Khó bố trí 35 học sinh tiểu học trong một lớp
Thứ trưởng Bộ GDĐT Phạm Ngọc Thưởng vừa ký hướng dẫn thực hiện nhiệm vụ năm học 2024-2025 đối với bậc tiểu học. Trong đó có nội dung đáng lưu ý là các cơ sở giáo dục đảm bảo sĩ số học sinh/lớp theo quy định Điều lệ trường tiểu học 35 em/lớp, đồng thời có đủ thiết bị dạy học tối thiểu. Đảm bảo tỷ lệ 1,5 giáo viên/lớp và cơ cấu giáo viên đủ dạy các môn học, hoạt động giáo dục.
Năm học 2024 - 2025, học sinh Hà Nội, TP.HCM tăng mạnh
Theo Sở GDĐT Hà Nội, năm học 2024 - 2025, học sinh đầu cấp của Hà Nội tiếp tục tăng mạnh. Dự kiến số lượng học sinh vào lớp 1 tăng 7.000; học sinh vào lớp 6 tăng 58.000; học sinh vào lớp 10 tăng 5.000 so với năm học trước. Được biết, tại Hà Nội, hiện việc xây mới các trường học đang được triển khai. Thành phố dự kiến xây thêm 30 - 40 trường mới để đáp ứng đủ chỗ học cho học sinh các cấp.
Tại TP.HCM, dự kiến năm học 2024 - 2025 toàn thành phố tăng 24.097 học sinh, gồm 17.288 công lập và 6.809 ngoài công lập. Hiện tại một số quận, huyện có nhiều trường tiểu học có quy mô sĩ số trên 45 học sinh/lớp. Để đáp ứng đủ chỗ học, dự kiến trước thềm năm học 2024 - 2025, thành phố sẽ đưa vào sử dụng 23 trường với 476 phòng học mới.
Năm học trước, toàn quốc có gần 9 triệu học sinh bậc tiểu học, giảm hơn 313.000 em, do đó sĩ số trung bình học sinh/lớp của toàn quốc là 32 em/lớp, ổn định so với những năm học trước. Tuy nhiên, theo Bộ GDĐT, một số địa phương, khu đô thị và các thành phố lớn do áp lực tăng dân số cơ học quá nhanh dẫn đến số học sinh/lớp vượt tỷ lệ quy định của Bộ GDĐT như: Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng, Bình Dương... và một số thành phố, trung tâm của các tỉnh.
Chia sẻ với phóng viên về hướng dẫn mới của Bộ GDĐT, cô Nguyễn Thị Ngân Hà - giáo viên Trường Tiểu học Dương Xá, huyện Gia Lâm, Hà Nội, nêu quan điểm: "Tôi thấy quy định tối đa 35 học sinh/lớp tiểu học là rất hợp lý. Với sĩ số như vậy thì không gian lớp học rất thoáng, các con lớn lớp 4-5 ngồi sẽ thoải mái. Chất lượng học cũng sẽ được nâng cao khi trong một tiết các thầy cô có thể quan tâm tới được tất cả học sinh. Nhiều nơi sĩ số lớp tầm 45-50 học sinh thì thời lượng 40 phút mỗi tiết học, chắc thầy cô chỉ quan tâm được tới các em học chậm mà thôi. Đồng thời với sĩ số lớp 35 em, khi thực hành, luyện tập các em sẽ được hoạt động nhiều hơn, sẽ được thực hành nhiều hơn... Rõ ràng rất nhiều thuận lợi cho cả giáo viên, học sinh và phụ huynh. Tôi rất mong Bộ GDĐT đã có chỉ đạo thì các trường cần thực hiện đúng và có sự kiểm tra".
Tuy nhiên, cô Hà cũng thẳng thắn thừa nhận: "Sẽ có nhiều nơi khó thực hiện được yêu cầu sĩ số như vậy vì nhiều lý do như cơ sở vật chất không đủ lớp học để tách ra đủ số lượng, số học sinh tuyển sinh đúng tuyến lại quá đông và bài toán này cũng là khó đối với nhiều trường ở vùng ven, vùng quê thiếu giáo viên".
Cô Hà năm nay chủ nhiệm lớp 5 với 38 học sinh. Đây là sĩ số mà cô Hà đánh giá là hợp lý ở Hà Nội. Còn cô Nguyễn Thị Thanh Huyền - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Việt Nam -u Ba (quận Ba Đình, Hà Nội) thông tin: "Sĩ số trung bình của toàn trường là 38 học sinh/lớp. Riêng khối 1, sĩ số trung bình là 33 học sinh/lớp. Theo tôi, sĩ số lớp khoảng 35 học sinh theo yêu cầu của Bộ GDĐT có ưu điểm là các em học sinh sẽ có một ngôi trường với không gian vui chơi và học tập thoáng đãng hơn, được tham gia ý kiến vào bài học cũng như chia sẻ nhiều hơn. Thế nhưng điều này cũng gây khó khăn cho phụ huynh học sinh là không được gửi con vào ngôi trường mong muốn, phải đưa con đi xa nếu hết chỗ".
Chất lượng giáo dục bị kéo giảm
"Tôi nghĩ rằng nên áp dụng quy định sĩ số 35 học sinh/lớp vì có như vậy mới đảm bảo chất lượng dạy và học, đặc biệt là đảm bảo theo chương trình giáo dục phổ thông 2018 đang được triển khai.
Tuy nhiên, việc áp dụng sĩ số lớp theo quy định trên thì ở vùng ngoại ô, các tỉnh thành dễ dàng thực hiện được hơn là ở các thành phố lớn. Các trường ở đây có cơ sở vật chất rộng rãi và không lo thiếu giáo viên (chỉ thiếu giáo viên THCS dạy môn tích hợp). Ở các nơi như Hà Nội, TP.HCM… số học sinh đông làm giảm chất lượng dạy học và dễ dẫn đến tình trạng chạy trường.
Chúng ta cần phải mạnh dạn thực hiện sớm vì nếu không chất lượng giáo dục ngày một trôi dần. Cấp tiểu học rất quan trọng, nếu chất lượng giáo dục không đảm bảo thì kéo theo chất lượng những cấp sau sẽ khó hơn".
PGS-TS Nghiêm Đình Vỳ - nguyên Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm Hà Nội
Sân chơi, bãi tập, thư viện… đều co hẹp
"Năm học 2024-2025, dự kiến số học sinh của TP.HCM sẽ tăng 24.097 học sinh. Trong năm học vừa qua, số học sinh không có hộ khẩu thường trú tại thành phố chiếm khoảng hơn 20%. Áp lực này làm gia tăng sĩ số học sinh/lớp vượt cao so với chuẩn. Số lượng học sinh tham gia học 2 buổi/ngày giảm, chưa đáp ứng yêu cầu của Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Điều kiện về sân chơi, bãi tập, thư viện đều co hẹp lại, gây ảnh hưởng đến các lớp đang học.
Việc gia tăng số học sinh nêu trên dẫn đến việc gia tăng số cán bộ, giáo viên, nhân viên và tăng biên chế sẽ làm tăng nguồn chi của ngân sách thành phố. Nhìn chung, trong năm học mới sắp đến, thành phố vẫn tiếp tục đảm bảo 100% con em sinh sống trên địa bàn có đủ chỗ học. TP.HCM đang cố gắng và nỗ lực trong việc thực hiện điều lệ trường tiểu học cũng như thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông 2018 với quy định 35 học sinh/lớp và đảm bảo học 2 buổi/ngày.
Ông Nguyễn Văn Hiếu -
Giám đốc Sở GDĐT TP.HCM
Hà Nội là địa phương có số học sinh đông nhất cả nước ở nhiều cấp học, việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là nhiệm vụ trọng tâm được thành phố đặt ra. Hiện chỉ có quận Hoàn Kiếm đảm bảo quy định 35 học sinh/lớp với 100% trường tiểu học. Quận Hai Bà Trưng cũng tương đối ổn định trong nhiều năm qua với sĩ số trung bình 37 học sinh/lớp.
Những trường học "điểm nóng" ở quận Hoàng Mai, Thanh Xuân, Cầu Giấy, mục tiêu đạt 35 học sinh/lớp còn xa vì thực tế sĩ số chủ yếu trên dưới 50 học sinh/lớp.
Tại TP.HCM, theo thông tin từ ban giám hiệu Trường Tiểu học Hà Huy Giáp (quận 12), năm học 2023 - 2024 trường có 3.360 học sinh, chia thành 68 lớp, trung bình mỗi lớp có gần 50 học sinh. Trong đó, trường chỉ đạt chỉ tiêu 32% học sinh học 2 buổi/ngày theo Chương trình giáo dục phổ thông năm 2018. Đặc biệt, vì cơ sở vật chất của trường không đủ điều kiện, toàn bộ 617 em học sinh lớp 5 tại đây phải học tạm ở Trường THCS Tô Ngọc Vân (phường Thạnh Xuân) cách đó khoảng 3km. Cô Nguyễn Hoàng Yến - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Hà Huy Giáp tâm sự: "Việc cho học sinh học đủ 2 buổi trên ngày theo chương trình giáo dục phổ thông năm 2018 còn khó.
Với điều kiện cơ sở vật chất cũng như nhân lực của nhà trường hiện tại, việc giảm số lượng học sinh xuống còn 35 học sinh trên lớp là điều không thể".
Nỗ lực đưa ra các giải pháp
Mặc dù khó thực hiện nhưng theo ông Ngô Văn Tuyên - Trưởng Phòng GDĐT quận Bình Tân, TP.HCM: "Không phải không thể thực hiện được yêu cầu mà chúng tôi sẽ cố gắng để có thể tiến gần tới yêu cầu của Bộ hơn".
Cụ thể, TP.HCM là một trong những thành phố lớn nhất của đất nước, tỉ lệ dân nhập cư đông. Vậy nên áp lực về số lượng học sinh luôn luôn ở mức cao. Việc đảm bảo cho các em có chỗ học, được học 2 buổi/ngày đã là thách thức rất lớp đối với các trường học trên địa bàn. Việc giảm số lượng học sinh theo yêu cầu của Bộ GDĐT hiện tại chưa thể thực hiện bởi những tình hình đặc thù trên.
Theo ông Tuyên, năm học mới này, quận Bình Tân dự kiến có khoảng 66.000 học sinh tại 28 trường tiểu học. Tỷ lệ học sinh học 2 buổi/ngày đạt 63%. Quận Bình Tân năm nay đã đạt được những thành quả đáng kể khi đưa 7 ngôi trường mới, trong đó có 5 trường tiểu học vào hoạt động. Dự kiến sĩ số trung bình học sinh cấp tiểu học vẫn là 37 em/lớp.
Bà Lê Thị Thanh Tâm - Phó trưởng Phòng GDĐT quận Nam Từ Liêm (Hà Nội) bày tỏ: "Không khả thi, khó đảm bảo sĩ số như quy định của Bộ GDĐT với các trường công lập. Hiện tại 26 trường tiểu học công lập trên địa bàn quận có sĩ số trung bình là 48 học sinh/lớp. Dự kiến năm nay có 37.000-38.000 học sinh tiểu học, trung bình tăng khoảng 5.000 em/năm. Một số trường đông học sinh như Tiểu học Mỹ Đình 2, Tiểu học Mễ Trì…".
Theo bà Tâm, tổng số và sĩ số học sinh/lớp cao ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học cũng như công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia. Tuy nhiên, quận đã có kế hoạch xây dựng 4 trường mới trong năm 2024, bao gồm 2 trường tiểu học, 1 trường mầm non và 1 trường THCS, đồng thời nâng cấp, sửa chữa, mở rộng thêm phòng học cho 11 trường ở các cấp học để đáp ứng nhu cầu học và giảm sĩ số ở mỗi lớp học.