Dân Việt

Doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu mới

Nguyên Vỹ 17/08/2024 09:52 GMT+7
Nhiều thị trường nhập khẩu đang đưa ra các tiêu chuẩn xanh mới ký kết hợp đồng giao thương. Điều này buộc các ngành công nghiệp xuất khẩu chủ lực của Bình Dương như gỗ, dệt may... phải cấp thiết chuyển đổi để thích ứng và tồn tại.

Khó khăn bủa vây ngành gỗ

Theo Cục Lâm Nghiệp (Bộ NNPTNT), xuất khẩu gỗ và lâm sản 7 tháng đầu năm 2024 đạt 9,36 tỷ USD; đạt 61,5% kế hoạch năm; tăng 20,5% so với cùng kỳ năm 2023. Đây là tín hiệu đáng mừng song các chuyên gia đánh giá, kinh tế thế giới vẫn đầy rủi ro và biến động.

Tại Bình Dương, 7 tháng năm, ngành chế biến gỗ đạt giá trị xuất khẩu hơn 3,5 tỷ USD, tăng gần 22% so với cùng kỳ năm 2023 và chiếm 18,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh.

Bà Lê Thị Xuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Thuận An (TP.Thuận An) cho rằng, các yếu tố trăng trưởng hiện nay vẫn chưa bền vững.

Doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu mới từ thị trường - Ảnh 1.

Công nhân chế biến gỗ nội thất xuất khẩu tại Công ty CP Gỗ Thuận An (Bình Dương). Ảnh: Nguyên Vỹ

Tại công ty, đơn hàng xuất khẩu gỗ bắt đầu tăng trở lại từ tháng 7 vừa qua. Trước dịch Covid-19, tổng số lao động của công ty từ 700-800 người nay chỉ còn 533 người. Công ty đang tuyển thêm 100 lao động cho các nhà máy chế biến gỗ.

Theo bà Xuyến, đơn hàng có tăng, nhưng thực tế, sức mua thị trường chưa tăng. Lý do là xung đột địa chính trị khiến chi phí logistics tăng, đẩy giá hàng hóa tăng theo.

Sau một thời gian dài lượng nhập hàng giảm mạnh, tồn kho giảm; nhiều nhà nhập khẩu quyết định mua hàng tích trữ để phòng trừ nhiều yếu tố, trong đó, có yếu tố cước vận tải tăng giá.

Giá cước vận tải tăng cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất kinh doanh ở Gỗ Thuận An. Giá cước vận tải hiện đã tăng lên gấp 5 lần. Khách hàng nhập khẩu yêu cầu công ty giảm giá trong khi giá nguyên liệu nhập khẩu không giảm. Đơn cử như giá gỗ sồi nhập khẩu đã tăng hơn 20% so với trước.

Vì đơn hàng ít nên mặt bằng giá đầu ra rất thấp, các doanh nghiệp cạnh tranh nhau khốc liệt. Thên nữa, thời gian đặt hàng cũng ngắn lại. Nếu ngày trước, trong 90 ngày công ty mới xuất hàng, thì nay đối tác yêu cầu rút lại còn 50-55 ngày.

Công ty vừa tăng ca vừa nhập khẩu thêm các dây chuyền hiện đại mới đáp ứng được các yêu cầu ngày càng cao kỹ thuật và mỹ thuật. "Máy móc hiện đại mới đảm bảo độ chính xác cao nhưng vẫn tăng năng suất và giảm công lao động. Giá tốt mới giúp công ty cạnh tranh được", bà Xuyến nói.

Sản phẩm tự thiết kế vẫn được khách hàng ưu tiên hơn và là con đường tất yếu để tăng giá trị gia tăng. Song đây cũng là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp gỗ vì hiện gia công là chủ yếu.

Doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu mới từ thị trường - Ảnh 2.

Bà Lê Thị Xuyến – Tổng Giám đốc Công ty CP Gỗ Thuận An (trái) giới thiệu với khách hàng các dòng sản phẩm công ty tự thiết kế. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ở Gỗ Thuận An, nhiều năm nay, công ty đã xây dựng showroom để trưng bày tất cả các sản phẩm mà công ty tự thiết kế. Showroom này đã phát huy hiệu quả lớn, nhất là trong thời kỳ dịch Covid-19.

Hiện tại, công ty đang nghiên cứu tiếp dòng sản phẩm lắp ráp theo xu hướng thương mại điện tử trên toàn cầu. Bởi vì các sản phẩm như tủ gỗ thường to, cồng kềnh.

Năm 2024, công ty đặt kế hoạch tổng doanh thu: 273,5 tỷ đồng. Ước thực hiện 7 tháng đầu năm, tổng doanh thu công ty 161,8 tỷ đồng; đạt 59,2% kế hoach. Lợi nhuận trước thuế: 5,513 tỷ đồng, đạt 51,5% kế hoạch.

Doanh nghiệp Bình Dương chuyển đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu mới

Mỹ, EU là thị trường khó tính nhưng ổn định và là thị trường truyền thống của nhiều doanh nghiệp gỗ trong các năm qua. Thế nhưng các thị trường chính xuất khẩu gỗ của Việt Nam ngày càng đẩy mạnh bảo hộ sản phẩm trong nước.

Đồng thời, các nước thắt chặt các quy định về nguồn gốc gỗ hợp pháp, đặc biệt là quy định về việc quản lý xuất nhập khẩu các sản phẩm không gây phá rừng, suy thoái rừng (EUDR) của châu Âu; sẽ có hiệu lực ngay cuối năm 2024.

Theo bà Lê Thị Xuyến, tính bền vững, chuyển đổi xanh trong sản phẩm gỗ không còn là đòi hỏi mang tính tự nguyện như trước đây mà đã trở thành điều kiện bắt buộc.

Công ty Gỗ Thuận An sẽ tiếp tục duy trì thực hiện hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2015, và hệ thống quản lý chuỗi hành trình sản phẩm FSC-CoC; kiểm soát tốt chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu khách hàng, bà Xuyến chia sẻ.

Không riêng gì ngành gỗ, ngành may mặc Bình Dương cũng đang cấp tập chuyển đổi, tái cấu trúc sản xuất, kinh doanh để đáp ứng các yêu cầu mới của thị trường.

Doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu mới từ thị trường - Ảnh 3.

Sản phẩm may mặc xuất khẩu của một doanh nghiệp tại Bình Dương. Ảnh: Nguyên Vỹ

Ông Vũ Thông Hiệp, đại diện Công ty TNHH May mặc Kung Kiu (TP.Tân Uyên) cho biết, nhà máy đã ngưng sử dụng lò hơi đốt viên nén từ cuối năm 2023, chuyển sang sử dụng bàn ủi điện. Đồng thời, công ty sử dụng hệ thống ánh sáng tự nhiên nhiều hơn để bảo vệ sức khỏe người lao động.

Nhờ nỗ lực thực hiện những cam kết xanh, từ đầu năm đến nay, đơn hàng của công ty tăng dần, và được khách hàng đánh giá cao. Công ty sẽ tiếp tục cải tiến công nghệ, đáp ứng những tiêu chí xanh hóa mà các nhãn hàng đưa ra để đón đầu sự dịch chuyển đơn hàng từ các thị trường nước ngoài, ông Hiệp chia sẻ.

Theo ông Phan Thành Đức - Tổng Giám đốc Công ty CP May mặc Bình Dương (TP.Thuận An), xu hướng hiện nay, đối tác đặt đơn hàng nhỏ và thời gian giao hàng nhanh thay vì nhập hàng từ 6-12 tháng như trước.

Đáng chú ý, dù đơn hàng tăng trở lại nhưng giá trị hàng hóa vẫn còn thấp. Trong khi đó, chi phí đầu vào sản xuất tăng cao vì phụ thuộc nhiều vào nguyên phụ liệu nhập khẩu.

Riêng tại thị trường châu Âu, một loạt các quy định về các sản phẩm sinh thái, trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất, truy xuất chuỗi cung ứng, các yêu cầu về giảm thiểu phát thải carbon... yêu cầu các quốc gia xuất khẩu phải tuân thủ.

Doanh nghiệp Bình Dương nỗ lực tái cấu trúc để đáp ứng yêu cầu mới từ thị trường - Ảnh 4.

Doanh nghiệp may mặc ở Bình Dương chuyển đổi công nghệ để đáp ứng yêu cầu mới từ thị trường. Ảnh: T.L

Ông Đức cho rằng, đây là thách thức lớn đối với các nhà sản xuất. Doanh nghiệp cần thay đổi cách thức quản lý, ứng dụng chuyển đổi số trong hệ thống quản lý, cập nhật thông tin và ra quyết định kịp thời để đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

Bà Phan Lê Diễm Trang - Phó Chủ tịch Hiệp hội Dệt may tỉnh Bình Dương đánh giá, nhu cầu thị trường sản phẩm dệt may dự kiến sẽ cải thiện hơn do các thị trường nhập khẩu dệt may lớn của Việt Nam đang có dấu hiệu phục hồi.

Tuy nhiên, hàng loạt khó khăn từ áp dụng cơ chế EPR (trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) và CBAM (cơ chế điều chỉnh biên giới carbon), cũng như chiến lược thời trang bền vững thay cho thời trang nhanh đang là thách thức lớn đối với các doanh nghiệp ngành may mặc.

"Để tuân thủ các yêu cầu mới từ thị trường, doanh nghiệp phải nâng cấp công nghệ, sẵn sàng đáp ứng việc thực thi các yêu cầu mới như năng lượng xanh, chuyển đổi số", bà Trang đề nghị.