Gần 1 tháng nay, vợ chồng anh Dương Quang Hưng (34 tuổi ở Hà Đông, Hà Nội) - công chức ở một phường quận Hà Đông đang khấp khởi vui mừng vì lương cơ sở tăng từ 1,8 lên 2,34 triệu đồng/tháng. Lương cơ sở tăng, mỗi tháng anh Hưng sẽ được tăng thêm khoảng gần 2 triệu đồng thu nhập.
Tuy nhiên, niềm vui chưa được bao lâu thì anh chị lại phải đối mặt với việc tăng chi tiêu khi hầu hết các mặt hàng thực phẩm thiết yếu đều tăng giá.
Anh Hưng kể: "Tối qua, khi đi làm về nghe vợ tôi than, cầm 500 nghìn đi chợ mà mua được ít hơn hẳn so với trước. Ngoài tiền thực phẩm tăng giá, tiền nhà cũng tăng giá theo, rồi tiền xăng, tiền đình đám...".
Anh Hưng lấy ví dụ, cách đây 1 năm, vợ chồng anh về quê có đình đám chỉ đi khoảng 300 nghìn/đám nhưng nay thì giờ phải đi 500 nghìn đồng. Tiền nhà trước đây vợ chồng anh thuê chỉ 5 triệu đồng/tháng đối với căn chung cư 50m2 thì mới đây đã tăng giá lên 6,5 triệu đồng, chưa kể tiền thịt, rau củ, quả cũng đều tăng cao.
Trong khi đó, dù là công chức với hơn 10 năm làm việc, tiền lương của anh và cả vợ anh cũng chỉ được vỏn vẹn hơn 7 triệu đồng/tháng một chút. Cộng thêm vài khoản phụ cấp mỗi tháng tổng thu nhập 2 vợ chồng anh chưa được nổi 20 triệu đồng mà nuôi thêm 2 đứa con, lo thuê nhà...
Không riêng gì vợ chồng anh Hưng, chị Vũ Thị Lan (28 tuổi) ở Thanh Xuân, Hà Nội cũng cảm thấy "vui thì ít mà lo thì nhiều". Chị Lan tâm sự: "Tôi là viên chức tại trung tâm y tế dự phòng quận. Vừa rồi nhận tiền lương tháng 7, lương tôi được tăng hơn 1 triệu đồng. Thật sự tôi rất vui mừng, nhưng vui thì ít mà lo thì nhiều vì giờ vật giá cái gì cũng leo thang, không biết có đủ bù sinh hoạt không".
"Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 7 tháng tăng 4,12%, tháng 7 tăng 0,04% so với tháng 6 (lạm phát cơ bản tăng 2,73%, tăng 0,02% so với tháng 6) trong bối cảnh tăng lương cơ bản. An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo đạt 5,18 triệu tấn, kim ngạch gần 3,3 tỷ USD, tăng lần lượt 5,8% và 25,1% so với cùng kỳ); thị trường lao động phục hồi tốt, cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động".
Báo cáo Chính phủ trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 7
Chị Lan cho biết, nhà chị có 4 người, trung bình 1 tháng chị chi tiêu khoảng 6 triệu đồng cho tiền mua thức ăn, lương thực. Tuy nhiên, giờ 6 triệu đồng là không đủ, tháng 6 tháng 7 vừa rồi chị phải tiêu tốn 7,5 triệu đồng cho việc mua thực phẩm (thịt; gạo; rau quả). Đó là chưa kể mấy khoản phát sinh như dịch vụ Internet, tiền gửi xe, phí dịch vụ... cũng làm tăng thêm gánh nặng cho chi tiêu của gia đình chị.
Theo chị Nguyễn Thị Hiên (32 tuổi) một tiểu thương ở Đại Mỗ (Nam Từ Liêm, Hà Nội) cho biết, từ khoảng 3 tháng nay, giá cả hàng thực phẩm và đồ dùng sinh hoạt đã tăng lên.
Giá thịt lợn bình quân đã tăng từ 75-80 nghìn đồng/kg lên 90 -100 nghìn đồng/kg. Riêng thịt lợn ba chỉ đã tăng từ 130 lên 140 -145 nghìn đồng/kg. Giá rau củ quả là tăng mạnh nhất, nhất là mấy loại rau xanh, giá gần như tăng gấp đôi. Ví dụ giá một mớ rau muống trước đây chỉ 8.000 đồng, nhưng nay đã lên 15.000 đồng. Cà chua từ 20 nghìn tăng lên 37 nghìn loại 1...
"Qua quan sát, dù giá tăng nhưng sức mua của người dân vẫn ổn định. Nguyên nhân là bởi hàng thực phẩm thiết yếu lúc nào cũng được lựa chọn đầu tiên", chị Hiên nói.
Về vấn đề này, một số chuyên gia lao động cho rằng, hiện tượng "Tăng giá theo tăng lương" không có gì mới. Thường thì cứ lúc nào tăng lương là giá cả và các mặt hàng thiết yếu lại tăng theo.
Tuy nhiên, trước thực tế mà phóng viên Báo Dân Việt ghi nhận, các chuyên gia kinh tế, xã hội lại đưa ra những con số và nhận định khá khả quan về chỉ số giá tiêu dùng và tin tưởng vào sự kiểm soát lạm phát của Chính phủ.
Trước lo ngại về tăng lương sẽ kéo theo tăng giá gây lạm phát, TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính (Học viện Tài chính) cho rằng việc điều chỉnh lương chủ yếu diễn ra trong khu vực công có quy mô không lớn trong nền kinh tế, chưa đến 8% số lao động, tương ứng gần 4 triệu lao động, chưa kể lương khu vực công thấp hơn nhiều so với lương khu vực tư nhân.
Theo tính toán của TS. Nguyễn Đức Độ, quỹ lương toàn nền kinh tế chỉ tăng tương ứng 2,4%, bởi vậy, các tác động từ việc tăng lương tới lạm phát thời gian tới sẽ không quá lớn.
Đồng quan điểm, chia sẻ với PV Báo Dân Việt trước đó, bà Nguyễn Thị Lan Hương - Nguyên viện trưởng Viện Lao động - xã hội (Bộ LĐTBXH) cho rằng nhiều khi người dân bị bệnh "lạm phát tâm lý". Tức là cứ khi nghe lương tăng là họ tự ý tăng giá.
"Việc tăng lương có thể có tác động tâm lý người dân, điều này khiến giá cả hàng hóa nhích tăng, đặc biệt do các tiểu thương hay tại các chợ dân sinh. Tuy nhiên, tôi thấy cơ quan quản lý nhà nước và Chính phủ đang triển khai rất mạnh mẽ nhiều biện pháp để giá cả ổn định trong thời gian qua", bà Hương nói.
Nhìn nhận góc độ rộng, lãnh đạo Viện Công nhân, Công đoàn (Tổng liên đoàn Lao động Việt Nam) từng cho rằng khi đề cập tới vấn đề tăng lương làm tăng giá cả thì phải nhìn nhận đa chiều. Bàn đến giá cần phân tích cả 2 khái niệm giá lương thực thực phẩm và giá phi lương thực thực phẩm (tổng số tiền chi tiêu cho các mặt hàng như: tiền thuốc men, đình đám, tặng quà; chi tiêu sinh hoạt; vui chơi, giải trí...). Nếu tính như vậy, tăng lương không chỉ làm tăng chi phí cho tiền lương thực thực phẩm mà còn làm tăng cả các chi phí phi lương thực khác.