Nhằm phục vụ điều tra vụ án "Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ" xảy ra tại Bộ Công thương và các tỉnh, thành phố, Cơ quan An ninh Điều tra Bộ Công an đã yêu cầu Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cung cấp thông tin, tài liệu về 32 dự án nhà máy điện gió, điện mặt trời tại nhiều địa phương...
Đáng lưu ý, trong danh sách này có một số nhà máy, dự án điện mặt trời lớn của Tập đoàn Trung Nam, Công ty Cổ phần Tasco, Tập đoàn Xuân Thiện, công ty con của Tập đoàn Sunseap - Singapore...
Theo nguồn tin của Dân Việt, Công ty Mua bán điện (EPTC) và Ban Thị trường điện thuộc Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) được EVN yêu cầu cung cấp thông tin cho Cơ quan An ninh điều tra, Bộ Công an.
Theo đó, Công ty Mua bán điện được yêu cầu rà soát, tổng hợp hồ sơ, tài liệu theo phạm vi quản lý, chức năng nhiệm vụ được giao; có văn bản báo cáo cùng các hồ sơ, tài liệu kèm theo.
Ban Thị trường điện được yêu cầu rà soát, cung cấp các nội dung thuộc trách nhiệm của EVN có liên quan đến việc đàm phán hợp đồng mua bán điện của các nhà máy điện gió, điện mặt trời theo danh sách chi tiết.
Trong danh sách 10 doanh nghiệp điện mặt trời lớn bị gửi lên Bộ Công an, có nhiều nhà máy thuộc sở hữu hoặc được triển khai xây dựng bởi Tập đoàn Trung Nam (Trung Nam Group).
Cụ thể, Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Nam là dự án lớn của Trung Nam group, có công suất 450 MW được khánh thành cuối năm 2020; Nhà máy điện mặt trời Trung Nam - Thuận Bắc (tại Ninh Thuận), với công suất hơn 204 MW được Trung Nam Group xây dựng, sau đó bán lại 49% cổ phần cho Công ty CP Kỹ thuật công nghiệp Á Châu (ACIT).
Nhà máy điện mặt trời Thuận Nam 19 do Công ty Cổ phần Tasco Năng lượng làm chủ đầu tư, thi công, khánh thành vào tháng 6/2019.
Nhà máy điện mặt trời Dầu Tiếng gồm 3 nhà máy với tổng công suất lắp máy 500 MW, khởi công tháng 6/2018. Tháng 9 năm 2019, Điện Mặt Trời Dầu Tiếng 1 và 2 đã chính thức vận hành thương mại với công suất lắp đặt 420 MW.
Nhà máy được vận hành bởi Công ty CP Năng lượng Dầu Tiếng Tây Ninh, doanh nghiệp do Công ty TNHH Xuân Cầu (Việt Nam) và Công ty TNHH B. Grimm Power Public (Thái Lan) hợp tác đầu tư với số vốn hơn 9.100 tỷ đồng.
Nhà máy điện mặt trời Xuân Thiện - Thuận Bắc (Ninh Thuận) cũng là doanh nghiệp nằm trong danh sách được gửi lên Bộ Công an, đây là doanh nghiệp do Tập đoàn Xuân Thiện làm chủ đầu tư, thiết kế, thi công, được xây dựng trên diện tích hơn 259ha, tổng mức đầu tư khoảng 7.000 tỷ đồng, công suất lắp đặt 256MWp, sản lượng phát điện dự kiến mỗi năm khoảng 500 triệu kWh.
Trong danh sách doanh nghiệp điện mặt trời được EVN gửi lên Bộ Công an còn có Nhà máy điện mặt trời Long Thành 1, dự án được xây dựng tại vị trí không đúng quy hoạch thuỷ lợi. Trước đó, Thanh tra Chính phủ cũng chuyển hồ sơ vụ việc của doanh nghiệp này sang Bộ Công an để điều tra.
Cùng đó là Nhà máy điện mặt trời CMX Renewable Enery Việt Nam tại Ninh Thuận, được khởi công năm 2018, công suất 168 MW xây dựng trên diện tích 186 ha, tổng mức đầu tư nhà máy xấp xỉ 4.400 tỷ đồng. Dự án này được điều hành bởi Tập đoàn Sunseap - Singapore).
Ngoài ra, trong danh sách 10 doanh nghiệp điện mặt trời được EVN gửi lên Bộ Công an, còn có các dự án điện mặt trời khác như Nhà máy điện mặt trời BMT; Nhà máy điện mặt trời Sông Giang, Nhà máy điện mặt trời Thiên Tân Solar.