1 tháng sau ngày tăng lương cơ sở 1/7: Viên chức "so bì" về tiền lương
1 tháng sau ngày tăng lương cơ sở 1/7: Viên chức "so bì" về tiền lương
Thùy Anh
Thứ ba, ngày 06/08/2024 13:00 PM (GMT+7)
Hơn 1 tháng sau khi tăng lương cơ sở, nhiều cán bộ, công chức, viên chức cảm thấy vui mừng vì tiền lương được tăng lên nhưng cũng có không ít người phải “cảm thán” vì mức lương mới.
Chị Nguyễn Thị H. làm việc trong đơn vị sự nghiệp có thu, cấp bộ (Hoài Đức) Hà Nội cho biết, trước đây chị là công chức văn phòng tiền lương quá thấp, làm 15 năm mà tiền lương cũng chỉ được hơn 7 triệu đồng/tháng. Hai vợ chồng cùng cảnh nên sau đó chị quyết định xin chuyển việc.
Dù chuyển sang công việc mới, làm trong đơn vị sự nghiệp có thu nhưng tình cảnh cũng không khá khẩm là bao. "Hồi mới chuyển vào thu nhập của tôi được khoảng 15 triệu đồng/tháng, nhưng gần đây càng ngày càng giảm", chị H chia sẻ.
Chị H kể, lúc dịch Covid -19 thì thu nhập giảm sâu, cơ quan không có thưởng, sau Covid-19 thì phục hồi được chút nhưng không bằng trước. Đến giờ sau 2 lần tăng lương cơ sở (năm 2023 và 2024), tiền lương còn giảm thảm hại hơn.
Gần đây nhất, từ 1/7, khi Chính phủ quyết định tăng lương cơ sở lên 2,34 triệu đồng, thu nhập của chị H còn tụt hẳn 2 triệu đồng/tháng. Cơ quan chị ai cũng bị tụt thu nhập, mọi người tỏ ra rất băn khoăn.
"Khi nghe quyết định tăng lương chúng tôi ai cũng vui mừng vì nghĩ đợt này tăng 30% thì thu nhập cũng cải thiện tương đối, ấy vậy mà lúc nhận lương mới ngỡ ngàng, buồn", chị H nói.
Chị H tâm sự thêm nghe lãnh đạo nói đơn vị khó khăn, doanh thu không ổn định nên tăng lương nhưng đành phải cắt giảm hệ số nội bộ theo lương vì thế thu nhập mới giảm sâu vậy.
Tương tự, anh Nguyễn Trọng Tài (35 tuổi) đang là viên chức trong đơn vị sự nghiệp công, người đúng ra được hưởng lợi từ việc tăng lương sau 1/7 cũng đang tỏ ra khá ngậm ngùi.
"Cứ ngỡ sẽ được tăng thêm 2-3 triệu đồng/tháng, ai ngờ lương tăng chẳng thấy đâu chỉ thấy giảm. Từ đầu năm đến nay đơn vị ít các chương trình nhưng hoạt động vẫn được duy trì túc tắc. Có ngờ đâu giờ tăng lương lại giảm thu nhập. Anh em viên chức khá là tâm tư", anh Tài nói.
Anh Tài cũng chia sẻ nhận tiền lương mới chỉ 7 triệu đồng, giảm so với trước 500 nghìn đồng, anh cùng với nhiều lao động ở trung tâm chỉ mong tiền lương đừng tăng nữa.
Nhìn sang đơn vị sự nghiệp hành chính, anh Tài và chị H cảm thấy khá chạnh lòng vì lương nhóm công chức đơn vị hành chính công, khối đơn vị sự nghiệp công lập như y tế, giáo dục đều tăng, trong khi đó các khối sự nghiệp công lập khác thì quả là bi đát.
Tăng lương cơ sở từ 1/7: Cần tập hợp các thông tin, kiến nghị, báo cáo Chính phủ
Chia sẻ với PV Báo Dân Việt, sáng 6/8, ông Phạm Minh Huân - Nguyên thứ trưởng Bộ LĐTBXH cho biết, chủ trương tăng lương cơ sở, tăng lương tối thiểu vùng là rất tốt, được đông đảo người lao động hưởng ứng. Tuy nhiên, việc tăng lương cơ sở có vẻ chưa được đánh giá kỹ tác động.
Hiện nay, Nghị định 60 Quy định quy chế chi tiêu tài chính trong đơn vị sự nghiệp công lập. Nghị định này quy định rõ 3 loại tự chủ: Đơn vị tự chủ một phần; tự chủ 50% và tự chủ hoàn toàn (hoạt động như doanh nghiệp).
Với mỗi mức độ tự chủ khác nhau lại có quy định chi tiêu, hạch toán tài chính khác nhau. Nghị định này cũng quy định các đơn vị sự nghiệp công lập “phải” tăng lương theo quy định của nhà nước. Tuy nhiên, thực tế không phải đơn vị nào cũng được tăng theo quy định vì còn liên quan tới quỹ lương và tài chính của đơn vị.
Hiện nay, tiền lương của công chức, viên chức trong các đơn vị sự nghiệp hưởng lương như công chức được tính bằng công thức: Tiền lương = Lương cơ sở x với lương hệ số.
Về vấn đề này, ông Phạm Minh Huân cho rằng nguyên nhân là bởi lần này Chính phủ tăng lương cơ sở cao quá. “Tăng lương kéo theo tăng tiền đóng BHXH, đây cú ‘tăng kép’ khiến nhiều đơn vị đã khó khăn nay lại còn khó khăn hơn. Điều này gây ra tác động ngược khiến nhiều đơn vị (nhất với đơn vị tự chủ toàn phần) khó khăn không có tiền để tăng lương, buộc phải cắt giảm các khoản thu nhập tăng thêm để bù đắp cho khoản tiền đóng BHXH khi tăng lương”, ông Huân phân tích.
Theo ông Huân, các đơn vị sự nghiệp cần phải tính toán, cân đối lại quỹ lương, sắp xếp lại hoạt động đơn vị, tinh giản bộ máy… để ứng phó với những khó khăn ngăn đà giảm thu nhập.
“Về lâu dài để giải quyết vấn đề này, Bộ LĐTBXH, Bộ Nội vụ cần tập hợp ý kiến để báo cáo Chính phủ xem xét điều chỉnh”, ông Huân kiến nghị.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.