Dân Việt

Hơn 1.000 người tham gia mô hình cà phê bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm

Trần Anh 12/08/2024 16:25 GMT+7
Hơn 1.000 người dân và du khách tham gia mô hình Cà phê Sơn Dã tại Trung tâm du lịch thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) để tìm hiểu, bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Ngày 12/8, trao đổi với PV Dân Việt, ông Nguyễn Văn Duẫn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phó Giám đốc BQL dự án Quản lý Rừng Bền vững và Bảo tồn Đa dạng Sinh học (VFBC) tỉnh Quảng Bình, cho biết: "Tổ chức Fauna & Flora phối hợp với BQL dự án VFBC tỉnh Quảng Bình và Vườn quốc gia Phong Nha Kẻ Bàng vừa tổ chức sự kiện truyền thông với mô hình Cà phê Sơn Dã tại Trung tâm du lịch thị trấn Phong Nha, huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình".

Hơn 1.000 người tham gia mô hình cà phê bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm - Ảnh 1.

Mô hình Cà phê Sơn Dã vừa được tổ chức tại Trung tâm du lịch thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình)

Trong 5 ngày (từ ngày 7 – 11/8) triển khai mô hình quán Cà phê Sơn Dã tại thị trấn Phong Nha (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đã có hơn 1.000 người dân và du khách tham gia các hoạt động tương tác nhằm tìm hiểu về các loài động vật hoang dã và chia sẻ quan điểm về bảo tồn đa dạng sinh học của Quảng Bình.

Hơn 1.000 người tham gia mô hình cà phê bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm - Ảnh 2.

Du khách quét mã và trả lời các bộ câu hỏi về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Hơn 2.200 lượt quét mã và trả lời các bộ câu hỏi về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm, thường bị buôn bán, tiêu thụ như sơn dương, vọoc Hà Tĩnh, vọoc chà vá chân nâu, chim hồng hoàng, cầy vòi hương, gấu ngựa, rùa hộp ba vạch và các loài mèo hoang dã của Việt Nam.

Hơn 1.000 người tham gia mô hình cà phê bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm - Ảnh 3.

Nhiều thông điệp bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm được chuyển tải tại mô hình Cà Phê Sơn Dã.

Trong đó, có khoảng 120 khách hoàn thành xuất sắc trả lời đúng toàn bộ 8 bộ câu hỏi về 8 loài động vật quý hiếm của Quảng Bình, nhận được món quà đặc biệt của chương trình là bình nước giữ nhiệt với thông điệp giảm nhu cầu tiêu thụ thịt thú rừng.

Hơn 1.000 người tham gia mô hình cà phê bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm - Ảnh 4.

Người dân xem hình và tìm hiểu về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm.

Ngoài ra, hơn 500 móc khóa, hơn 100 mũ với thông điệp sự kiện cũng được gửi tặng những khách tham quan trả lời đúng được ít nhất một bộ câu hỏi về các loài động vật hoang dã.

Hơn 1.000 người tham gia mô hình cà phê bảo vệ động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm - Ảnh 5.

Mô hình Cà Phê Sơn Dã thu hút nhiều bạn trẻ tham gia.

Ông Nguyễn Văn Duẫn - Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm tỉnh, Phó Giám đốc BQL dự án VFBC tỉnh Quảng Bình, chia sẻ: "Chuỗi sự kiện truyền thông lần này là một trong các hoạt động quan trọng của dự án nhằm tuyên truyền các thông điệp bảo tồn động vật hoang dã, huy động sự tham gia của toàn dân trong việc giảm thiểu nhu cầu tiêu thụ động vật hoang dã, góp phần bảo tồn đa dạng sinh học và bảo vệ tài nguyên thiên nhiên của hai khu rừng đặc dụng là Di sản thiên nhiên thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng và Khu dự trữ thiên nhiên Động Châu – Khe nước trong.

Thông điệp chính của sự kiện truyền thông là "Con người có cặp, thú rừng có đôi; Không ăn thịt thú rừng, góp thiện cho đời". Qua đó, nâng cao nhận thức của cộng đồng về bảo vệ động, thực vật hoang dã, chung tay góp phần chấm dứt các vấn nạn liên quan đến săn bắn, bẫy bắt, buôn bán và tiêu thụ sản phẩm từ động vật hoang dã trái pháp luật trên địa bàn tỉnh Quảng Bình".

Mô hình Cà phê Sơn Dã với nhiều hoạt động truyền thông, tương tác với khách du lịch và người dân địa phương như: Chiếu các đoạn phim ngắn của người nổi tiếng kêu gọi không tiêu thụ thịt động vật hoang dã, Triển lãm ảnh về các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm của tỉnh Quảng Bình, các bảng thông tin về đa dạng sinh học của tỉnh Quảng Bình, khuyến khích người dân và du khách tham gia tìm hiểu về các loài động vật hoang dã nguy cấp quý hiếm được ưu tiên bảo vệ thông qua hoạt động quét mã trả lời câu hỏi đố vui và nhận quà từ ban tổ chức. Ngoài ra, trẻ em cũng được mời tham gia gian hàng truyền thông với khu vực tô màu, làm mặt nạ các loài động vật hoang dã.