Có thêm 5 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, là những sản phẩm dược liệu rất tốt cho sức khỏe
Có thêm 5 sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia, là những sản phẩm dược liệu rất tốt cho sức khỏe
Nghĩa Lê – Vũ Ly
Thứ tư, ngày 06/11/2024 16:35 PM (GMT+7)
Ngày 5/11, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam chủ trì phiên họp Hội đồng đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP Trung ương năm 2024. Đây là phiên họp tiến hành đánh giá và phân hạng sản phẩm OCOP cấp quốc gia đối cho nhóm dược liệu, nhóm đồ uống và xem xét công nhận lại sản phẩm OCOP cấp Quốc gia năm 2020.
Theo báo cáo của Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương, tính đến 31/12/2022, Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương tiếp nhận 120 hồ sơ đăng ký đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP của các tỉnh, thành phố, trong đó: 85 hồ sơ thuộc nhóm thực phẩm; 17 hồ sơ thuộc nhóm sản phẩm thủ công mỹ nghệ; 16 sản phẩm thuộc nhóm dược liệu và sản phẩm từ dược liệu; 2 sản phẩm thuộc nhóm đồ uống.
Kết quả năm 2023, đã hoàn thành công tác tổ chức đánh giá cho 47 sản phẩm, đã công nhận 22 sản phẩm OCOP cấp quốc gia. Năm 2024, đã hoàn thành công tác tổ chức đánh giá cho 55 sản phẩm thực phẩm đã công nhận được 4 sản phẩm OCOP cấp quốc gia.
Ngày 5/11, Hội đồng OCOP cấp quốc gia đã xem xét, đánh giá đối với 18 sản phẩm còn lại, gồm: 2 sản phẩm đồ uống (do Tổ tư vấn số 02 thẩm định và đánh giá) và 16 sản phẩm nhóm dược liệu và các sản phẩm từ dược liệu (do Tổ tư vấn số 3 thẩm định và đánh giá).
Đã có 5 sản phẩm đạt 5 sao
Báo cáo tại cuộc họp, ông Ngô Trường Sơn, Chánh Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: "Cuộc họp Hội đồng OCOP cấp Trung ương lần này nhằm đánh giá và phân hạng các sản phẩm OCOP, dựa trên quy chế hoạt động được ban hành theo Quyết định số 757 của Bộ trưởng Bộ NNPTNT. Với 2 nhóm sản phẩm chính là đồ uống và dược liệu, Hội đồng đánh giá đã tiến hành thẩm định các sản phẩm đề nghị lên hạng và xác định những sản phẩm tiêu biểu đạt chuẩn cấp quốc gia, góp phần nâng cao giá trị kinh tế và chất lượng của các sản phẩm OCOP địa phương".
Các sản phẩm OCOP được đánh giá dựa trên bộ tiêu chí OCOP, bao gồm các yếu tố về chất lượng sản phẩm, đóng góp kinh tế và tính đại diện văn hóa địa phương. Tổ tư vấn số 2 và số 3 đã tiến hành thẩm định và chấm điểm, đòi hỏi mỗi sản phẩm phải đáp ứng yêu cầu khắt khe về minh chứng, nguồn gốc nguyên liệu, quy trình sản xuất, và lợi ích cộng đồng.
Trong đó, nhóm đồ uống, 2 sản phẩm đã được thẩm định và chấm điểm. Tuy nhiên, cả hai đều không đạt mức điểm tối thiểu (90 điểm) theo kết quả của Tổ tư vấn 02 để được công nhận OCOP cấp quốc gia: 2 sản phẩm Rượu mơ Yên Tử của Công ty TNHH MTV Sản xuất dịch vụ và Thương mại Thăng Long, tỉnh Quảng Ninh và sản phẩm nước khoáng thiên nhiên Quang Hanh bổ sung ga của Công ty TNHH MTV Nước khoáng Công đoàn Quang Hanh, tỉnh Quảng Ninh không đạt tiêu chí công nhận sản phẩm OCOP 5 sao cấp quốc gia.
Sau khi thảo luận, trao đổi và bỏ phiếu, Hội đồng đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP cấp Trung ương năm 2024 đã ra quyết định công nhận 5 sản phẩm đạt chứng nhận OCOP cấp quốc gia trong 16 sản phẩm nhóm dược liệu do Tổ tư vấn số 03 thẩm định, đánh giá.
Các sản phẩm này được sản xuất tại các nhà máy đạt chuẩn GMP và gắn liền với vùng nguyên liệu dược liệu đặc trưng, mang đậm giá trị văn hóa địa phương và góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số.
Ngoài 5 sản phẩm được đề xuất, 11 sản phẩm còn lại trong nhóm dược liệu chưa đạt yêu cầu, do thiếu các chứng nhận về chuỗi giá trị và các minh chứng về bảo vệ môi trường, đặc biệt là nhóm sản phẩm của Công ty CP Vingin (Kon Tum). Tổ tư vấn số 3 đánh giá các sản phẩm này chưa đảm bảo tiêu chuẩn GMP và câu chuyện sản phẩm chưa thể hiện rõ nét văn hóa và đặc trưng vùng miền.
Trong phiên họp, Hội đồng xem xét, công nhận lại cho các sản phẩm OCOP cấp quốc gia được công nhận năm 2020 gồm 03 sản phẩm công nhận lại: Cà phê bột nguyên chất Bích Thao của Hợp tác xã cà phê Bích Thao, thành phố Sơn La, tỉnh Sơn La.
Hai sản phẩm trà gồm: Trà xanh 100g và Hồng trà 100g của Hợp tác xã chế biến chè Phìn Hồ, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang. Kết thúc phần trao đổi với các chủ thể, Hội đồng thảo luận và thống nhất bỏ phiếu công nhận lại đối với 3 sản phẩm OCOP cấp quốc gia đủ điều kiện công nhận sản phẩm OCOP quốc gia năm 2024.
Chị Nguyễn Thị Lê, Phó Giám đốc Công ty Cổ phần Công nghệ Dược liệu Bắc Hà (Bắc Kạn), chia sẻ cả ba sản phẩm dược liệu của công ty đều được Hội đồng OCOP đánh giá trên 90 điểm và công nhận đạt chuẩn 5 sao cấp quốc gia. Đây là thành quả của định hướng phát triển rõ ràng, kết hợp cải tiến khoa học công nghệ và quản lý chất lượng. Dù đối mặt với nhiều khó khăn trong việc hoàn thiện tiêu chí và liên kết chuỗi giá trị với nông dân, công ty vẫn quyết tâm đưa sản phẩm OCOP vươn xa, xuất khẩu ra quốc tế, đồng thời mong chính quyền hỗ trợ xúc tiến thương mại và tiêu thụ nông sản địa phương".
Theo Thứ trưởng Bộ NNPTNT Trần Thanh Nam, Chủ tịch Hội đồng cho biết: "Sản phẩm OCOP không như các sản phẩm thông thường được sản xuất hàng loạt trong các nhà máy lớn với công nghệ hiện đại. Sản phẩm OCOP là sản phẩm mang tính đặc thù, lợi thế của từng địa phương để phục vụ khách du lịch. Chính vì vậy, sản phẩm OCOP phải có tính cộng đồng, đặc trưng địa phương".
"Các sản phẩm OCOP luôn được lãnh đạo Đảng và Nhà nước đặc biệt quan tâm, thường xuyên quảng bá với bạn bè quốc tế, chính vì vậy sản phẩm OCOP không chỉ đảm bảo các tiêu chí trong nước mà còn phải đảm bảo được cả tiêu chuẩn quốc tế", Thứ trưởng Trần Thanh Nam nhấn mạnh thêm.
Kết quả thẩm định, đánh giá hồ sơ của Tổ tư vấn số 03, 5 sản phẩm được công nhận hạng OCOP 5 sao trung ương năm 2024 bao gồm:
Vicumax Limited Nano Curcumin của Công ty CP Curumin Bắc Hà (Bắc Kạn) – 92,2 điểm.Vicumax Nano Curcumin của Công ty CP Curumin Bắc Hà (Bắc Kạn) – 91,6 điểm. Mật ong Vicumax Nano Curcumin của Công ty CP Curumin Bắc Hà (Bắc Kạn) – 91,3 điểm. Trà Phun Sương Atiso Sapa của Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa (Lào Cai) – 90,3 điểm. Cao mềm AtisoSapa của Công ty TNHH MTV Traphaco Sapa (Lào Cai) – 90,1 điểm.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.