Dân Việt

Khối lượng công việc giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát là "vô cùng đồ sộ"

Bách Thuận 09/08/2024 19:00 GMT+7
Theo Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh, chỉ tính riêng giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh Phát, khối lượng công việc đặt ra cho đơn vị này là vô cùng đồ sộ, chưa kể giai đoạn 2 của vụ án.

Khối lượng công việc đặt ra là vô cùng đồ sộ

Thông tin từ Bộ Tư pháp, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi đã chủ trì buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh về tình hình công tác chuẩn bị tổ chức thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa trên cơ sở Bản án sơ thẩm 157/2024/HS-ST của Tòa án nhân dân TP.Hồ Chí Minh (vụ Vạn Thịnh Phát giai đoạn 1 - hiện nay đang bị kháng cáo) đã báo cáo những vấn đề sơ bộ thuộc trách nhiệm của cơ quan thi hành án dân sự tổ chức thi hành.

Cụ thể, tổng nghĩa vụ cơ quan hi hành án dân sự phải tổ chức thi hành khoảng 23.000 tỷ; số lượng tài sản phải xử lý trên 1.200 bất động sản, trong đó tại TP.Hồ Chí Minh khoảng trên 1.000 bất động sản; gần 200 bất động sản nằm ở các tỉnh, thành phố: Hà Nội, Bà Rịa -Vũng Tàu, Bình Thuận; Bình Dương, Đồng Nai, Khánh Hòa, Nam Định, Long An, Lâm Đồng, Thừa Thiên Huế, Quảng Ninh; trên 1.028.224.559 cổ phần; 22 động sản.

Khối lượng công việc giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh phát là "vô cùng đồ sộ"- Ảnh 1.

Trong buổi làm việc với Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh về tình hình công tác chuẩn bị tổ chức thi hành án vụ Vạn Thịnh Phát, Thứ trưởng Mai Lương Khôi giao Tổng cục Thi hành án dân sự sớm tổ chức kỳ thi Chấp hành viên sơ cấp ngay trong năm 2024 để bảo đảm bổ sung kịp thời nguồn Chấp hành viên cho các cơ quan Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh. Ảnh: Bộ Tư pháp

Đáng chú ý, riêng nghĩa vụ của bị cáo Trương Mỹ Lan - cựu Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vạn Thịnh Phát phải bồi hoàn cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn dư nợ của 1.243 khoản vay còn lại tính đến ngày 17/10/2022, tương đương số tiền là 673.849.352.548.898 đồng, Bản án giao cho Ngân hàng TMCP Sài Gòn tiếp tục quản lý, xử lý đối với 1.121 mã tài sản để đảm bảo cho khoản vay.

Chỉ tính riêng giai đoạn 1, khối lượng công việc đặt ra cho Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh là vô cùng đồ sộ, chưa kể giai đoạn 2 của vụ án án nghĩa vụ phải bồi thường của Trương Mỹ Lan liên quan đến 25 gói Trái phiếu lên đến gần 40.000 tỷ của trên 35.000 trái chủ.

Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh cho biết, sẽ có nhiều khó khăn, vướng mắc sẽ phát sinh từ khâu thụ lý, ra Quyết định thi hành án; khâu thông báo, tống đạt các văn bản về thi hành án, khâu thẩm định giá, bán đấu giá tài sản, khâu thanh toán tiền thi hành án… và nguồn nhân lực, vật lực hiện có của Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh khó có thể thể đáp ứng yêu cầu khối lượng công việc đặt ra.

Để chuẩn bị cho việc tổ chức thi hành vụ việc sau khi vụ án (giai đoạn 1) được xét xử phúc thẩm dự kiến vào tháng 10/2024, Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh đã ban hành Kế hoạch về việc tiếp nhận yêu cầu, thụ lý và tổ chức thi hành án; tổ chức rà soát, phân loại tài sản phải xử lý để làm làm căn cứ.

Đồng thời xây dựng phần mềm thụ lý, ra Quyết định thi hành án và phần mềm thông báo bằng phương tiện điện tử tại Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh (phục vụ cho giai đoạn 2); xây dựng dự toán kinh phí tổ chức thực hiện.

Khối lượng công việc giai đoạn 1 vụ Vạn Thịnh phát là "vô cùng đồ sộ"- Ảnh 2.

Cục trưởng Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Hòa cho biết, tính riêng giai đoạn 1, khối lượng công việc đặt ra cho đơn vị này là vô cùng đồ sộ. Ảnh: Bộ Tư pháp

Mặt khác, thông cáo báo chí về tiếp nhận nộp tiền khắc phục hậu quả của Vụ án và thông tin tài khoản tiếp nhận để thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân; báo cáo các ban ngành tại địa phương về các vấn đề lớn để tham mưu Thành ủy lãnh đạo, chỉ đạo chung; thực hiện phối hợp với các Sở, ban, ngành ở địa phương để thực hiện công tác truyền thông, bảo đảm an ninh trật tự, xử lý các tình huống phát sinh, hạn chế phát sinh điểm nóng….

Sớm bổ sung nguồn Chấp hành viên cho các cơ quan Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh

Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh đề nghị Bộ Tư pháp, Tổng cục Thi hành án dân sự quan tâm tháo gỡ, trình cấp có thẩm quyền tháo gỡ khó khăn, vướng mắc từ chuyên môn, nghiệp vụ, cho đến nguồn nhân lực, tài chính… để bảo đảm đáp ứng yêu cầu tổ chức thi hành vụ việc.

Kết luận buổi làm việc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp Mai Lương Khôi chia sẻ với những khó khăn, thách thức mà Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh đã và đang phải giải quyết, trong đó là việc chuẩn bị cho việc tổ chức thi hành vụ Vạn Thịnh Phát - vụ án phức tạp, có số lượng tài sản, tiền phải thi hành rất lớn….

Để chuẩn bị tốt các điều kiện cần thiết cho việc tổ chức thi hành vụ án Vạn Thịnh Phát (giai đoạn 1 cũng như giai đoạn 2), Thứ trưởng Bộ Tư pháp yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh rà soát kỹ Bản án, các tài sản phải xử lý trong giai đoạn 1; những khó khăn, vướng mắc rất cụ thể khi tổ chức thi hành vụ việc theo các quy định của pháp luật Thi hành án dân sự hiện hành (từ khâu thụ lý, ra quyết định thi hành án, thông báo thi hành án, xử lý tài sản cho đến thanh toán tiền thi hành án)…

Vị lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng yêu cầu Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh rà soát và xác định các công việc có thể ký Hợp đồng hỗ trợ, phục vụ để bổ sung nguồn nhân lực hỗ trợ tổ chức thi hành vụ việc...

Mặt khác, Thứ trưởng Mai Lương Khôi giao Tổng cục Thi hành án dân sự sớm tổ chức kỳ thi Chấp hành viên sơ cấp ngay trong năm 2024 để bảo đảm bổ sung kịp thời nguồn Chấp hành viên cho các cơ quan Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh.

Đồng thời giao Tổng cục Thi hành án dân sự cùng với Cục Thi hành án dân sự TP.Hồ Chí Minh rà soát những khó khăn, vướng mắc về thể chế để có giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Tổng cục Thi hành án dân sự cũng được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị có liên quan thuộc Bộ Tư pháp để tham mưu cho lãnh đạo Bộ có các giải pháp để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình tổ chức thi hành vụ việc Vạn Thịnh Phát ở cả giai đoạn 1 và giai đoạn 2.