Trong một diễn biến mới nhất liên quan đến ngôi sao nhạc pop Adele, cô đã gặp phải làn sóng phản đối từ phía người hâm mộ Hàn Quốc sau khi sử dụng hình ảnh lá cờ Mặt trời mọc của Nhật Bản trong buổi hòa nhạc tại Đức.
Cụ thể, vào ngày 2/8 vừa qua, trong một đêm nhạc đơn ca được tổ chức tại một sân vận động đặc biệt ở Munich, Đức, Adele đã trình chiếu một loạt hình ảnh trên màn hình lớn ngoài trời, trong đó có hình ảnh lá cờ Mặt trời mọc. Đây là biểu tượng gắn liền với hành động quân sự xâm lược của Nhật Bản trong Chiến tranh Thế giới thứ hai, và vì thế, nó đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ người Hàn Quốc.
Giáo sư Seo Kyoung-duk thuộc Đại học Phụ nữ Sungshin, người đã dẫn đầu một chiến dịch lớn, có quy mô trên toàn thế giới chống lại việc sử dụng lá cờ Mặt trời mọc, ngay lập tức đã gửi một email phản đối đến ê-kíp của Adele. Ông cho biết, rất nhiều người khác cũng đã tràn vào các trang mạng xã hội của Adele để bày tỏ sự chỉ trích. Theo thông tin từ một số người tham dự buổi hòa nhạc, đoạn video được chiếu trong các buổi biểu diễn sau đó đã được chỉnh sửa để loại bỏ hình ảnh lá cờ.
Mặc dù Adele đã nhanh chóng loại bỏ hình ảnh gây tranh cãi khỏi đoạn phim được chiếu trong buổi hòa nhạc nhưng Giáo sư Seo vẫn bày tỏ sự bức xúc vì không có lời xin lỗi công khai nào được đưa ra. "Dù đã có những hành động tích cực trong việc nhanh chóng gỡ bỏ lá cờ Mặt trời mọc khỏi video nhưng thật đáng tiếc khi không có lời xin lỗi công khai nào được phát ngôn. Hai năm trước, nhóm Maroon 5 cũng đã vướng phải một tranh cãi tương tự khi sử dụng họa tiết cờ làm nền cho trang web của mình, nhưng họ đã nhanh chóng gỡ bỏ nó sau sự phản đối của công chúng", ông nói.
Ông Seo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nâng cao nhận thức về bối cảnh lịch sử của lá cờ Mặt trời mọc để ngăn chặn việc sử dụng nó trong tương lai. "Thay vì chỉ bày tỏ sự chỉ trích và giận dữ, điều cần thiết là phải đảm bảo rằng, bối cảnh lịch sử của lá cờ Mặt trời mọc được hiểu rộng rãi, sao cho nó không được sử dụng lại", ông nói thêm.
Ông Seo còn cho biết, trong tương lai, nếu một ngôi sao pop khác sử dụng lá cờ thì các hành động mà hai tượng đài âm nhạc Adele và Maroon 5 đã thực hiện có thể được xem là những tiền lệ quan trọng. Các ngôi sao và các đơn vị tổ chức sự kiện nên cẩn thận trong việc lựa chọn các biểu tượng văn hóa và lịch sử để trình bày trong các buổi biểu diễn của mình, tránh gây phẫn nộ hay hiểu lầm về mặt lịch sử hoặc văn hóa.