Dân Việt

Vì sao Việt Nam có loại sâm quý nhất thế giới nhưng lại chưa có thương hiệu, sản phẩm bán nhỏ giọt trong nước?

Trần Quang 17/08/2024 13:26 GMT+7
Theo Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT), hiện nay Việt Nam có loại sâm xếp vào hàng quý nhất thế giới cùng với sâm Hàn Quốc, Nhật Bản... nhưng điều đáng buồn là đến nay nước ta vẫn chưa xây dựng được thương hiệu, sản phẩm chủ yếu chỉ được tiêu thụ trong nội địa.
Vì sao Việt Nam có loại sâm quý nhất thế giới nhưng lại chưa có thương hiệu, chỉ bán sản phẩm ở trong nước? - Ảnh 1.

Một củ sâm được bán tại chợ sâm ở Hàn Quốc. Ảnh: TQ

Là loại sâm quý nhất nhất thế giới nhưng lại chưa có thương hiệu

Trao đổi với các đại biểu tại tọa đàm Định hướng phát triển sâm Việt Nam, ông Trần Quang Bảo, Cục trưởng Cục Lâm nghiệp (Bộ NNPTNT) cho biết, hiện cả nước ta có khoảng 3.000 ha trồng sâm Ngọc Linh, sâm Lai Châu có 55 ha, chủ yếu được trồng dưới tán rừng, một số diện tích nhỏ trồng trong nhà lưới, nhà màng.

Trong sâm Ngọc Linh có tới 52 loại Saponin, 19 Saponin Dammaran, 17 acid amin, 20 chất khoáng vi lượng… có tác dụng hỗ trợ phòng bệnh ung thư, chống trầm cảm, tăng cường sức đề kháng, chống lão hoá… Trong khi đó, sâm Hàn Quốc chỉ có 24 Saponin, sâm Trung Quốc có 15 Saponin, sâm Mỹ có 14 Saponin.

Trước đây, các loại sâm ở Việt Nam chủ yếu được chế biến, sử dụng theo cách truyền thống như sâm tươi ngâm rượu, ngâm mật ong, sấy khô. Những năm gần đây công nghệ chế biến được đầu tư hơn, đã tạo ra được một số sản phẩm như nước giải khát, mỹ phẩm, thực phẩm chức năng, thuốc…

Thị trường tiêu thụ của các loài sâm ở Việt Nam chủ yếu ở trong nội địa, chưa xuất khẩu được.

“Đáng chú ý, chúng ta chưa có thương hiệu Sâm Việt Nam. Hiện các doanh nghiệp chế biến sản phẩm đều dùng nhãn hiệu riêng, ví dụ như nhãn hiệu K5 của Công ty Sâm Ngọc Linh Kon Tum, nhãn hiệu SamSam của công ty Sâm Sâm, Quảng Nam” - đại diện Cục Lâm nghiệp cho hay.

Theo ông Bảo, so với các nước có ngành sâm phát triển thì diện tích sâm ở Việt Nam còn khá nhỏ bé, sản phẩm chưa đa dạng, giá thành cao nên còn khó tiếp cận người tiêu dùng.

Đơn cử như Hàn Quốc hiện có 15.000 ha trồng sâm với năng suất bình quân 6 tấn/ha, sản lượng 22.000-23.000 tấn/năm, chiếm 27% sản lượng sâm toàn cầu. 

Mỗi năm, Hàn Quốc thu về 2,5 tỉ USD từ sâm và các sản phẩm từ sâm. Hiện quốc gia này đã làm được các sản phẩm chế biến sâu từ sâm như viên nhộng, nước đóng chai, thực phẩm chức năng, dược phẩm, mỹ phẩm… trong đó có nhiều sản phẩm đã được xuất khẩu ra thế giới.

Đặc biệt, Hàn Quốc đã xây dựng được thương hiệu cho sâm với nhãn hiệu KGC, là sâm Chính phủ, để khẳng định chất lượng; sử dụng cờ của Hàn Quốc trên sản phẩm sâm Hàn, hoặc kết hợp nhiều nhãn hiệu của tập đoàn nổi tiếng như Samsung, LG gắn trên sản phẩm…

Tại Trung Quốc, sâm cũng cho sản lượng khoảng 48.000 tấn/năm, chiếm 27% sản lượng toàn cầu, doanh thu đạt 2,8 tỉ USD.

Ông Bảo cho rằng: Từ kinh nghiệm quốc tế trong canh tác vùng trồng cho thấy, cả hai quốc gia Hàn Quốc, Trung Quốc đều đang theo xu thế đưa cây sâm xuống núi, hạ độ cao vùng trồng để có thể kiểm soát được năng suất, sản lượng và chất lượng của sản phẩm. 

Tại Hàn Quốc, sâm trồng trên cánh đồng cho sản lượng 6 tấn/ha, dễ canh tác, kiểm soát chất lượng và có thể thâm canh. Hàn Quốc đã nâng tầm lên thành một ngành công nghiệp chế biến sâm với việc phát triển nhiều cơ sở chế biến, đa dạng hóa sản phẩm, đa dạng đối tượng tiêu dùng. 

Sản phẩm chế biến từ sâm được Hàn Quốc đưa vào nhiều kênh tiêu thụ (nhà vườn, chợ sâm, siêu thị, trung tâm thương mại…) và đã xuất khẩu sang được 90 quốc gia trên thế giới.

"So sánh và nhìn vào thực trạng mới thấy sự non trẻ của ngành sâm Việt Nam. Về vùng trồng, chúng ta diện tích ít, chủ yếu trồng dưới tán rừng, sản lượng hạn chế. 

Về thương hiệu, kiểm soát chất lượng, chúng ta chưa có thương hiệu, chưa kiểm soát được chất lượng, chưa có sự tham gia của các doanh nghiệp nổi tiếng. Về quảng bá – truyền thông còn hạn chế, chưa đa dạng hình thức, chưa kết hợp được yếu tố văn hóa, truyền thống; các công trình khoa học, nghiên cứu dàn trải, nguồn lực phân tán…", ông Bảo khẳng định.

Ông Ngô Tấn Hưng, Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu, cho biết hiện nay sâm bán củ ở trong nước được bán với giá rất đắt nên chỉ có một số ít người dân có điều kiện mới được dùng. 

Có nhiều nguyên nhân khiến giá sâm đắt như vậy, trong đó có nguyên nhân do sâm trồng bán hoang dã, bị dịch bệnh chết nhiều, nhất là trong mùa mưa khiến sản lượng sâm thu hoạch rất thấp. Rủi ro bệnh cao khiến bà con, các nhà đầu tư càng không mặn mà trồng.

Về xây dựng thương hiệu cho sâm Việt, ông Hưng cho biết, Quyết định 611 của Thủ tướng về chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045 có nói đến tên Sâm Việt Nam, tuy nhiên các tài liệu quy định chưa thống nhất.

Do vậy ông Hưng đề xuất Bộ NNPTNT, Bộ Y tế, Bộ Khoa học và Công nghệ xây dựng một tên chung là Sâm Việt Nam.

“Chúng tôi cũng đề xuất báo chí từ nay chỉ gọi một tên là Sâm Việt Nam để tránh gây nhầm lẫn cho khách hàng, như vậy mới tạo thương hiệu quốc tế về Sâm Việt Nam. 

Nước ngoài khi làm việc với chúng tôi họ thắc mắc sâm Ngọc Linh và sâm Lai Châu có phải hai loại hoàn toàn khác nhau không, và đâu là sâm Việt Nam chính thống? Nếu không rõ chỗ này thì truyền thông thế nào để thương hiệu Sâm Việt Nam đi lên” - Phó Chủ tịch Hiệp hội Sâm Lai Châu bày tỏ.

Vì sao Việt Nam có loại sâm quý nhất thế giới nhưng lại chưa có thương hiệu, chỉ bán sản phẩm ở trong nước? - Ảnh 2.

Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan rất ấn tượng với câu chuyện quảng bá sản phẩm sâm ở Bắc Giang. Ảnh: TQ

Nhìn về câu chuyện quảng bá thương hiệu sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang

Chia sẻ với các đại biểu địa phương, doanh nghiệp có mặt tại tọa đàm về cách truyền thông, quảng bá sản phẩm sâm, Bộ trưởng Bộ NNPTNT Lê Minh Hoan dẫn câu chuyện, trong chuyến công tác mới đây về thăm mô hình trồng sâm Núi Giành (Bắc Giang), người dân ở đây đã kể với ông về truyền thuyết một vị hoàng hậu từng dâng củ sâm cho nhà vua sử dụng và có hiệu nghiệm tốt về sức khỏe. Từ đó có câu chuyện sâm Núi Giành là sâm tiến vua. 

"Đó là một cách quảng bá thương hiệu của sản phẩm nông nghiệp của Bắc Giang", Bộ trưởng Bộ NNPTNT khẳng định.

Theo Bộ trưởng Lê Minh Hoan, các doanh nghiệp, địa phương cần có tư duy sản phẩm sâm là sản phẩm chính phủ, quốc gia. Khi Hàn Quốc gắn lá cờ của họ lên sản phẩm để định danh, đó là sản phẩm quốc gia, từ đó họ định hướng sẽ tiếp thị sâm của họ ra thị trường quốc tế. 

"Nếu chúng ta cứ băn khoăn sản phẩm đó là sâm Ngọc Linh hay sâm Lai Châu, thì phạm vi nó sẽ chỉ bó hẹp trong một khuôn khổ vùng miền. Chúng ta phải chấp nhận và nâng nó dần dần lên để người tiêu dùng tiếp cận được sản phẩm sâm", Bộ trưởng Bộ NNPTNT nói thêm.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng, chúng ta không để sản phẩm sâm đơn độc mà cần cộng thêm những dược liệu khác, biết đâu khi đó sẽ đa dạng hóa sản phẩm. Bộ đã tham mưu để Chính phủ ban hành các quyết sách cho phép mở cửa tán rừng để trồng dược liệu. Nếu trồng trong nhà lưới thì như thế nào; truy xuất nguồn gốc về rừng, nếu chỉ nghĩ cục bộ thì không giải quyết được.