Diễn đàn Khuyến nông tại Cà Mau: Nuôi tôm đem lại hàng tỷ USD, giải pháp nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?

Hoàng Hạnh Thứ sáu, ngày 28/06/2024 18:31 PM (GMT+7)
Sáng 28/6, tại Cà Mau, Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau phối hợp với Trung tâm Khuyến nông quốc gia và Cục Thủy sản tổ chức “Diễn đàn Khuyến nông Nông nghiệp: Phát triển nuôi tôm bền vững, giảm phát thải, thích ứng với biến đổi khí hậu vùng ĐBSCL”.
Bình luận 0

Phát biểu khai mạc, Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau Châu Công Bằng cho biết, Cà Mau là tỉnh có tiềm năng và thế mạnh về nuôi trồng thủy sản.

"Ngành tôm Cà Mau đã đạt được nhiều kết quả quan trọng; nhiều năm liền Cà Mau dẫn đầu về diện tích, sản lượng, giá trị kim ngạch xuất khẩu", ông Bằng nói và cho biết, năm 2023, sản lượng tôm của tỉnh đạt 231.500 tấn, năng suất tôm nuôi bình quân ước đạt 830,5 kg/ha/năm, kim ngạch xuất khẩu thủy sản đạt trên 1 tỷ USD.

Cà Mau: Giải pháp nuôi tôm bền vững nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?- Ảnh 1.

Ông Châu Công Bằng - Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Cà Mau mong muốn diễn đàn đề ra kế hoạch, giải pháp đồng bộ, khoa học, có tính đột phá, mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành tôm Việt Nam nói chung, và ngành tôm của tỉnh Cà Mau nói riêng phát triển hiệu quả và bền vững trong thời gian tới. Ảnh: An An

Theo ông Bằng, bên cạnh những kết quả đạt được cũng cần phải thừa nhận rằng, tình hình sản xuất nuôi tôm vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Do đó, diễn đàn lần này là dịp để các cơ quan chức năng từ Trung ương đến địa phương, nhà khoa học, doanh nghiệp chia sẻ, trao đổi, đánh giá một cách hệ thống những kết quả đạt được, cũng như nhìn nhận những khó khăn, hạn chế đã qua. Từ đó, diễn đàn cũng đề xuất các giải pháp đồng bộ, khoa học, có tính đột phá, mang lại hiệu quả, góp phần thúc đẩy ngành tôm Việt Nam nói chung, và ngành tôm của tỉnh Cà Mau nói riêng phát triển hiệu quả, bền vững trong thời gian tới.

Nhiều thách thức và cơ hội cho ngành tôm

Tại Diễn đàn, Cục Thủy sản cho biết, ngành tôm đóng vai trò quan trọng trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam ra thế giới trong suốt 2 thập kỷ qua. Các sản phẩm tôm Việt Nam xuất khẩu đến khoảng 100 quốc gia với 5 thị trường lớn: Châu Âu, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Quốc và Hàn quốc.

Việt Nam đã trở thành nước cung cấp tôm đứng thứ tư thế giới sau Ecuador, Ấn Độ và Indonessia với với giá trị xuất khẩu chiếm 13-14% tổng giá trị xuất khẩu tôm của toàn thế giới. Hằng năm, ngành tôm đóng góp khoảng 40 - 45% tổng giá trị xuất khẩu thủy sản, tương đương 3,5 đến hơn 4 tỷ USD. Ngành tôm đang giải quyết việc làm cho trên 3 triệu lao động.

Cà Mau: Giải pháp nuôi tôm bền vững nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?- Ảnh 2.

Diễn đàn có sự tham gia của hơn 150 đại biểu là đại diện lãnh đạo các cơ quan Trung ương, các nhà khoa học của các Viện, Trường, các Hiệp hội, HTX, và các đơn vị chuyên môn trực thuộc các Sở NNPTNT Cà Mau, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang, Bạc Liêu. Ảnh: An An

Đến năm 2023 diện tích nuôi tôm nước lợ đạt 737 nghìn ha (diện tích nuôi tôm sú là 622 nghìn ha, tôm chân trắng khoảng 115 nghìn ha); sản lượng đạt 1,12 triệu tấn, tăng 5,5% cùng kỳ 2022 (1,06 triệu tấn), trong đó sản lượng tôm sú đạt 274 nghìn tấn và tôm thẻ chân trắng đạt 845 nghìn tấn. Sản lượng sản xuất tôm giống đạt khoảng 150 tỷ con (tôm thẻ chân trắng: 108 tỷ con; tôm sú: 42 tỷ con).

Sáu tháng đầu năm 2024 diện tích thả nuôi tôm nước lợ ước đạt khoảng 665,5 nghìn ha, bằng 101,5% cùng kỳ năm 2023 (656 nghìn ha), sản lượng thu hoạch tôm nước lợ đạt khoảng 432,0 nghìn tấn, đạt 99,4% so với cùng kỳ năm 2023 (434,5 nghìn tấn), sản xuất 56,9 tỷ con giống (chưa gồm ương dưỡng), cơ bản đã cung ứng đủ nhu cầu cho nuôi trồng thủy sản trên cả nước…

Cà Mau: Giải pháp nuôi tôm bền vững nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?- Ảnh 3.

Ông Lên Quốc Thanh - Giám đốc Trung tâm Khuyến nông quốc gia điều hành phiên thảo luận - Trao đổi, giải đáp các vấn đề đại biểu đưa ra, và chia sẻ của một số doanh nghiệp, HTX, hộ nông dân về giống, thức ăn, vật tư, thu mua, sơ chế... Ảnh: An An

Cục Thủy sản cũng cho rằng, sáu tháng đầu năm 2024 tình hình thời tiết không thuận lợi cho nuôi tôm, tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL gây ảnh hưởng đến tôm nuôi, nhiều địa phương xảy ra bệnh tôm ngay từ giai đoạn sớm thả nuôi (bệnh TPD như Cà Mau, Trà Vinh...).

Mặt khác, giá nguyên liệu, vật tư đầu vào phục vụ sản xuất vẫn tiếp tục tăng cao; xuất khẩu tôm các tháng đầu năm có tín hiệu tăng trở lại nhưng vẫn chậm…, nhu cầu tiêu dùng phục hồi và dự báo giá tôm có thể tăng vào quý III/2024.

Theo dự báo, các tháng cuối năm 2024 thời tiết tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường ảnh hưởng đến sinh trưởng và phát triển của tôm nuôi, nguy cơ phát sinh bệnh tiềm ẩn, khó dự đoán và tiếp tục là giai đoạn khó khăn của ngành nuôi trồng thủy sản nói chung, ngành tôm nói riêng.

Cà Mau: Giải pháp nuôi tôm bền vững nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?- Ảnh 4.

Theo Cục thủy sản cũng cho rằng, sáu tháng đầu năm 2024 tình hình thời tiết không thuận lợi cho nuôi tôm, tình trạng nắng nóng, xâm nhập mặn tại khu vực ĐBSCL gây ảnh hưởng đến tôm nuôi, nhiều địa phương xảy ra bệnh tôm ngay từ giai đoạn sớm thả nuôi (bệnh TPD như Cà Mau, Trà Vinh...). Song dự báo giá tôm có thể tăng vào quý III/2024. Ảnh: An An

Ngoài ra, xuất khẩu tôm cũng có nhiều cơ hội phát triển khi Mỹ đã đưa vào xem xét Việt Nam có nền kinh tế thị trường. Bộ Thương mại Hoa Kỳ trong tháng 3/2024 công bố mức áp thuế chống trợ cấp của tôm Việt Nam thấp nhất so với Ấn Độ, Ecuador; Trung Quốc thắt chặt nhập khẩu tôm từ Ecuador; thị trường Mỹ nhập khẩu tôm từ Việt Nam tăng trong Quý I/2024. Mức độ tồn kho ít, nhu cầu tiêu thụ tôm các tháng cuối năm 2024 sẽ tăng cao hơn. Do đó cần chủ động sản xuất, đáp ứng nhu cầu thị trường tiêu thụ…

Riêng về định hướng phát triển ngành tôm bền vững trong thời gian tới, Cục thủy sản cho rằng cần phải thay đổi tư duy sản xuất nuôi trồng thủy sản sang tư duy kinh tế thủy sản áp dụng vào phát triển và sản xuất ngành hàng tôm. Tập trung nâng cao năng lực quản lý và sản xuất theo hướng hiện đại, ứng dụng công nghệ thông tin, công nghệ số trong quản lý, sản xuất giống, vật tư thủy sản, phòng trừ dịch bệnh.

Do đó, để đảm bảo kế hoạch cả năm 2024, cần tận dụng các cơ hội trong điều kiện mới xuất hiện từ cuối năm 2023. Ngành tôm Việt Nam cần tiếp tục triển khai đồng bộ, thống nhất từ Trung ương đến địa phương đối với nhiệm vụ, mục tiêu, các nhóm giải pháp phát triển ngành với tư duy kinh tế thủy sản thay cho sản xuất thủy sản, cần tập trung các giải pháp như:

Tập trung quản lý sản xuất giống và thức ăn phục vụ nuôi tôm, giảm chi phí trung gian, nâng cao chất lượng giống, thức ăn để nâng cao sức khỏe tôm, giảm dịch bệnh và chi phí/giá thành sản xuất; về quản lý nuôi tôm nước lợ cần theo dõi diễn biến của thời tiết, nhu cầu của thị trường, kịp thời tham mưu chỉ đạo sản xuất nuôi trồng thủy sản đạt các mục tiêu kế hoạch 2024…

Nâng cao chất lượng sản phẩm; hợp tác, liên kết sản xuất theo chuỗi để giảm khâu trung gian, giảm giá thành sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm; áp dụng các hình thức nuôi có chứng nhận: VietGAP, GlobalGAP, ASC, ... để nâng cao giá trị sản phẩm. Đồng thời, tăng cường xúc tiến thương mại đối với tiêu thụ nội địa và các thị trường mới…

Một số mô hình nuôi tôm nước lợ bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu

Bên cạnh những khó khăn và thách thức cho ngành tôm, song tại diễn đàn, Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đã nêu lên một số mô hình chuyển giao nuôi tôm nước lợ bền vững thích ứng với biến đổi khí hậu ở ĐBSCL bước đầu mang đến thành công.

Cụ thể như: Mô hình nuôi luân canh/xen canh trong ruộng lúa. Đây được xem là mô hình nông nghiệp thông minh phù hợp với điều kiện biến đổi khí hậu hiện nay tại vùng ĐBSCL.

Cà Mau: Giải pháp nuôi tôm bền vững nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?- Ảnh 6.

Tại diễn đàn, các đại biểu đặc biệt chú ý đến mô hình nuôi tôm siêu thâm canh 2 giai đoạn theo hình thức giảm phát thải, thích ứng biến đổi khí hậu theo hướng bền vững đang mang đến thành công cho người nông dân vùng ĐBSCL. Ảnh: An An

Với công nghệ áp dụng nuôi tôm 2-3 giai đoạn, sử dụng chế phẩm sinh học trong suốt quá trình nuôi giúp giảm phân bón lúa, tăng thức ăn tự nhiên, giảm lượng thức ăn bổ sung cho tôm.

Theo đó, kết quả đạt được từ mô hình đã tạo ra sản phẩm lúa thơm, tôm sạch, giảm chi phí sản xuất ở vụ tôm và vụ lúa (trong 1 chu kỳ canh tác tôm - lúa) tương đương 10 - 15%. Hiệu quả kinh tế tăng lớn hơn hoặc bằng 1,3 lần so với mô hình chỉ trồng lúa hoặc nuôi tôm truyền thống.

Ngoài ra, mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, với công nghệ áp dụng là nuôi tôm sú 2 giai đoạn, giai đoạn 1 tôm giống ương từ 20-30 ngày sau đó tiến hành thả ra rừng ngập mặn. Định kỳ bổ sung chế phẩm sinh học giúp ổn định môi trường, tăng cường thức ăn tự nhiên giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt.

Cà Mau: Giải pháp nuôi tôm bền vững nào để thích ứng với biến đổi khí hậu?- Ảnh 7.

Mô hình nuôi tôm sú trong rừng ngập mặn thích ứng với biến đổi khí hậu, với công nghệ áp dụng là nuôi tôm sú 2 giai đoạn được Trung tâm Khuyến nông quốc gia đánh giá mang lại hiệu quả kinh tế cho người nuôi. Ảnh: An An

Mô hình này cũng mang đến kết quả là tạo ra sản phẩm tôm đảm bảo chất lượng, tận dụng hiệu quả diện tích rừng ngập mặn, hướng tới xây dựng thương hiệu sản phẩm tôm rừng ngập mặn.

Đặc biệt là mô hình nuôi tôm công nghiệp thích ứng với biến đổi khí hậu với Dự án "Xây dựng mô hình nuôi tôm sú thâm canh 2 giai đoạn đảm bảo an toàn thực phẩm", theo công nghệ này giúp tôm sinh trưởng và phát triển tốt, tăng tỷ lệ sống, giảm thiểu rủi ro. Mô hình không sử dụng thuốc và hóa chất, ứng dụng công nghệ sinh học xử lý môi trường và cho tôm ăn trong suốt quá trình nuôi.

Theo Trung tâm Khuyến nông quốc gia, với mô hình này, tỷ lệ sống trung bình giai đoạn I là 81%, giai đoạn II là 91%; năng suất đạt 4,7 tấn/ha; kích cỡ thu hoạch đạt trung bình dưới 30 con/kg. Mô hình đem lại hiệu quả doanh thu cho một ha nuôi đạt 790 triệu đồng đồng/ha/vụ, lợi nhuận 275 triệu đồng/ha/vụ và tỷ suất lợi nhuận so với chi phí đầu tư đạt 30%.

Ngoài ra, mô hình còn giúp nâng cao ý thức cộng đồng về bảo vệ môi trường trong sản xuất nhất là môi trường nuôi thủy sản như hiện nay…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem