Dân Việt

Huy động gần 17.800 tỷ đồng làm các dự án thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL

Huỳnh Xây 13/08/2024 06:09 GMT+7
Sau kết quả đạt được từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9), Bộ NNPTNT cùng 10 tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục chuẩn bị Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT - WB11). Dự án lần này có tổng nguồn vốn 741 triệu USD (tương đương khoảng 17.759 tỷ đồng).

Sáng 12/8, tại Cần Thơ, lãnh đạo Bộ NNPTNT phối hợp với đại diện Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Tài chính, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Văn phòng Chính phủ cùng 10 tỉnh vùng ĐBSCL họp rà soát tiến độ chuẩn bị cho Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT - WB11).

Huy động gần 17.800 tỷ đồng làm các dự án thích ứng biến đổi khí hậu ở ĐBSCL - Ảnh 1.

Dự án chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT - WB11) có tổng nguồn vốn 741 triệu USD (tương đương khoảng 17.759 tỷ đồng). Trong ảnh, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NNPTNT thông tin về việc chuẩn bị cho dự án. Ảnh: Huỳnh Xây

Sau kết quả đạt được từ Dự án Chống chịu khí hậu tổng hợp và sinh kế bền vững ĐBSCL (WB9), Bộ NNPTNT cùng 10 tỉnh vùng ĐBSCL tiếp tục chuẩn bị Dự án Chống chịu khí hậu và chuyển đổi tổng hợp vùng ĐBSCL (MERIT - WB11).

Để triển khai, Bộ NNPTNT và 10 tỉnh ĐBSCL đã xây dựng 11 đề xuất dự án. Trong đó, Bộ NNPTNT đề xuất đầu tư xây dựng 2 âu thuyền gồm Bãi Xàu (huyện Mỹ Xuyên) và Đại Ngãi (huyện Long Phú, tỉnh Sóc Trăng).

Đối với các đề xuất dự án của 10 tỉnh vùng ĐBSCL, đến nay, đã có 5 tỉnh hoàn chỉnh đề xuất dự án đầu tư, các địa phương còn lại đang tiếp tục cập nhật.

Tại buổi làm việc, ông Nguyễn Hoàng Hiệp - Thứ trưởng Bộ NNPTNT đánh giá, WB9 là dự án thành công của Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, khả năng đây sẽ là mô hình mẫu được nhân rộng ở nhiều quốc gia khác trên thế giới.

Tiếp nối dự án này, MERIT-WB11 được chuẩn bị khá nhanh và được WB đánh giá cao về cách làm. Để có được kết quả này, các bộ ngành có liên quan cần phối hợp rất chặt chẽ cùng Bộ NNPTNT và 10 tỉnh vùng ĐBSCL triển khai.

Để đảm bảo tiến độ dự án, Thứ trưởng Hiệp đề nghị 10 tỉnh vùng ĐBSCL, trước ngày 15/8 phải có văn bản đề xuất hoàn chỉnh gửi Văn phòng Chính phủ và các bộ ngành liên quan.

Trong đó, cần khẳng định và đánh giá lại một lần nữa các tiêu chí thích ứng với biến đổi khí hậu và phát triển bền vững. Đồng thời, khẳng định lại tổng mức đầu tư và khả năng bố trí vốn đối ứng của địa phương cho dự án, cũng như dư địa và mức trần vay lại đảm bảo 10%.

Đối với dự án của Bộ NNPTNT, Thứ trưởng Hiệp yêu cầu Ban Quản lý Trung ương các dự án Thủy lợi (CPO), tập trung đẩy nhanh tiến độ, hoàn thành báo cáo nghiên cứu tiền khả thi trong năm 2024.

"Phải tranh thủ thời gian để trong tháng 8 này, Chính phủ đưa vào Nghị quyết chung vùng ĐBSCL và khởi công dự án vào cuối năm nay" - ông Hiệp nói.

Theo ông Hiệp, dự án MERIT-WB11 được đánh giá có quy mô lớn nhất từ trước đến nay. Dự án tập trung vào các giải pháp công trình và phi công trình, nhằm tăng cường tính chống chịu khí hậu của hoạt động sản xuất nông nghiệp và cộng đồng dân cư nông thôn tại các địa phương vùng ĐBSCL.

Dự án MERIT-WB11 cũng góp phần quan trọng triển khai Nghị quyết 120/NQ-CP của Chính phủ và Quy hoạch tích hợp vùng ĐBSCL, hỗ trợ, thúc đẩy sự phát triển toàn diện của vùng.

Dự án có tổng nguồn vốn 741 triệu USD (tương đương khoảng 17.759 tỷ đồng). Trong đó, vốn vay từ WB khoảng 545 triệu USD, vốn đối ứng là 179 triệu USD và khoảng 17 triệu USD vốn viện trợ.

Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý áp dụng cơ chế tài chính ngân sách Trung ương cấp phát 90% vốn vay, ngân sách các địa phương vay lại 10% vốn vay theo quy định về cho vay lại vốn vay ODA, vay ưu đãi nước ngoài.

Được biết, diện tích hưởng lợi trực tiếp và gián tiếp từ dự án MERIT-WB11 khoảng 960.000 ha, với số hộ dân hưởng lợi là 920.000 hộ.