Gia đình ông Nguyễn Quốc Huy ngụ hẻm 490 Lê Văn Sỹ, phường 14 (quận 3, TPHCM), trước đó bất ngờ nhận hóa đơn tiền nước hơn 57 triệu đồng, vụ việc kéo dài từ hồi tháng 2 đến nay vẫn chưa được giải quyết.
Trong khi đó, ngày 6/8, Công ty CP Cấp nước Gia Định đã có văn bản, yêu cầu khách hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán tiền nước hơn 57 triệu đồng. Hạn chót việc thanh toán đến ngày 10/8.
Nếu quá thời hạn nêu trên, chủ hộ chưa liên hệ giải quyết, đơn vị cấp nước sẽ ngừng dịch vụ cấp nước tại địa chỉ trên. Trước vấn đề trên, ông Nguyễn Quốc Huy cho biết, gia đình ông đã quyết định nộp đơn khởi kiện Công ty CP Cấp nước Gia Định ra TAND quận 3.
Trao đổi với PV Dân Việt, đại diện Công ty CP Cấp nước Gia Định cho biết, việc công ty ra văn bản như vậy chỉ mới là nằm ở phần giấy tờ, còn thực tế công ty vẫn chưa cắt nước của hộ gia đình này.
Đại diện Công ty CP cấp nước Gia Định cũng khẳng định đã làm đúng mọi quy trình, thủ tục và đã thông tin tại cuộc họp báo.
"Chúng tôi cũng nắm được thông tin phía anh Huy khởi kiện ra tòa, giờ cũng đang chờ thông tin phía bên tòa xem như nào", đại diện Công ty CP cấp nước Gia Định nói.
Trước vấn đề trên, luật sư Nguyễn Văn Đồng, Văn phòng Luật sư Nhân Chính (Đoàn Luật sư TP.Hà Nội) nêu quan điểm, hiện nay giữa hộ gia đình ông Huy và công ty cung cấp nước đang tồn tại hợp đồng mua bán nước sinh hoạt.
Các thông tin hợp đồng như: Mục đích sử dụng nước, giá nước, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên, các trường hợp loại trừ trách nhiệm (nếu có) sẽ được nêu trong hợp đồng, việc giải quyết tranh chấp này sẽ theo hợp đồng này để xác định lượng nước tiêu thụ tăng bất thường ở gia đình ông Huy là do nguyên nhân tiêu thụ quá mức, hay do sự cố hỏng hóc đường ống dẫn nước, dẫn tới thất thoát nước, hoặc có thể do đồng hồ đo nước trục trặc báo sai chỉ số.
Luật sư Đồng cho biết có không ít trường hợp đường ống dẫn nước, bể chứa của người dân sau thời gian dài sử dụng đã gặp sự cố hỏng hóc, gây nên tình trạng thất thoát nước mà không phải do tiêu thụ, cũng có nhiều trường hợp bị hộ bên cạnh đấu nối ăn cắp nước.
Theo luật sư, nếu cắt nước mà chưa tìm ra nguyên nhân của việc tăng lượng nước tiêu thụ một cách đột biến là cứng nhắc. Do vậy, phía công ty cấp nước và người dân cần có các buổi làm việc, có lập biên bản lắng nghe ý kiến của nhau và tìm nguyên nhân.
Trong vụ việc này, gia đình ông Huy có thể gửi đơn đề nghị tới UBND quận, công ty nước sạch, đề nghị xuống hiện trường xem xét hiện trạng, xác định nguyên nhân có hay không sự cố hỏng hóc gây thất thoát nước.
Ngoài ra, phía công ty nước sạch cần phải thành lập tổ chuyên môn xuống hiện trường xác định nguyên nhân sự việc. Trường hợp nếu đã có đơn gửi UBND quận, công ty nước sạch nhưng không được giải quyết thỏa đáng, thì gia đình ông Huy hoàn toàn có quyền khởi kiện tranh chấp hợp đồng mua bán nước sạch ra tòa án để giải quyết.
Việc khởi kiện sẽ phải xác định yêu cầu khởi kiện, thu thập các tài liệu chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu khởi kiện là có căn cứ; trong vụ việc này là chứng minh nguyên nhân dẫn tới việc lượng nước tiêu thụ trong tháng tăng đột biến như vậy làm căn cứ giải quyết tranh chấp.