Mỹ dùng công cụ phi thị trường đối xử với kinh tế thị trường

Hoàng Hải Vân Thứ hai, ngày 05/08/2024 07:05 AM (GMT+7)
Sau khi Mỹ và Việt Nam thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, chúng ta luôn hy vọng Mỹ có nhiều đối xử công bằng trong quan hệ kinh tế với nước ta. Đáng buồn là sau nhiều cuộc trao đổi, ngày 2/8 vừa qua Bộ Thương mại Mỹ vẫn tiếp tục không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường.
Bình luận 0

Mỹ không công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, vậy Mỹ đúng hay 72 quốc gia đúng?

Trong khi đó, đã có 72 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Vậy Mỹ đúng hay 72 quốc gia kia đúng? Chúng ta xây dựng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa (XHCN). Một số người cho rằng do cụm từ "định hướng XHCN" nên Việt Nam chưa có kinh tế thị trường. 

Hãy nghe lời giải thích sau đây: "Xây dựng thể chế kinh tế thị trường XHCN trước hết phải có kinh tế thị trường đầy đủ. Định hướng XHCN là sử dụng nguồn lực của Nhà nước để bảo đảm cho nền kinh tế đủ sức đối phó với rủi ro khủng hoảng, loại bỏ sự lũng đoạn của "lợi ích nhóm", bảo đảm cơ hội bình đẳng cho các chủ thể của nền kinh tế trong thụ hưởng các chính sách và tiếp cận các nguồn lực của quốc gia, bảo đảm an sinh xã hội tốt nhất cho người dân theo hướng ưu tiên cho các thành phần yếu thế. Định hướng XHCN chủ yếu thực hiện bằng công cụ thị trường cùng chính sách an sinh xã hội, không phải là sự can thiệp phi thị trường vào sự vận hành của nền kinh tế. Quan điểm này được Đảng ta xác định đầy đủ trong thời kỳ đồng chí Nguyễn Phú Trọng làm Tổng Bí thư" (Báo Nhân dân, 23/7/2024).

Có thể thấy "định hướng XHCN" với nội hàm nói trên hoàn toàn không ảnh hưởng đến việc xây dựng thể chế của một nền kinh tế thị trường đầy đủ.

Mỹ dùng công cụ phi thị trường đối xử với kinh tế thị trường- Ảnh 1.

Ngày 3/8, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: Chúng tôi thất vọng về việc Bộ Thương mại Hoa Kỳ tiếp tục xác định Việt Nam là nền kinh tế phi thị trường. Mặc dù ghi nhận nhiều chuyển biến tích cực của nền kinh tế Việt Nam trong thời gian qua, quyết định này không phản ánh đầy đủ những nỗ lực và thành tựu to lớn của Việt Nam trong xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường đã được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Ảnh: TTXVN

Trong số 72 quốc gia công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, ngoài Anh quốc công nhận mới đây (2023), còn Singapore và các nước ASEAN công nhận từ 17 năm trước (2007). Australia, New Zealand, Hàn Quốc công nhận từ 14-15 năm trước (2008-2009), Nhật Bản từ 13 năm trước (2011), Thụy Sĩ, Na Uy, Iceland từ 12 năm trước (2012), Canada, Israel từ 8 năm trước (2016)…

Những nền kinh tế thị trường lớn này của thế giới công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường là xuất phát từ sự thật và xuất phát từ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp và người tiêu dùng nước họ trong quan hệ cùng có lợi với Việt Nam.

Hoa Kỳ và các nước EU sở dĩ chưa công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường không phải do nước ta chưa có nền kinh tế thị trường mà họ chịu sức ép thiển cận của một số nhóm lợi ích không muốn hàng hóa Việt Nam cạnh tranh bình đẳng với hàng hóa của họ và muốn sử dụng công cụ phi thị trường để gây sức ép chính trị đối với Việt Nam.

Thực chất những cuộc điều tra chống bán phá giá

Khi chưa công nhận Việt Nam có nền kinh tế thị trường, Mỹ sẽ tiếp tục phân biệt đối xử với hàng hóa Việt Nam xuất khẩu vào Mỹ thông qua những cuộc điều tra chống bán phá giá, chống trợ cấp.

Họ không công nhận những chi phí sản xuất thực tế của doanh nghiệp Việt Nam mà phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ áp thuế, thường cao gấp nhiều lần, thậm chí cao hàng chục lần mức thuế bình thường. Chúng ta thường xuyên phải đối phó những vụ kiện bất công này từ phía Mỹ và EU.

Nhà kinh tế nổi tiếng người Mỹ Thomas Sowell đã đề cập chuyện "chống bán phá giá" này trong cuốn sách "Basic Economics" của ông. Sowell cho rằng không có bằng chứng hàng hóa nước ngoài bán phá giá vào thị trường Mỹ và Châu Âu, người ta cũng chưa bao giờ tìm ra được bằng chứng đó.

Những cuộc kiện bán phá giá đều xuất phát từ một số doanh nghiệp trong nước thấy hàng hóa nước ngoài nhập vào thị trường họ với giá rẻ hơn gây thiệt hại cho sản phẩm cùng loại của họ. Luận điệu phổ biến là hàng hóa nước ngoài này đã cướp mất việc làm của người Mỹ hoặc châu Âu và làm mất khách hàng của những doanh nghiệp này.

Lẽ ra hàng hóa giá rẻ làm lợi cho người tiêu dùng cùng các doanh nghiệp sử dụng hàng hóa đó làm đầu vào cho sản phẩm của mình tạo một tác động kép làm lợi cho cả nền kinh tế. Cái lợi cho cả nền kinh tế là lớn hơn nhiều so với cái lợi của một số doanh nghiệp.

Nhưng vì những doanh nghiệp kiện cáo này thường có thế lực, có ảnh hưởng đến một lượng đáng kể cử tri, nên các nhà chính trị, thông qua cơ quan thương mại của Chính phủ, phải lấy lòng họ để lấy phiếu bầu.

Việc điều tra chống bán phá giá không bao giờ xuất phát từ sự thật mà quyết định đưa ra xuất phát từ làm thế nào để được nhiều phiếu bầu hơn.

Luật Chống bán phá giá của Mỹ và các nước châu Âu thực chất là biến tướng của chủ nghĩa bảo hộ ra đời dưới áp lực của các nhóm lợi ích nội địa, với cái giá phải trả lấy từ người tiêu dùng trong nước, theo Sowell.

Cũng theo Sowell: "Bởi vì không có bất kỳ cơ sở đáng tin nào để xác định chi phí sản xuất của những hàng hóa nhập khẩu này, nên các cơ quan Chính phủ Mỹ thường dựa vào "những thông tin tốt nhất đang có" để đưa ra quyết định – nhưng những thông tin này thường được cung cấp bởi các doanh nghiệp Mỹ đang cố gắng loại bỏ các sản phẩm cạnh tranh của nước ngoài".

Mỹ dùng công cụ phi thị trường đối xử với kinh tế thị trường- Ảnh 3.

Tác giả bài viết, nhà báo Hoàng Hải Vân. Ảnh: DV

Không phải bao giờ người tiêu dùng Mỹ cũng nhận ra bản chất những quyết định chống bán phá giá võ đoán của cơ quan Chính phủ. Nhưng việc phải sử dụng "giá trị thay thế" của một nước thứ ba để tính toán biên độ bán phá giá, rõ ràng là không che giấu được bản chất phi thị trường của các quyết định.

Bộ Công Thương và các doanh nghiệp nước ta đã tốn rất nhiều công sức và chi phí để đối phó với những vụ kiện này nhưng rất ít có hiệu quả. Bởi vậy các nhà lãnh đạo nước ta phải liên tục kêu gọi Mỹ và EU công nhận nước ta có nền kinh tế thị trường để giảm nhẹ những vụ kiện cáo phi lý kia.

Cần nhớ, khi gia nhập WTO vào năm 2001, Trung Quốc sẽ mặc nhiên được công nhận là nền kinh tế thị trường sau 15 năm. Nhưng sau 15 năm, Mỹ và EU vẫn không công nhận nước này có nền kinh tế thị trường với lý do nhiều hàng hóa Trung Quốc xuất khẩu vào các thị trường này giá thấp do "bán phá giá".

Trung Quốc đã tiến hành kiện ra WTO yêu cầu Mỹ và EU công nhận họ là quốc gia có nền kinh tế thị trường, nhưng kiện trong một thời gian dài WTO vẫn không ra phán quyết có lợi cho Trung Quốc, nên Trung Quốc đã dừng kiện vào năm 2019. Họ đã có đủ sức mạnh để đáp trả, không cần kiện cáo nữa.

Nước ta hiện đang kêu gọi, nhưng vẫn không ăn thua. Đã đến lúc chúng ta phải tính đến sức mạnh nội lực của nền kinh tế.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem