Dân Việt

Chưa có sản phẩm OCOP ở làng nghề của TP.HCM

Trần Tinh Anh 16/08/2024 09:20 GMT+7
Dù đã có nhiều sản phẩm OCOP 3 - 5 sao, nhưng ở các làng nghề tại TP.HCM chưa có sản phẩm nào được công nhận OCOP (Chương trình mỗi xã một sản phẩm).
Chưa có sản phẩm OCOP ở làng nghề của TP.HCM - Ảnh 1.

Cho đến giờ, sản phẩm mai vàng của Làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi (TP.HCM) chưa được công nhận là sản phẩm OCOP. Ảnh: T.Đ

UBND TP.HCM vừa tổ chức đánh giá, phân hạng và công nhận thêm 43 sản phẩm OCOP (năm 2023) của 6 chủ thể đạt 4 sao, nâng tổng số sản phẩm trên địa bàn TP là 191 sản phẩm OCOP của 67 chủ thể. Trong đó, 79 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao và 112 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao.

Tuy nhiên, theo Hội Nông dân TP, cho đến cuối năm 2023, chưa có sản phẩm nào của làng nghề trên địa bàn được công nhận là sản phẩm OCOP.

Cũng theo Hội Nông dân TP.HCM, hiện tại TP có 7 làng nghề, làng nghề truyền thống, gồm: Làng nghề se nhang, trồng mai, nuôi cá kiếng, trồng rau (huyện Bình Chánh), làng nghề đan lát, sản xuất bánh tráng (huyện Củ Chi) và làng nghề sản xuất muối (huyện Cần Giờ).

Trong đó, có 4 làng nghề được UBND TP công nhận là làng nghề se nhang, đạn lát, sản xuất bánh tráng, sản xuất muối.

Về tình hình sản xuất, kinh doanh, trong năm 2023, tổng doanh thu 4 làng nghề, làng nghề truyền thống ước đạt 95,77 tý đồng; thu nhập bình quân đầu người từ 1 đến 7,5 triệu đồng/lao động/tháng.

Để xây dựng sản phẩm OCOP ở làng nghề, Hội Nông dân TP cho biết, trong năm 2024, các cấp Hội Nông dân sẽ tăng cường giới thiệu các sản phẩm ngành nghề nông thôn tham gia đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; đăng ký tham gia bình chọn sản phẩm OCOP.

Chưa có sản phẩm OCOP ở làng nghề của TP.HCM - Ảnh 2.

Huyện Cần giờ đang xây dựng sản phẩm xoài cát thành sản phẩm OCOP. Ảnh: T.Đ

Sở NNPTNT TP.HCM cho biết, Chương trình OCOP được triển khai trên địa bàn TP.HCM từ năm 2019. Đây là một trong 6 chương trình chuyên đề trọng tâm phục vụ Chương trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn TP.

Với mục tiêu phát triển sản phẩm OCOP trên địa bàn TP theo hướng đặc sản vùng miền, sản phẩm mang tính sáng tạo của địa phương. Ngay từ ban đầu, TP đã có những chủ trương, hướng dẫn để các chủ thể OCOP có thể tận dụng được những lợi thế của địa phương, nâng cao các đặc trưng và giá trị của sản phẩm, tạo ra những sản phẩm mang tính độc đáo, riêng biệt.