Nghỉ việc đã gần 1 năm nhưng chị Nguyễn Thị Xuyên (43 tuổi, Đông Anh, Hà Nội) cũng không thiết tha tìm kiếm việc làm. Vốn là lao động phổ thông, đi làm đã được 25 năm, tiền lương cộng các khoản phụ cấp của chị giúp chị có mức thu nhập tương đối khá (12-15 triệu đồng/tháng). Tuy nhiên, gần đây doanh nghiệp may Đài Loan (Trung Quốc) nơi chị làm việc ít đơn hàng, công ty khó khăn nên bắt đầu cắt giảm lao động. Trước tình thế đó, chị Xuyên xin nghỉ việc, đăng ký hưởng trợ cấp thất nghiệp.
Chị Xuyên tâm sự: "Mặc dù có khá nhiều công ty thông báo tuyển dụng công nhân nhưng tôi không nộp hồ sơ, về cơ bản là tuổi cũng nhiều, sức khỏe yếu. Tôi đang ở nhà phụ giúp con trai bán hàng, đóng gói mỹ phẩm trên kênh thương mại điện tử. Công việc thú vị, cho thu nhập tốt, lại không gò bó".
Không may mắn như chị Xuyên, nhiều lao động khi đối mặt với tình hình công ty khó khăn, cũng chọn giải pháp nghỉ việc, nhưng nghỉ việc để tìm kiếm công việc tốt hơn, thu nhập cao hơn.
Anh Nguyễn Tiến Lộc (32 tuổi), công nhân trong doanh nghiệp lắp ráp điện tử tại Bắc Ninh cho biết, gần đây công ty anh đã khôi phục lại sản xuất, thu nhập bắt đầu được cải thiện nhưng đơn hàng vẫn ít không có tăng ca, nên so sánh với nhiều doanh nghiệp tại địa phương vẫn không ăn thua.
"Tôi dự định sẽ nghỉ việc tại công ty này và tìm công việc mới, nơi có nhiều đơn hàng hơn để được tăng ca có thêm thu nhập. Hiện tại tiền lương của tôi chỉ khoảng 8 triệu đồng, mức lương không đủ tôi nuôi sống gia đình, nên mong muốn là tìm được công việc có thu nhập khoảng 10-12 triệu đồng/tháng", anh Lộc nói.
Hiện nay tình trạng khan hiếm lao động phổ thông đang xảy ra phổ biến trong cả nước, nhất là khi doanh nghiệp phục hồi sản xuất, sau đại dịch Covid -19 và suy thoái kinh tế.
Để thu hút lao động, một số doanh nghiệp đã phải hạ tiêu chuẩn, nới độ tuổi tuyển dụng, mở ra cơ hội về việc làm cho lao động lớn tuổi.
"Tỷ lệ thất nghiệp trong độ tuổi lao động là 2,27%, không đổi so với cùng kỳ năm trước. Cơ cấu lao động tiếp tục chuyển dịch tích cực, lao động có việc làm trong khu vực nông, lâm nghiệp và thuỷ sản là 13,7 triệu người, chiếm 26,7% và giảm 112,8 nghìn người so với cùng kỳ năm trước".
Tổng cục Thống kê
Ghi nhận của Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM cho thấy điều này. Đại diện đơn vị này cho biết, doanh nghiệp không lo về đơn hàng song lại gặp khó trong việc tuyển lao động. Đa số DN cho rằng ngày càng khó tuyển lao động. Để có đủ nhân lực, một số nơi đã phải hạ tiêu chí, không giới hạn độ tuổi như trước, thậm chí nhận cả lao động ngoài 40 tuổi.
Theo ông Vũ Quang Thành - Phó giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc Hà Nội, sở dĩ thời gian qua diễn ra tình trạng khan hiếm lao động, nhất là lao động phổ thông là bởi xu hướng tìm việc làm của người lao động đã thay đổi.
Bên cạnh đó, thị trường lao động có sự lệch pha không những ở nguồn cung lao động chất lượng, kỹ thuật mà còn có sự lệch pha lớn của phân khúc lao động phổ thông.
Ngoài các yếu tố lương thì theo quan sát thực tế cũng như dữ liệu thống kê từ ngành chức năng, đại dịch Covid-19 đã khiến người lao động phổ thông thay đổi về những mong muốn khi đi tìm việc.
Họ không chỉ quan tâm tới lương và phúc lợi, lao động phổ thông giờ đây quan tâm hơn đến chế độ đãi ngộ của doanh nghiệp, sức khỏe, sự an toàn hay khả năng cân bằng công việc và cuộc sống gia đình.
Thêm vào đó, chi phí và mức sống đắt đỏ ở thành phố cùng sự nở rộ của các doanh nghiệp, nhà máy tại nhiều tỉnh thành, một bộ phận lao động phổ thông từ bỏ bám trụ ở thành phố và chuyển về quê để được làm việc gần nhà hơn. Ngoài ra, một số lao động phổ thông chuyển sang làm các công việc có tính tự do và linh hoạt cao hơn như: Bán hàng online, shipper, kinh doanh tự do…
Theo ông Thành thực tế sự tiệm cận giữa cung - cầu lao động trong bất kể thời điểm nào đều có khoảng cách, thị trường lao động ở mỗi giai đoạn đều có những phân khúc, ngành nghề có nhu cầu tuyển dụng khác nhau. Chính bởi vậy, khi tiếu lao động nhiều doanh nghiệp đã phải hạ tiêu chuẩn (tuyển cả lao động qua tuổi 40) để có người làm việc. Đây là cơ hội để lao động lớn tuổi tìm kiếm được việc làm.
"Tâm lý của người làm công ăn lương đều mong muốn có thu nhập tốt đủ để trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, các bạn cần đánh giá kỹ khả năng với vị trí công việc để có lựa chọn phù hợp nhất. Về phía doanh nghiệp cũng cần có chế độ lương, thưởng phúc lợi hợp lý để thu hút lao động", ông Thành lưu ý.
Mới đây, Báo cáo tình hình lao động năm 2024 2024 do Navigos Search công bố cũng đã cho thấy cái nhìn toàn cảnh về thị trường lao động tại Việt Nam. Theo đó, báo cáo chỉ ra, thay vì tuyển lao động phổ thông một số ngành mũi nhọn như: Công nghệ Thông tin, Điện - Điện tử, và Sản xuất có vốn đầu tư Trung Quốc có xu hướng chuyển sang tuyển dụng lao động có kinh nghiệm, kỹ thuật (chiếm hơn 70%) thay vì bằng cấp.
Điều này cho thấy để có việc làm tốt ngoài việc có bằng cấp, lao động còn cần rèn luyện thêm kỹ năng, kinh nghiệm thực tế để gia tăng cơ hội tìm kiếm việc làm chất lượng, xích gần với xu hướng tuyển dụng của các doanh nghiệp.