Tự sự của Trần Tố Nga - Kỳ 2: Phiên tòa lịch sử và nỗi sợ hãi của vị luật sư bên bị
Tự sự của Trần Tố Nga - Kỳ 2: Phiên tòa lịch sử và nỗi sợ hãi của luật sư bên bị
Trần Tố Nga (từ Paris)
Thứ năm, ngày 08/08/2024 07:01 AM (GMT+7)
Nhiều lần bị dời vì nhiều lý do như dịch Covid 19, không có phòng xử... cuối cùng phiên tòa tranh tụng cũng được mở vào ngày 21/1/2021. Chỉ còn 14 công ty hóa chất hầu tòa vì 5 công ty đã xin được loại ra khỏi danh sách do họ chỉ mới mua lại công ty sau chiến tranh Việt nam.
Còn đúng nửa tháng nữa (22/8) là đến ngày tòa án Paris của Pháp sẽ ra phán quyết về vụ kiện của bà Trần Tố Nga - một trong những nạn nhân của chất độc da cam dioxin - đối với các Công ty hóa chất Mỹ. Chưa biết kết quả sẽ nghiêng về phía nào, nhưng chúng ta cùng hy vọng tiếng nói của chính nghĩa sẽ được dư luận chú ý.
Trước thời điểm quan trọng này, Dân Việt đăng tải loạt bài viết của bà Trần Tố Nga kể về cuộc đời hoạt động cách mạng của mình cũng như hành trình tìm kiếm công lý cho các nạn nhân chất độc da cam, một hành trình mà bà tự đánh giá là "lâu dài, đầy khó khăn, thậm chí là khốc liệt"...
Ngày 21/1/2021 - Phiên tranh tụng sơ thẩm
Lần đầu tiên tôi ra tòa, không với tư cách bị can, không với tư cách nhân chứng mà với tư cách nguyên đơn, người đứng kiện, một mình đứng kiện 19 tập đoàn hóa dầu Mỹ đã cung cấp chất khai quang cho chiến tranh Việt Nam.
Chưa bao giờ tôi nghĩ rằng một con người rất đỗi bình thường, luôn tự cho mình như một hạt bụi của cuộc đời lại có lúc được số phận dẫn đến một vụ kiện. May mà là một vụ kiện ngoài đất nước của mình.
Đêm đó, tôi ngủ yên, không mộng mị. Sáng sớm, tôi mặc áo quần như bình thường, một áo len xám bên ngoài, một bandeau xám tiệp vơi màu tóc của mình, và tâm trạng cũng bình thường, một chút tò mò và sẵn sàng ứng phó với các tình huống chưa bao giờ trải qua.
Tôi tự lái xe đi cùng với Thủy Tiên, cô em 300% Việt dù không nói tiếng Việt. Cô đã đi hơn 300 km để có mặt với tôi như cô đã từng có mặt ngay từ buổi đầu của vụ kiện.
Tôi tìm chỗ đậu xe, điều không dễ trong một ngày như hôm nay, lững thững đi đến trước Tòa đại hình Evry. Đã có đông người cùng các nhà báo đứng chờ. Covid thì mặc Covid, người quen và cả người không quen đã đến rất đông. Thấy tôi, các bạn vây quanh, động viên và đều nói chung một câu: Nous sommes avec toi - chúng tôi đi cùng với bạn. Tôi chỉ đáp lại bằng nụ cười.
Biết nói gì hơn trong niềm xúc động dâng trào, trước tình cảm vị tha, bao la vì nạn nhân, vì công lý này. Và tôi sẽ còn sống nhiều, rất nhiều lần mối xúc cảm này, ngày càng nhiều, ngày càng cao, theo thời gian, theo chiều dài của cuộc đấu tranh.
Nhiều nhà báo Mỹ muốn phỏng vấn. Hơi cảnh giác, tôi cười hỏi lại: Có đảm bảo khách quan và nói đúng những điều tôi nói không? Tất cả cười xòa và bài phát biểu sau đó được đăng trung thực.
Nhiều thị trưởng của các thành phố đến với băng ba màu của Pháp quanh ngực, khiêm tốn đứng kế bên, chờ vào phòng xử. Ba luật sư của tôi vừa đến đã bị bao vây bởi mọi người, bị hỏi tới tấp và nhận không ít lời cảm ơn. Một đoàn luật sư bên bị cùng lúc cũng đến, lặng lẽ đi qua, không có được một lời chào hỏi.
Sau khi kiểm tra an ninh, chúng tôi vào phòng xử số 3, một phòng không đủ lớn để chứa cả trăm người đang chờ. Bên trái là 15 luật sư đại diện cho 14 công ty hóa dầu Mỹ, đối diện là ba luật sư của chúng ta, William Bourdon vừa bị mổ phải chống gậy mà đi và hai luật sư Amelie Lefebvre và Bertrand Repolt đã cống hiến 7 năm tuổi trẻ của mình cho một sự nghiệp nhân ái và cao quý.
Bên cạnh và phía sau tôi là tất cả những ai có thể len vào phòng, không có chỗ ngồi, phải đứng, bất kể là Đại sứ Việt Nam tại Pháp hay các thị trưởng quấn băng quốc kỳ.
Hội thẩm đoàn bước vào và ngay tức khắc, bà Chánh án làm cho không khí trở nên căng thẳng, bắt đầu bằng việc đuổi mọi người ra ngoài phòng xử ví lý do Covid, an ninh. Một thái độ báo trước mà ai cũng hiểu.
Phiên xử bắt đầu bằng những bắt bẻ vô lý của bà Chánh án, vô lý đến mức phía đối lập phải lên tiếng "để giữ tính trung thực", thanh minh cho luật sư của ta. Những tưởng phiên tòa sẽ bị hủy với cách hành xử của Chánh án, nhưng sau mấy phút ngưng để bàn thảo, phiên xử tiếp tục với 90 phút tranh luận của luật sư bên nguyên và 4 giờ của bên bị.
Trong 90 phút, ba luật sư của ta đã đanh thép, đàng hoàng, lập luận chặt chẽ để chứng minh rằng các tập đoàn hóa chất Mỹ không phải tuân theo lệnh mà đã dự thầu của chính phủ Mỹ dẫu biết rõ tính độc hại của các chất khai quang mà họ cung cấp. Luật sư William Bourdon nói rõ: Vụ kiện này là duy nhất, mang tính lịch sử và chính trị, và nhiều năm sau, sẽ được nhắc đến trong các bài học của các trường luật.
Cả khán phòng ngạc nhiên khi luật sư hướng về phía tôi và nói: "Đây là Nga (với cách phát âm thành Nha). Lần đầu tiên, một khách hàng trở thành bạn thân của chúng tôi. Ngọn gió của lịch sử đã đưa Nga vào con đường đấu tranh này và kéo chúng tôi đi cùng".
Bên bị hỏi: Vậy chúng tôi phải gọi bà như thế nào? Mọi người trong khán phòng cùng cười!
90 phút - bằng thời gian của một trận đá bóng để bảo vệ một lẽ phải cho hàng triệu nạn nhân da cam, nhưng trận đấu này thu phục nhân tâm của những ai dự phiên tòa bởi chân lý của chính vụ kiện.
Bốn giờ đằng đẵng để các luật sư đối lập nói những lời ác nhất, dối trá nhất, xúc phạm nhất. Những bạn ngồi gần thỉnh thoảng lại vuốt lưng tôi, bóp vai tôi vì chính họ chịu không nổi những dối trá, xúc phạm đó.
Tôi lấy ví dụ một trong những điều họ đã nói: Chúng tôi chỉ rải một lượng rất nhỏ thuốc khai quang, ít đến mức các giọt nhỏ không đến được các ngọn cây thì làm sao làm hại ai được (xin hãy nhìn các ảnh máy bay rải chất độc - NV). Chúng tôi phải bảo vệ quân đội của chúng tôi. Bà Trần đã ngu xuẩn đến mức không chạy khỏi chỗ ấy. Hoặc con bà ấy chết chỉ vì thiếu ăn trong rừng, còn bà Trần thì không khác gì chúng ta... (?)
Họ tấn công ác đến mức bà Chánh án phải hỏi: Bà Trần có muốn nói gì không?
Tôi chưa kịp trả lời thì một luật sư của tập đoàn Hercules, người "ác nhất" đứng phắt dậy và la lớn: Bà Trần hôm nay đã tạo ra một phiên tòa và bà cũng đã nói những điều này ròng rã suốt 6, 7 năm qua rồi. Chúng tôi không muốn nghe bà nữa!
Tôi thở phào, nhẹ nhõm, mọi ấm ức trong mấy giờ qua tiêu tan khi tôi chợt hiểu: Họ sợ bà già tóc bạc đến mức không kịp và không dám nghe xem tôi định nói gì.
Chính cái ác của họ đã phản biện lại họ, nếu bà Trần không có chính nghĩa, làm sao tập hợp được nhiều người đến mức có thể mở một phiên tòa ngoài phiên tòa đang xử. Nếu không sợ bà già đơn thương độc mã đang đối diện với cả một phe gồm 15 luật sư đại diện cho các thân chủ khổng lồ của họ, sao họ không đủ kiên nhẫn để chờ nghe câu trả lời của tôi?
Như vậy là mình đã thắng mà không cần nói thêm lời nào ngoài những lập luận của luật sư. Đúng là bất chiến tự nhiên thành. Cuối cùng, Chánh án tuyên bố sẽ tuyên xử vào ngày 10/5/2021.
Thời gian gần 7 năm ấy đã biến cuộc chiến lúc đầu được gọi là giữa người tí hon David chống lại kẻ khổng lồ Goliath trở thành cuộc chiến của đại nghĩa thắng hung tàn. Vậy thì, kéo dài thời gian cũng có nghĩa là giúp cho chính nghĩa của cuộc chiến được lan tỏa ra khắp thế giới. Và điều đó càng xác tín cho mục tiêu đấu tranh của ta.
Ngoài phòng xử, hơn 50 người vẫn kiên trì chờ chúng tôi cả ngày, có người ôm tôi mà nước mắt lặng lẽ tuôn, các nhà báo vây quanh luật sư và đặt nhiều câu hỏi cho tôi.
Nhìn ra một phía, 15 luật sư bên bị đang âm thầm bỏ đi, không một ai hỏi thăm một lời. Đi ngang qua tôi, họ khựng lại, không biết nên chào hay đi luôn.
Tôi cười, lặp lại lời mời năm nào tôi đã nói trong phiên tòa công luận: Tôi mời các vị có dịp hãy đến Việt Nam. Tôi sẽ đưa các vị đi thăm một nạn nhân, chỉ một nạn nhân thôi và tôi tin các vị sẽ không còn can đảm mà bảo vệ thân chủ của mình. Họ nhìn nhau và chào tôi, hơi sượng. Tôi tiễn họ bằng một nụ cười tươi.
Có một bài báo nói rõ: Trong đoàn luật sư bên bị, có nhiều nữ luật sư còn trẻ, họ sẽ nói thế nào khi con của họ lớn lên và biết rằng mẹ của mình đã bảo vệ cho điều phi nghĩa?
Trong mấy tháng chờ đợi phán quyết, chúng tôi đã không ngồi yên.
Biểu dương lực lượng
Ngay sau phiên tòa, một cuộc tập hợp đã được tổ chức tại quảng trường Trocadero đối diện tháp Eiffel. Hơn 300 người với đầy đủ các thành phần của xã hội Pháp từ Đại biểu Quốc hội đến các thị trưởng, từ những người lớn tuổi đến các bạn trẻ làm nên lực lượng chiến đấu mới sát cánh bên tôi đã có mặt, với tiếng trống nhịp nhàng, với những tiếng hô vang như tiếng hát làm nức lòng người: Công lý cho Trần Tố Nga.
6 năm trước, không ai biết đến chất độc da cam, không ai nói đến cái chất vẫn đang giết hại hàng triệu người Việt Nam và hàng vạn người trên thế giới.
6 năm trước, tôi bắt đầu cuộc chiến đấu đòi công lý một mình, không dám nói là mình là đại diện cho tất cả nạn nhân da cam.
6 năm đã qua, và hôm nay, tôi đứng giữa một rừng người, cảm nhận tình thương từ những con người chỉ vì yêu công lý, yêu Việt Nam, thương cho nạn nhân da cam mà yêu Trần Tố Nga và hiểu rằng ủng hộ Trần Tố Nga có nghĩa là ủng hộ vụ kiện bằng một tình cảm cao thượng và chính là ủng hộ nạn nhân da cam.
Hơn 200 bài báo, phim ảnh, phỏng vấn tại Pháp, tại Mỹ và nhiều nước khác viết về "Vụ kiện lịch sử "của Trần Tố Nga từ nay đã có thể chính thức gọi là vụ kiện của chúng ta. Mất gần 7 năm để tòa án đi đến kết luận là không thể xử. Một tuyên bố không bất ngờ, đã dự đoán trước và càng dấy lên sự công phẫn của dư luận xã hội.
Nhưng thời gian gần 7 năm ấy đã biến cuộc chiến lúc đầu được gọi là giữa người tí hon David chống lại kẻ khổng lồ Goliath trở thành cuộc chiến của đại nghĩa thắng hung tàn. Vậy thì, kéo dài thời gian cũng có nghĩa là giúp cho chính nghĩa của cuộc chiến được lan tỏa ra khắp thế giới. Và điều đó càng xác tín cho mục tiêu đấu tranh của ta.
10 giờ sáng ngày 11/5/2021, Trần Tố Nga và các luật sư quyết định kháng án. Khẩu hiệu hành động của chúng tôi là CAN ĐẢM, KIÊN NHẪN, HY VỌNG.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.