Khai mạc hội thảo, TS. Lê Trường Sơn, Hiệu trưởng Trường Đại học Luật TP.HCM cho biết, trước những thách thức và cơ hội cho sự phát triển của nghề luật sư trong thời gian tới, từ nhu cầu phát sinh từ thực tiễn, Bộ Tư pháp đã xây dựng Đề cương định hướng xây dựng Luật Luật sư (sửa đổi) để lấy ý kiến các cơ quan, tổ chức và các đoàn luật sư.
Về cơ bản, đề cương đã đưa ra được khung khổ pháp lý ở nhiều nội dung có ý nghĩa quan trọng nhằm làm rõ các khái niệm và tiêu chuẩn về luật sư; song vẫn còn nhiều ý kiến khác nhau về đề cương và còn nhiều vấn đề bất cập, vướng mắc phát sinh trong thực tiễn hoạt động hành nghề luật sư. Vì vậy, việc phối hợp tổ chức hội thảo để đóng góp ý kiến vừa kịp thời, vừa đáp ứng sự quan tâm của cộng đồng luật sư và các giảng viên. Lãnh đạo Nhà trường nhấn mạnh tầm quan trọng của việc sửa đổi Luật Luật sư đối với sự phát triển của đội ngũ luật sư, TS. Sơn nói thêm.
Hội thảo được chia thành 2 phiên làm việc diễn ra trong sáng cùng ngày. Theo Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài - Phó Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam, nghề luật sư trước hết là một nghề nhằm để phân biệt với các nghề khác trong xã hội hoạt động liên quan đến pháp luật. Tuy nhiên, nghề luật sư có những khác biệt với những nghề liên quan đến pháp luật, không chỉ ở chức năng theo sự phân công của xã hội, mà còn ở chỗ thể hiện qua các phương thức hành nghề một cách độc lập. Nghề luật sư còn mang tính chất dịch vụ, là một loại dịch vụ đặc biệt, khác với quan niệm về dịch vụ thông thường như dịch vụ thương mại, thông qua hình thức pháp lý là hợp đồng dịch vụ.
Bàn về địa vị pháp lý của luật sư, Tiến sĩ, luật sư Phan Trung Hoài nhấn mạnh việc cần xác định vị trí, vai trò, địa vị pháp lý của luật sư nhằm thực hiện chức năng xã hội và chức năng tố tụng tư pháp cần được đánh giá và xem xét lại một cách căn bản cả về mặt lý luận và thực tiễn, trên cơ sở đó đề xuất tháo gỡ các thủ tục hành chính đang gây khó khăn cho luật sư khi tham gia tố tụng hình sự.
Tiến sĩ, luật sư Hoài đưa ra những vấn đề chưa được làm sáng tỏ về mặt lý luận và thực tiễn để từ đó cho thấy sự hạn chế trong việc xác định địa vị pháp lý của luật sư hiện nay. Về mặt lý luận, cần xem xét địa vị pháp lý của luật sư một cách toàn diện và rộng hơn so với quan niệm xem xét vai trò theo chức năng và phạm vi hành nghề của luật sư.
Tiếp nối tại phiên thảo luận thứ hai, bàn về một số vấn đề về dịch vụ pháp lý của luật sư ở Việt Nam của nhóm tác giả ThS.NCS Nguyễn Văn Trí và ThS. Huỳnh Thị Hồng Nhiên – Trường Đại học Luật TP.HCM, cho rằng nhu cầu sử dụng các dịch vụ pháp lý của luật sư từ khách hàng đang không ngừng tăng lên và trở thành nhu cầu khách quan, tất yếu trong đời sống xã hội. Thể hiện vai trò quan trọng của luật sư trong đời sống xã hội, đặc biệt là trong quá trình hội nhập quốc tế hiện nay.
Ở Việt Nam, dịch vụ pháp lý có thuộc độc quyền của luật sư hay không? Vấn đề này chưa được quy định rõ trong Luật Luật sư hiện hành và được điều chỉnh bởi nhiều văn bản pháp luật khác nhau, thực hiện bởi nhiều chủ thể khác nhau, trong đó, luật sư là chủ thể hành nghề luật chuyên nghiệp cung cấp dịch vụ pháp lý cho khách hàng.
Vì thế, cần thiết phải tiêu chuẩn hóa và không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ của đội ngũ luật sư – người cung cấp dịch vụ pháp lý chuyên nghiệp, đảm bảo phúc đáp yêu cầu của đời sống xã hội.
Tại hội thảo, các chuyên gia, luật sư đã dành nhiều thời gian đóng góp các ý kiến, nêu cao trách nhiệm trong việc sửa đổi, bổ sung Luật Luật sư; nhiều ý kiến đã nêu cụ thể, chi tiết nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của nghề luật sư. Các nội dung góp ý sẽ được Trường Đại học Luật TP.HCM và Đoàn Luật sư TP.HCM đúc kết để gửi góp ý đến các cơ quan chức năng.