Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Ngày 13/8, Sở GDĐT TP. HCM cho biết, ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) không có tên trong danh sách dự thi và bảng ghi tên, ghi điểm trong kỳ thi tốt nghiệp bổ túc văn hóa cấp 3 năm 1989 của Sở GDĐT TP. HCM. Ông Việt cũng không có tên trong danh sách cấp bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc văn hóa khóa ngày 6/6/1989 của Sở GDĐT TP.HCM.
Tuy nhiên, năm 2001, ông tốt nghiệp đại học ngành Tiếng Anh tại Trường Đại học Ngoại ngữ, nay là Trường Đại học Hà Nội và tốt nghiệp đại học ngành Luật năm 2019 tại Trường Đại học Luật Hà Nội (văn bằng thứ 2 – vừa học vừa làm). Năm 2021, ông bảo vệ thành công luận án Tiến sĩ cấp Trường tại Trường Đại học Luật Hà Nội và năm 2022 được cấp bằng Tiến sĩ Luật ngành Luật Hiến pháp – Hành chính của Trường Đại học Luật Hà Nội.
Hiện tại, Bộ GDĐT cho biết, đang rà soát, kiểm tra, xác minh và phối hợp xác minh làm rõ thông tin.
Trao đổi với PV báo Dân Việt, Luật sư Nguyễn Danh Huế, Chủ tịch HĐTV Công ty Luật Hừng Đông, nhận định, nếu ông Vương Tấn Việt (Thượng tọa Thích Chân Quang) dùng bằng cấp 3 giả, cơ quan chức năng hoàn toàn có thể khởi tố vụ án, khởi tố bị can, truy cứu trách nhiệm hình sự.
Cơ quan chức năng sẽ vào cuộc điều tra để xác minh có thể người này chủ mưu đặt hàng làm bằng giả hoặc có đồng phạm, giúp sức tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức.
"Trường hợp bằng cấp mà ông Vương Tấn Việt sử dụng là bằng giả nhưng phôi thật, chữ ký thật thì trong quá trình điều tra, cơ quan điều tra sẽ trưng cầu giám định. Cơ quan điều tra có thể khởi tố những người có liên quan khác về các tội như lạm quyền, giả mạo trong công tác", Luật sư Huế nói.
Nếu có kết luận làm giả con dấu, Trường Đại học Hà Nội sẽ thu hồi Bằng cử nhân Anh Văn; Trường Đại học Luật Hà Nội sẽ thu hồi Bằng Cử nhân Luật, Bằng Tiến sĩ Luật. Bộ GDĐT nên thanh tra toàn diện quá trình dạy và học tại các cơ sở đào tạo nói trên đối với ông Việt.
Theo TS Đặng Văn Cường, giảng viên khoa Luật, Trường Đại học Thủy lợi: "Trước thông tin từ dư luận xã hội về việc nghi ngờ ông Vương Tuấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) sử dụng bằng tốt nghiệp bổ túc văn hóa không đúng quy định, cơ quan chức năng đã vào cuộc xác minh và đến nay Sở GDĐT TP.HCM đã kết luận như trên.
Với diễn biến sự việc như vậy, dư luận nghi ngờ ông Vương Tuấn Việt (tức Thượng tọa Thích Chân Quang) dùng bằng cấp 3 giả, có dấu hiệu của hành vi làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, sử dụng tài liệu con dấu giả.
Theo quy định của pháp luật, bằng tốt nghiệp THPT là giấy tờ ghi nhận năng lực trình độ của người học khi đã trải qua thời gian học tập, kiểm tra phải làm bài thi đạt kết quả theo quy định của pháp luật. Bằng tốt nghiệp phải do cơ quan tổ chức có thẩm quyền cấp, ký theo quy định của pháp luật về luật giáo dục và đào tạo.
Cơ quan có thẩm quyền cần thu hồi bản chính bằng tốt nghiệp năm 1989 và các bản sao có chứng thực để tiến hành giám định chữ ký con dấu ở trong các tài liệu này. Trường hợp kết luận của phòng Kỹ thuật hình sự hoặc Viện Khoa học hình sự kết luận chữ ký con dấu trong bằng tốt nghiệp là giả thì có thể cơ quan điều tra sẽ khởi tố vụ án hình sự về tội làm giả tài liệu con dấu của cơ quan tổ chức, tội sử dụng tài liệu giả theo quy định tại điều 341 bộ luật hình sự để xử lý với người vi phạm theo quy định của pháp luật".
Cũng theo TS Cường, trong trường hợp cơ quan chức năng kết luận bằng tốt nghiệp cấp 3 bổ túc của ông Vương Tấn Việt là bằng giả, sẽ thông báo cho Trường Đại học Ngoại ngữ và Trường Đại học luật Hà Nội, các cơ sở giáo dục này sẽ căn cứ vào quy định của pháp luật để tiến hành thu hồi hủy bỏ bằng tốt nghiệp đại học và bằng tiến sĩ đã cấp cho ông Vương Tuấn Việt trước đó. Hai cơ sở giáo dục và đào tạo này có thể được xác định là "bị hại", có thể bị ảnh hưởng đến uy tín trong khi họ không thể biết bằng tốt nghiệp mà ông này cung cấp là bằng giả (nếu chỉ nhìn bằng mắt thường).
Tóm lại, cơ quan thanh tra hoặc cơ quan điều tra sẽ tiếp tục làm rõ và kết luận bằng tốt nghiệp bổ túc của ông Vương Tấn Việt có là bằng giả hay không. Nếu là giả thì có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý với những người vi phạm, đồng thời sẽ yêu cầu các cơ sở giáo dục thu hồi hủy họp bỏ các bằng tốt nghiệp đại học và sau đại học theo quy định của pháp luật. Giáo hội Phật giáo Việt Nam cũng sẽ xem xét có hình thức xử lý kỷ luật nghiêm khắc đối với hành vi gian dối giả mạo của tu sĩ, gây ảnh hưởng đến dư luận xã hội, ảnh hưởng đến hoạt động tôn giáo trong thời gian qua.
Theo khoản 3 Điều 20 Quy chế đào tạo trình độ đại học ban hành kèm Thông tư 08/2021/TT-BGDĐT ngày 18/3/2021: "Người học sử dụng hồ sơ, văn bằng, chứng chỉ giả làm điều kiện trúng tuyển hoặc điều kiện tốt nghiệp sẽ bị buộc thôi học; văn bằng tốt nghiệp nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ".
Điểm a khoản 3 Điều 16 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ thạc sĩ, ban hành kèm theo Thông tư 23/2021/TT-BGDĐT ngày 30/8/2021 quy định: "Học viên vi phạm một trong các quy định sau đây sẽ bị buộc thôi học; bằng thạc sĩ nếu đã được cấp sẽ bị thu hồi, hủy bỏ theo quy định của Bộ GDĐT: a) Có hành vi gian lận trong tuyển sinh, học tập, bảo vệ luận văn, đề án hoặc gian lận trong việc làm hồ sơ để được cấp văn bằng, chứng chỉ".
Điểm b khoản 5 Điều 21 Quy chế tuyển sinh và đào tạo trình độ tiến sĩ, ban hành kèm theo Thông tư 18/2021/TT-BGDĐT ngày 28/6/2021 quy định: "Nếu nghiên cứu sinh đã được cấp bằng tiến sĩ, việc thu hồi bằng được thực hiện theo quy định hiện hành và trong những trường hợp hồ sơ quá trình đào tạo được xác nhận có vi phạm, sai sót nghiêm trọng dẫn đến người được cấp bằng không còn bảo đảm đáp ứng đủ điều kiện dự tuyển, công nhận nghiên cứu sinh và duy trì các điều kiện bảo đảm chất lượng trong quá trình học tập và nghiên cứu tại cơ sở đào tạo".
Như vậy, nếu sử dụng bằng tốt nghiệp cấp 3 giả để học các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ (dù ở các bậc đại học, thạc sĩ, tiến sĩ toàn bộ quá trình là học thật, thi thật, bằng thật) thì các bằng cấp này vẫn sẽ bị thu hồi.
Đối với các đơn vị đào tạo, ở bậc tiến sĩ dùng bằng thạc sĩ để tuyển sinh, bậc thạc sĩ dùng bằng đại học để tuyển sinh nên các cơ sở đào tạo không cùng đào tạo hệ đại học sẽ không có lỗi. Nơi tuyển sinh và cấp bằng đại học dùng bằng tốt nghiệp THPT để tuyển sinh đầu vào phải có trách nhiệm kiểm tra kỹ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.