24 năm trôi qua kể từ khi Thể thao Việt Nam (TTVN) giành tấm huy chương đầu tiên tại Olympic Sydney 2000, đây là lần đầu tiên TTVN trắng tay ở hai kỳ Olympic liên tiếp. Đây là vấn đề nhức nhối đối với những nhà quản lý...
Phải mất 20 năm kể từ lần đầu tham dự Olympic Moscow 1980, tới Olympic Sydney 2000, TTVN mới giành được tấm huy chương bạc có ý nghĩa lịch sử của nữ võ sĩ taekwondo Trần Hiếu Ngân. Từ đó đến nay, TTVN không bao giờ trắng tay ở hai kỳ Olympic liên tiếp. Sau Olympic Athens 2004 không giành được huy chương, TTVN đã trải qua 3 kỳ Olympic liên tiếp đều có huy chương.
Olympic Bắc Kinh 2008, TTVN có HCB của lực sĩ cử tạ Hoàng Anh Tuấn. Olympic London 2012, TTVN giành được HCĐ của lực sĩ cử tạ Trần Lê Quốc Toàn. Olympic Rio 2016 là Thế vận hội thành công nhất trong lịch sử của TTVN khi xạ thủ Hoàng Xuân Vinh trở thành người hùng với 1 HCV 10m súng ngắn hơi và 1 HCB 50m súng ngắn bắn chậm.
Rõ ràng, việc trắng tay tại hai kỳ Olympic Tokyo 2020 và Olympic Paris 2024 khiến những người làm chuyên môn phải chạnh lòng khi nhìn sang các nước Đông Nam Á.
Philippines sau khi có tấm HCV lịch sử tại Olympic Tokyo 2020 ở môn cử tạ hạng -55kg nữ của Hidilyn Diaz; tới Olympic Paris, họ thậm chí còn có bước bứt phá ngoạn mục với cú đúp HCV của "thần đồng" thể dục dụng cụ Carlos Yulo.
Với Thái Lan, đoàn thể thao xứ chùa vàng vẫn giữ được tấm HCV của nữ võ sĩ taekwondo Panipak Wongpattanakit. Indonesia sau tấm HCV lịch sử ở môn cầu lông nội dung đôi nữ của Greysia Polii-Apriyani Rahayu tại Olympic Tokyo, tới Paris, họ vẫn có HCV của VĐV Veddriq Leonardo ở môn leo núi tốc độ và HCĐ đơn nữ của Gregoria Mariska Tunjung. Malaysia đã có 2 HCĐ tại Olympic Paris 2024 ở môn cầu lông nội dung đơn nam (Lee Zii Jia) và đôi nam (Soh Wooi Yik/Aaron Chia).
Câu hỏi "xưa như diễm" lại được đặt ra là tại sao TTVN thường "làm mưa làm gió" tại các kỳ SEA Games, nhưng cứ đến Đại hội thể thao châu Á (ASIAD), Đại hội thể thao thế giới (Olympic) thì lại "tắt điện" (?).
Dưới góc nhìn của mình, nhà báo Vũ Công Lập – người đã có thời gian học tập, làm nghiên cứu sinh ở CHDC Đức (giai đoạn 1975 – 1978; 1983-1986) thừa nhận mình may mắn được "tắm" trong bầu không khí thể thao tuyệt vời nơi đây.
Ông chia sẻ với người viết: Tôi từng dẫn cố Giáo sư Dương Nghiệp Chí và anh Nguyễn Danh Thái (trước khi ông Thái lên làm Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBTDTT – NV) sang Viện thể thao ở Leipzig – Viện đã làm ra những tấm HCV Olympic cho Đức để tham quan, học hỏi.
Tại đây, họ cho chúng tôi xem hồ sơ của một VĐV ném lao từ năm 8 tuổi. Cả một tập hồ sơ dày, ghi đầy đủ chi tiết về VĐV này cho tới khi giành HCV Olympic. Tôi còn nhớ câu họ bảo: "VĐV thể thao đỉnh cao không có chuyện làm tập thể mà phải làm cá thể. Bữa ăn, giấc ngủ, chăm sóc thể lực, sức mạnh, tất cả phải được nghiên cứu theo cách cá thể hóa tới từng VĐV chứ không làm theo kiểu chung"...
Theo nhà báo Vũ Công Lập, bên cạnh việc sàng lọc, chọn lựa, đào tạo VĐV theo một chu trình đặc biệt, cá thể hóa như vậy, Đức có thêm hai điều mà Việt Nam chưa có. Thứ 1, khoa học kỹ thuật của họ rất mạnh. Thứ 2, kinh tế của họ rất mạnh và vững.
Khi Việt Nam chưa trả lời được hai câu hỏi này thì việc giành được huy chương, có thành tích ổn định tại Olympic là cực kỳ khó!
Thực tế, VĐV Việt Nam có thành tích tốt nhất tại Olympic Paris 2024 là xạ thủ Trịnh Thu Vinh mới có 7 năm làm quen với môn bắn súng. Đây là một "kỳ tích" khiến không ít người lạc quan bởi chỉ cần có 7 năm, ở tuổi 24, xạ thủ Trịnh Thu Vinh đã có thể vào chung kết Olympic cả hai nội dung 10m súng ngắn hơi và 25m súng ngắn thể thao – điều mà trước đó thế hệ "đàn anh, đàn chị" phải mất cả 10-20 năm cũng không làm được.
Như trường hợp của Hoàng Xuân Vinh, trước khi tỏa sáng tại Olympic Rio 2016, anh từng chấp nhận vị trí thứ 4 Olympic London 2012 - thời điểm Vinh đã có gần 15 năm theo đuổi niềm đam mê.
Chúng ta thử giả thiết: Nếu Trịnh Thu Vinh được phát hiện, đến với thể thao sớm hơn, thay vì 14 tuổi mới đi tập... điền kinh, rồi mất thêm 3 năm nữa cứ chạy và chạy cho đến khi bị đau gối phải dừng lại, được chuyển sang trải nghiệm môn bắn súng và lập tức phát lộ tài năng, biết đâu lúc này Vinh đã có thể mang vinh quang về cho Tổ quốc?
Những trường hợp tương tự như Trịnh Thu Vinh có thể thấy rất nhiều trong làng TTVN. Các VĐV hầu hết đều xuất thân con nhà nông có hoàn cảnh khó khăn, đến với thể thao khá muộn, tập ở một môn và sau đó khẳng định được mình ở… môn khác!
Như vậy, họ đã bị phí hoài những năm tháng có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong việc đặt "nền móng" cho thành công sau này.
Đó là khi đã loại bỏ những khó khăn khách quan, từ việc thiếu thốn kinh phí, cơ sở vật chất cho đến chuyện hiếm hoi được đi tập huấn, thi đấu nước ngoài... Hầu hết các VĐV Việt Nam đều chỉ còn biết dùng ý chí, niềm tin để vượt khó.
Ngay việc tuyển chọn đã vậy, việc "cá thể hóa" từng bữa ăn, giấc ngủ, cách làm thể lực, sức mạnh cho từng VĐV càng là điều vô cùng xa xỉ đối với TTVN.
So sánh với các VĐV hàng đầu của Mỹ, Trung Quốc, Australia, Pháp, Đức... là quá khập khiễng. Gần Việt Nam nhất là trường hợp của Carlos Yulo (Philippines).
Để có được cú đúp HCV Olympic Paris 2024, Yulo được phát hiện và theo tập thể dục dụng cụ từ năm 7 tuổi. Từ năm 16 tuổi, Yulo được HLV người Nhật Munehiro Kugimiya đưa sang Tokyo đã huấn luyện theo phương pháp "cá thể hóa".
Những chuyện đó mới chỉ giúp Yulo vô địch thế giới. Để bước lên đỉnh cao Olympic, trong khoảng 1 năm qua, anh đã quyết định làm việc mà không có HLV. Yulo đi khắp thế giới để tập luyện với một số VĐV giỏi nhất ở nội dung thi đấu của mình. Sự tích luỹ, học hỏi không ngừng mới giúp Yulo tỏa sáng tại Paris!
Thi đấu ở đấu trường khắc nghiệt nhất thế giới như Olympic, chắc chắn không thể chỉ dựa vào may mắn, ý chí, nỗ lực tập luyện, quyết tâm với 200% sức lực của VĐV để nghĩ tới chuyện đặt tay vào những tấm huy chương.
Và sự thật là tại Olympic Paris 2024, những Nguyễn Thuỳ Linh, Lê Đức Phát (cầu lông), Phạm Thị Huệ (đua thuyền rowing), Hà Thị Linh (boxing), Võ Thị Mỹ Tiên (bơi)... và VĐV chốt sổ cho đoàn TTVN tại Thế vận hội chiều 8/8 là Nguyễn Thị Hương (đua thuyền canoeing) đều đã vượt qua chính mình nhưng không thể tạo nên sự bứt phá khi các đối thủ trong cùng cuộc đua quá mạnh.
Chi tiết cần lưu ý là một cường quốc thể thao như Đức, sau một khoảng thời gian dài luôn nằm trong tốp 3 Olympic thì kể từ Olympic Atlanta 1996, đã gần 30 năm qua, Đức chưa trở thể tìm lại vị thế của mình ở Thế vận hội.
Người Đức vốn rất chịu khó học và học giỏi, không ngừng tìm tòi, sáng tạo nhưng đã phải tự nhận mình đang cố gắng bắt kịp trình độ thế giới chứ chưa thể vượt qua ở thời điểm này.
Nói cách khác, trong bối cảnh kinh tế, xã hội, thể thao thế giới, châu lục, khu vực đang không ngừng đổi mới, tiến lên; mà TTVN vẫn vận hành theo tư duy cũ thì không thụt lùi mới là chuyện lạ!
Và nếu TTVN không có sự đầu tư, đào tạo theo phương thức cá thể hóa (dù đã tương đối muộn so với thế giới) trong tương lai mà gần nhất là Olympic Los Angeles 2028, việc tiếp tục trắng tay là điều không khó hiểu!
Thậm chí, vị thế trong tốp 3 SEA Games của TTVN có thể cũng sẽ không còn!
Khi đó, TTVN sẽ không còn nhìn thấy bóng dáng những cường quốc thể thao ở đâu nữa mà "chạy theo", bởi họ đã ở quá xa...!