Chứng chỉ hành nghề luật sư nên có giá trị suốt đời?

Phi Long Thứ ba, ngày 04/06/2024 15:41 PM (GMT+7)
Luật sư Hoàng Anh Sơn – Trưởng Văn phòng Luật sư Hoàng Anh Sơn, thuộc Đoàn Luật sư TP. Hồ Chí Minh đã phân tích vấn đề này dưới góc độ pháp lý.
Bình luận 0

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, Bộ Tư pháp đang lấy ý kiến hoàn thiện hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Luật sư (mới). Trong đó, đề cương của dự thảo luật đã bổ sung quy định chứng chỉ hành nghề luật sư có thời hạn 5 hoặc 10 năm và có thể được xem xét gia hạn hoặc cấp lại khi đủ điều kiện quy định (Điều 17).

Chứng chỉ hành nghề luật sư nên có giá trị suốt đời?- Ảnh 1.

Chứng chỉ hành nghề luật sư nên có giá trị suốt đời. Ảnh: Minh Hoạ

Theo Báo cáo đánh giá tác động của chính sách trong đề nghị xây dựng Luật Luật sư thì: "Quy định này vừa bảo đảm phù hợp với thông lệ quốc tế đều có quy định thời hạn của chứng chỉ hành nghề luật sư và đảm bảo công cụ quản lý nhà nước, sàng lọc đội ngũ luật sư bảo đảm tiêu chuẩn về bản lĩnh và đạo đức nghề nghiệp luật sư, đồng thời sẽ giúp rà soát tránh hiện tượng luật sư "ảo" không hành nghề".

Luật sư Hoàng Anh Sơn cho biết, Quy định thời hạn hành nghề là không cần thiết: thứ nhất, nếu quy định này được thông qua, chúng ta cần phải bố trí thêm nguồn nhân lực, máy móc thiết bị và phát sinh thêm các khoản chi phí, thời gian để thực hiện thủ tục,….làm gia tăng thủ tục hành chính trong khi Đảng và Nhà nước ta đang hướng đến đơn giản hóa các thủ tục hành chính.

Chưa kể trong quá trình thực hiện thủ tục cấp đổi, gia hạn, Luật sư có thể gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.

Thứ hai, dự thảo cho rằng việc cấp lại chứng chỉ hành nghề luật sư sẽ giúp rà soát tránh hiện tượng luật sư "ảo" không hành nghề. 

Tuy nhiên, theo Luật luật sư 2006 sửa đổi bổ sung 2012, luật sư sẽ bị thu hồi Chứng chỉ hành nghề luật sư khi thuộc một trong các trường hợp: Luật sư không gia nhập một Đoàn luật sư nào trong thời hạn hai năm, kể từ ngày được cấp chứng chỉ hành nghề luật sư; không thành lập, tham gia thành lập hoặc làm việc theo hợp đồng lao động cho một tổ chức hành nghề luật sư hoặc đăng ký hành nghề với tư cách cá nhân trong thời hạn ba năm, kể từ ngày gia nhập Đoàn luật sư; hay bị xử lý kỷ luật bằng hình thức xóa tên khỏi danh sách luật sư của Đoàn luật sư...

Đồng thời, hiện nay về điều kiện hành nghề luật sư, đạo đức nghề nghiệp của luật sư, các hành vi luật sư bị cấm thực hiện thì hiện nay Luật Luật sư và Bộ Quy tắc đạo đức ứng xử nghề nghiệp luật sư Việt Nam đã quy định rất cụ thể.

Đối với các trường hợp luật sư có hành vi vi phạm hoặc không đủ các điều kiện theo quy định, thì cũng có đầy đủ cơ chế, quy định, quy trình cụ thể về việc giải quyết, xử lý kỷ luật.

Thiết nghĩ những quy định này đã rất chặt chẽ, đủ tính răn đe và hoàn toàn có thể hạn chế đến mức thấp nhất tình trạng luật sư "ảo" không hành nghề.

Thứ ba, việc này sẽ tạo ra những khó khăn trong quá trình hoạt động hành nghề của luật sư cũng như ảnh hưởng đến việc bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng. Đơn cử như việc khi xảy ra những vụ việc cấp bách, khách hàng cần đến sự hỗ trợ của Luật sư mà chứng chỉ hành nghề của Luật sư sắp hết hạn thì chắc chắn sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề đối với Luật sư khi làm thủ tục với các cơ quan có thẩm quyền, chưa kể tâm lý của khách hàng có thể sẽ thấy không an tâm khi nhờ một Luật sư có chứng chỉ sắp hết hạn sử dụng.

"Các quy định của Luật Luật sư hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan đã đảm bảo yêu cầu sàng lọc các Luật sư hiện nay. Như đã phân tích ở trên, với đề xuất mới này của Bộ tư pháp tôi thấy là không cần thiết và cần được xem xét và đánh giá kỹ lưỡng hơn hướng đến việc tạo điều kiện thuận lợi cho Luật sư trong quá trình hành nghề cũng như đơn giản hóa các thủ tục hành chính", luật sư Sơn nêu ý kiến.

Từ khóa:
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem