Chia sẻ với Dân Việt, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn – Tổng Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả Âm nhạc Việt Nam (VCPMC) cho biết, năm 2023, tổng số tiền bản quyền mà VCPMC đã thu (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) là hơn 344 tỷ đồng. Số tiền bản quyền thu tại Việt Nam (chưa tính nguồn thu từ CMOs quốc tế) tăng khoảng 29% so với năm 2022, vượt 10% so với chỉ tiêu đề ra.
Riêng trong Quý I năm 2024, nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc nhiều nhất là 1,084 tỷ đồng; Quý II của năm 2024, nhạc sĩ nhận tiền bản quyền âm nhạc nhiều nhất là 852 triệu đồng. Vì lí do phải bảo mật thông tin cá nhân cho thành viên của Trung tâm nên nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn không cho biết tên của các nhạc sĩ đã được nhận số tiền trên. Tuy nhiên, ông hé lộ, đây đều là những nhạc sĩ rất nổi tiếng và có nhiều ca khúc đang gây sốt.
Theo số liệu mà VCPMC cung cấp, tính đến tháng 8/2024, Trung tâm có 6400 tác giả thành viên trong nước.
Hiện nay, VCPMC đang khai thác và cấp phép gần 30 lĩnh vực có sử dụng âm nhạc trong hoạt động kinh doanh thương mại bao gồm các lĩnh vực sau: Online (Digital); Lĩnh vực phát sóng; Sao chép và Lĩnh vực offline. Riêng với lĩnh vực Digital, VCPMC đã và đang thực hiện cấp phép cho hầu hết các nền tảng âm nhạc bao gồm các ứng dụng, website, các mạng xã hội trong nước và quốc tế như: YouTube, Facebook, Tiktok, Apple, Spotify, Zing MP3, Nhaccuatui… Kể từ năm 2019, VCPMC thu tiền bản quyền âm nhạc lĩnh vực Digital đối với các Website/app, nền tảng âm nhạc nêu trên chiếm khoảng 86% nguồn thu của tất cả các lĩnh vực.
Nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn khẳng định, năm 2009, VCPMC là đại diện duy nhất của Việt Nam trở thành thành viên chính thức của Liên minh quốc tế các Hiệp hội những nhà soạn nhạc và lời thế giới. Điều này đồng nghĩa với việc Trung tâm được công nhận tiêu chuẩn chuyên nghiệp quốc tế. Tính đến tháng 8/2024, VCPMC đã ký hợp đồng song phương với 88 tổ chức bảo vệ quyền tác giả âm nhạc tương ứng trên thế giới có phạm vi điều chỉnh ở 227 quốc gia và vùng lãnh thổ. Với những cam kết ràng buộc này, Trung tâm hiện là tổ chức đại diện quyền tác giả duy nhất tại Việt Nam có quyền đại diện, bảo vệ lợi ích của hơn 6400 tác giả trong nước và hơn 05 triệu tác giả âm nhạc trên thế giới. Thông thường, VCPMC sẽ trích lại từ 5 đến 25% tổng số tiền bản quyền thu được để làm hành chính phí, tác giả sẽ được hưởng từ 75% đến 95% tùy từng lĩnh vực.
"Chúng tôi đang đặt mục tiêu và nỗ lực phấn đấu để trong những năm tới, cố gắng giảm tỷ lệ chia sẻ doanh thu từ phía tác giả xuống còn 18% đến 15%. Chúng tôi gắng làm sao để các tác giả, chủ sở hữu được hưởng tối đa quyền lợi", nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn bày tỏ.
Trao đổi thêm với Dân Việt về cơ chế giám sát việc thu tiền bản quyền, nhạc sĩ Đinh Trung Cẩn cho hay, VCPMC báo cáo định kỳ cho cơ quan quản lý nhà nước và CISAC về thu tiền bản quyền, phân phối tiền bản quyền cho tác giả thành viên, đảm bảo công khai, minh bạch.
Các tác giả nhận tiền bản quyền hàng quý thông qua tài khoản cá nhân. Mỗi khi chi trả tiền bản quyền, VCPMC cũng gửi mail thông báo kèm bảng kê doanh thu chi tiết tiền bản quyền với đầy đủ các thông tin: Tên tác phẩm; Lĩnh vực thu tiền; Tên tổ chức, cá nhân trả tiền, số hợp đồng/hóa đơn và Số tiền. Nếu ai có bất kỳ thắc mắc nào đều có thể liên hệ trực tiếp VCPMC thì sẽ có một bộ phận chuyên trách để giải đáp.
Phía VCPMC cũng cho biết thêm, các tác giả khi ký hợp đồng với VCPMC thì thời hạn hợp đồng thường kéo dài 5 năm. Tuy nhiên, tác giả có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng bất cứ khi nào, chỉ cần thông báo trước 45 ngày, không có chế tài xử phạt và bồi thường; không phải ra toà để xử lý chấm dứt hợp đồng.
Trong khi đó, có một số ít công ty bên ngoài thường không cho phép tác giả đơn phương chấm dứt hợp đồng và đặt ra các điều khoản phạt hoặc yêu cầu bồi thường thiệt hại nếu tác giả muốn chấm dứt hợp đồng. Trong trường hợp tác giả muốn đơn phương chấm dứt, họ thường phải khởi kiện ra tòa. Có nhiều trường hợp, tác giả đã phải theo đuổi vụ kiện kéo dài hơn 3 năm và trong thời gian này, tác phẩm sẽ không thể được khai thác, gây thiệt hại đáng kể cho tác giả.