp vụ khuyến nông và hỗ trợ nông dân Trung tâm Khuyến nông tỉnh nhận định.
Để hỗ trợ các hộ nuôi tôm nuôi tôm dưới tán rừng, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang có chương trình hỗ trợ con giống, vôi bột để cải tạo ao và kỹ thuật cho người nuôi.
Các hộ được hỗ trợ 200 ngàn con giống, 3.000kg vôi bột với kinh phí từ 110-140 triệu đồng tùy hộ.
Hiện toàn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu có khoảng 2.900ha tôm nuôi tự nhiên theo hình thức quảng canh cải tiến nước mặn lợ với sản lượng khoảng 9.000 tấn/năm.
Bên cạnh đó, thông qua mô hình, ý thức của người dân trong việc bảo vệ rừng, bảo vệ môi trường được nâng cao, trình độ ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất phát triển. Từ đó, nâng cao hiệu quả trong việc quản lý và bảo vệ rừng, giúp duy trì độ che phủ rừng, chống sạt lở, tăng khả năng chống chịu trước tác động của biến đổi khí hậu, góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Bà Hoàng Thị Mến, khu phố 5, phường Phước Trung, TP Bà Rịa (tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu) cho biết, gia đình bà thuê 20ha mặt nước nuôi tôm sú sinh thái dưới tán rừng đước, mắm.
Bà cũng áp dụng kỹ thuật ương con giống cho chắc khỏe trước rồi thả bổ sung vào ao nuôi nhằm tăng tỷ lệ sống lên 10%. Mỗi năm sau khi trừ chi phí con giống, tiền thuê mặt nước, bà có lời khoảng 600 triệu đồng.
Rừng đước ở khu nuôi tôm ở đây đã có hơn 50 năm tuổi. Hàng năm, bà cùng chồng đều trồng thêm cây đước, dưỡng rừng ở những nơi xói mòn do sóng đánh mạnh để chống sạt lở.