Kinh tế Bình Dương dần hồi phục, ngành thuế ước thu 26.700 tỷ đồng
Trần Khánh
Thứ tư, ngày 26/06/2024 10:43 AM (GMT+7)
Nửa đầu năm 2024, tình hình kinh tế Bình Dương đạt được một số kết quả tích cực. Tuy nhiên, để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% cả năm, Bình Dương phải tăng tốc hơn nữa trong 6 tháng còn lại.
Kinh tế Bình Dương nửa đầu năm 2024 phục hồi tích cực
Công ty TNHH MTV Thạch Tính ở xã Long Nguyên (huyện Bàu Bàng) chuyên sản xuất chậu nhựa polymer chuyên dùng. Hiện nay, các sản phẩm của công ty đã có mặt tại nhiều tỉnh, thành và bắt đầu xuất khẩu sang nước ngoài.
Ông Nguyễn Trung Tính – Giám đốc công ty cho biết, trong quá trình hoạt động, công ty nhận được sự hỗ trợ tích cực của chính quyền địa phương, nhất là trong giải quyết các thủ tục hành chính về đầu tư kinh doanh. Hiện, xu hướng tiêu dùng có xu hướng cải thiện tích cực.
"Công ty có khả năng sản xuất số lượng lớn, đáp ứng được nhu cầu trồng các loại cây kiểng, doanh thu khoảng 1,2 tỷ đồng/năm", ông Tính nói.
Chậu nhựa polymer và các sản phẩm đặc trưng của huyện Bàu Bàng tham gia trưng bày tại triển lãm công nghiệp của huyện. Ảnh: Hạnh Nhi
Theo ông Võ Thành Giàu - Chủ tịch UBND huyện Bàu Bàng, quá trình công nghiệp hóa ở địa phương thời gian qua tập trung quy hoạch phát triển công nghiệp phù hợp.
Huyện Bàu Bàng có 8.360 hộ kinh doanh, góp phần đa dạng cơ cấu kinh tế. Thời gian tới, huyện tiếp tục thực hiện các hoạt động xúc tiến và quảng bá thương hiệu để thu hút các nhà đầu tư, các doanh nghiệp.
Đồng thời, huyện phát huy vai trò của các KCN tập trung. Đến nay, huyện Bàu Bàng đã hình thành 2 KCN với tổng diện tích quy hoạch hàng ngàn ha. Ngoài ra, KCN Cây Trường 700ha, và KCN Lai Hưng 600ha đang chuẩn bị các bước để triển khai thực hiện.
Đến nay, huyện Bàu Bàng thu hút 1.463 dự án đầu tư. Trong đó, đầu tư trong nước 1.214 dự án với tổng vốn đăng ký 32.535 tỷ đồng; đầu tư nước ngoài là 249 dự án với tổng vốn đăng ký 4,53 tỷ USD.
Tình hình kinh tế xã hội tại các địa phương khác ở phía Bắc Bình Dương cũng đạt một số kết quả tích cực. Nhiều chỉ tiêu kinh tế xã hội huyện Phú Giáo trong 6 tháng đầu năm đạt và vượt kế hoạch. Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của huyện ước thực hiện hơn 2.906 tỷ đồng, đạt hơn 47,7% so với kế hoạch, tăng gần 13% so với cùng kỳ.
Giá trị sản xuất nông lâm nghiệp của huyện huyện Phú Giáo ước thực hiện hơn 2.906 tỷ đồng. Ảnh: Trần Khánh
Giá trị sản xuất toàn ngành tiểu thủ công nghiệp huyện Phú Giáo ước thực hiện hơn 2.883 tỷ đồng, tăng gần 16% so với cùng kỳ. Tổng thu nội địa của huyện ước thực hiện 268 tỷ đồng, đạt 64% dự toán và bằng 117% so cùng kỳ.
Trên địa bàn huyện Dầu Tiếng hiện có khoảng 500 doanh nghiệp và 1 cụm công nghiệp đang hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho hơn 13.000 lao động.
Từ kết quả đầu tư mở rộng, tăng quy mô sản xuất, tỷ lệ lao động có việc làm thường xuyên ở Dầu Tiếng đạt 98%; trong đó tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 90%.
Kinh tế Bình Dương khắc phục hạn chế để hoàn thành mục tiêu cả năm
Theo Cục Thuế tỉnh Bình Dương, thu ngân sách Nhà nước của ngành thuế 6 tháng đầu năm ước đạt 26.700 tỷ đồng; đạt 55,5% dự toán năm HĐND tỉnh giao, bằng 113% so với cùng kỳ.
Đối với công tác thu nợ đọng thuế, ước tính đến thời điểm 30/6, tổng nợ thuế của toàn ngành trên 4.000 tỷ đồng. Trong đó, nợ có khả năng thu dự kiến là 3.500 tỷ đồng.
Theo Cục Thuế Bình Dương, thu ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm tăng trưởng khá so với chỉ tiêu năm là do các lĩnh vực kinh tế của tỉnh tiếp tục hồi phục tích cực.
Công nhân sản xuất ván gỗ công nghiệp trong KCN Tân Bình (Bình Dương). Ảnh: Trần Khánh
Ông Ngô Văn Mít - Cục trưởng Cục Thống kê tỉnh cho biết, khảo sát mới đây ghi nhận nhiều doanh nghiệp ở Bình Dương có đủ đơn hàng cho đến hết tháng 9/2024; nhiều đơn vị và đang nỗ lực tìm kiếm đơn hàng mới để ổn định sản xuất đến hết năm 2024.
Nửa đầu năm, chỉ số sản xuất công nghiệp Bình Dương ước tăng 5,63% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó, công nghiệp chế biến tăng 6,0%.
Kim ngạch xuất khẩu Bình Dương ước đạt 16,29 tỷ USD; tăng 10,3%. Kim ngạch nhập khẩu ước đạt 11,5 tỷ USD, tăng 9,9% so cùng kỳ.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, trong số 36 chỉ tiêu chủ yếu, hầu hết các chỉ tiêu đều đạt từ 50% kế hoạch trở lên, trong đó có 6 chỉ tiêu vượt kế hoạch năm. Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của tỉnh dần phục hồi.
Tuy nhiên, một số ngành, lĩnh vực như công nghiệp hỗ trợ còn gặp khó khăn, chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển còn ở mức cao, thị trường xuất khẩu nhiều cạnh tranh.
Các ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Bình Dương như chế biến gỗ, may mặc... dần phục hồi. Ảnh: Trần Khánh
Tăng trưởng tổng sản phẩm GRDP chưa tạo được sự chuyển biến mạnh mẽ. Quý II, GRDP tăng 6,52% và 6 tháng đầu năm chỉ tăng 6,19% (xếp thứ 5 trong vùng và thứ 34 cả nước). Công tác thu hút đầu tư nước ngoài giảm mạnh.
UBND tỉnh dự báo, 6 tháng cuối năm, tình hình thế giới còn nhiều khó khăn, tiếp tục ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh và thu hút đầu tư của tỉnh. Để đạt mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2024, bắt buộc trong quý III tỉnh Bình Dương phải tăng trưởng 8,5%; quý IV phục hồi 10,7%.
UBND tỉnh yêu cầu các sở ngành, địa phương tập trung tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong sản xuất kinh doanh; triển khai hiệu quả các giải pháp phát triển thị trường lao động và hoạt động kết nối cung cầu lao động.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.