Loại cá xưa chê lên chê xuống, đi qua ngó lơ, nay ở Long An dân bắt làm đặc sản, nếm một miếng nhớ đời

Thứ hai, ngày 19/08/2024 11:27 AM (GMT+7)
Giữa xứ đồng bưng nằm ở rìa phía Đông của vùng Đồng Tháp Mười-huyện Đức Huệ (tỉnh Long An), có một cơ sở làm mắm cá lia thia nức tiếng xa gần. Từ chuyện “làm chơi để ăn trong nhà”, bà Đoàn Thị Út đã phát triển thành Cơ sở Mắm cá lia thia Út Lớn, đạt chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao
Bình luận 0

1. 

Hơn 10 năm trước, nhà của bà Đoàn Thị Út (ấp 6, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ, tỉnh Long An) là “điểm hẹn” của những người đi xúc cá lia thia. Tờ mờ sáng, gà vừa dứt tiếng gáy, cả chục người có mặt chuẩn bị cho chuyến xúc cá lia thia.

Thời đó, đường sá đi lại ở huyện Đức Huệ còn cách trở. Những chuyến đi xúc cá lia thia chủ yếu bằng xuồng. Nhà bà Út có một chiếc ghe nhỏ, cứ sáng sớm lại xuôi theo con nước, đưa mọi người đến những cánh đồng bưng biền.

Cá lia thia xúc được, bà Út thường kho ăn với cơm trắng và bán nhưng vì lượng cá nhiều, ăn không hết, bà quyết định làm mắm cá lia thia để ăn dần trong gia đình.

Gạo đem rang rồi xay nhuyễn làm thính, cá làm sạch, ướp muối, trộn thính, sau một tháng sẽ thành món mắm cá lia thia thơm ngon. Không chỉ để ăn trong nhà, bà còn tặng bạn bè, người thân. 

Khi thưởng thức mắm cá lia thia cùng đậu rồng, thịt luộc,... ăn kèm bún hoặc cuốn bánh tráng, mọi người đều tấm tắc khen mắm thơm, vị vừa ăn, rất ngon miệng.

img

Sản phẩm mắm cá lia thia Út Lớn, đặc sản vùng rìa phía Đông của Đồng Tháp Mười, xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) đã được công nhận sản phẩm đạt chuẩn OCOP 3 sao.

Bị lôi cuốn bởi hương vị đặc trưng của món mắm cá lia thia xứ bưng biền Đức Huệ, bạn bè gợi ý bà Út làm để bán. 

Thử sức mình, bà bắt tay vào con đường kinh doanh với sản phẩm mắm cá lia thia. Từng hũ mắm làm ra cũng trải mấy lần thất bại nhưng mỗi lần thất bại là một lần rút kinh nghiệm để điều chỉnh cách làm, cuối cùng là chạm đến thành công với sản phẩm mắm cá lia thia được công nhận đạt chuẩn OCOP 3 sao vào năm 2022.

Từ khi chuyển qua kinh doanh mắm cá lia thia, bà Út chia tay những chuyến xuôi ghe đi xúc cá, chuyên tâm cho việc bán buôn.

Để có nguyên liệu làm mắm, bà đứng ra thu mua lại cá lia thia từ những người trước đây cùng vợ chồng bà đi xúc. Ngôi nhà của bà vì thế hiện tại là “điểm hẹn” của những người đến bán cá lia thia.

Anh Mai Văn Tý (xã Mỹ Thạnh Đông, huyện Đức Huệ) trước đây làm công nhân. Gần đây, công ty giảm giờ làm, thu nhập giảm theo nên anh quyết định nghỉ việc, trở lại với nghề xúc cá lia thia. 

Anh Tý chia sẻ: “Tôi đi từ 7 giờ sáng đến 14 giờ, chạy xe vào cánh đồng năn ở xã Mỹ Thạnh Tây, Mỹ Bình để xúc cá. Bán cho bà Út 1,4kg cá lia thia, tôi được 450.000 đồng. Nhiêu đây cũng đủ chi tiêu trong nhà”.

img

Với chiếc rổ tre, những người nông dân vùng bưng biền Đồng Tháp Mười, huyện Đức Huệ (tỉnh Long An) lội bưng, xúc cá lia thia kiếm tiền trang trải cuộc sống.

Đi xa hơn anh Tý, anh Mai Văn Tuyến (thị trấn Đông Thành, huyện Đức Huệ) vừa trở về từ cánh đồng nhiễm phèn ở xã Thạnh Phước, huyện Thạnh Hóa. 

Tay chân thấm lạnh, ống quần ướt sũng, anh Tuyến lội nước vài giờ để xúc cá. Mặt trời đứng bóng, người cũng thấm mệt, anh Tuyến trở về nhà bà Út để bán cá.

Theo anh Tuyến, để bắt được nhiều cá lia thia phải có kinh nghiệm. Người có kinh nghiệm, khi nhìn màu nước, cây năn là biết “chỗ này có cá lia thia hay không”.

img

Chuyến xúc cá này, anh Tuyến thu được “chiến lợi phẩm” 3kg cá lia thia. “Bán được 900.000 đồng” - anh Tuyến vui mừng nói. Bao nhiêu mệt mỏi dường như tan biến trên gương mặt đem sạm của người đàn ông tuổi ngoài 40.

Sau khi xác định địa điểm, người bắt đặt rổ xuống vũng nước rồi đi vòng tròn, giậm giậm chân, những con cá lia thia nhảy vào nằm gọn trong rổ. “Với cách thức đơn giản như thế, một ngày, tôi xúc được 2-3kg cá lia thia khỏe re” - anh Tuyến chia sẻ bí quyết.

Không riêng anh Tý, anh Tuyến, cả đội xúc cá hơn chục người vẫn giữ thói quen cũ. Mỗi sáng, cơm nước xong, mọi người tập trung lại nhà bà Út, nói đôi câu chuyện vui khởi đầu cho chuyến đi xúc cá lia thia. Mỗi chuyến đi như thế bắt đầu từ 7 giờ đến quá giữa trưa. 

Nhà bà Út vì thế từ 12 giờ bắt đầu nhộn nhịp cảnh bán mua, tiếng nói cười của những người xúc cá trở về sau chặng đường xa. Mua bán xong, bà Út bắt tay vào các công đoạn làm mắm cá lia thia.

2. 

Cá lia thia sống chủ yếu ở vùng đất nhiễm phèn, mọc nhiều cây năn. Với môi trường sinh thái này, Đức Huệ rất phù hợp và lý tưởng cho cá lia thia trú ngụ, sinh sôi, nảy nở. 

img

Cá lia thia được cho lên máy lựa sạch trước khi đem làm mắm.

“Hồi đó cá nhiều lắm! Sáng sớm bơi xuồng đi xúc, tầm trưa trở về là được vài ký cá lia thia” - bà Út nói.

Vì lia thia là loài cá tự nhiên nên khi xúc thường lẫn cá trê, rô, ròng ròng. Bà Út cùng 4 nhân công tỉ mỉ lựa cá lia thia làm mắm, các loại còn lại thả xuống ao nhà để nuôi. Khi chắc chắn mẻ cá chỉ còn toàn lia thia, bà cho vào máy rửa.

“Nói máy rửa cho sang chứ thật ra đây là một chiếc lưới nhỏ, 2 đầu mắc vào trục xoay qua, xoay lại để cá sạch vảy, nhớt. Máy này do một thầy giáo ở địa phương thiết kế cho tôi. Tuy nhỏ gọn nhưng khá hiệu quả, không tốn nhiều thời gian, công sức như rửa cá thủ công trước đây” - bà Út cho biết.

Từng con cá tươi được cho lên máy để lựa lại một lần trước khi làm mắm. Máy lựa cá này cũng do thầy giáo ở địa phương “sáng tạo”, giúp bà giảm thời gian trong quy trình làm mắm.

Kết thúc công đoạn này, cá được rửa sạch thêm vài lần, sau đó ướp muối 2 đêm. Cá ngấm muối, cứng hơn, bà Út trộn thính. 

Bà Út nói: “Thính này tự nhà làm từ gạo ngon mua ở TP.Tân An nên rất thơm”. Để thực khách tiện sử dụng, bà trộn thêm tỏi, ớt vào mắm, chia vào mỗi hũ thủy tinh trọng lượng 500gr.

Theo bà Út giải thích, chia trọng lượng như vậy, khách sẽ ăn vừa đủ, tránh bị hôi gió khi mở nắp hũ mà không sử dụng hết. Hũ thủy tinh cũng bảo đảm an toàn thực phẩm hơn hũ nhựa.

“Mắm cho vào hũ khoảng 1 tháng 5 ngày là dùng được. Mắm cá lia thia ăn thì hao cơm lắm! Đặc biệt, mắm có thể ăn kèm với nhiều món khác tùy sở thích, khẩu vị của mỗi người. 

Tuy nhiên, thưởng thức mắm cá lia thia cùng đậu rồng, thịt luộc ăn kèm bún hoặc cuốn bánh tráng là tuyệt vời nhất. Vị mắm thơm, ngon miệng sẽ làm người thưởng thức nhớ mãi!” - bà Út chia sẻ.

Tạo uy tín với khách hàng, các nhân công còn cẩn thận dán lên hũ mắm thương hiệu Mắm cá lia thia Út Lớn với logo sản phẩm OCOP 3 sao đã được cơ quan chức năng công nhận, giấy chứng nhận cơ sở đạt an toàn thực phẩm, các địa chỉ bán hàng qua mạng,... Thông tin rõ ràng, chất lượng mắm thơm ngon nên khách hàng khá tin dùng.

Hiện tại, mắm cá lia thia Út Lớn ngoài bán thị trường trong tỉnh còn “tỏa hương” sang Bình Dương, Tây Ninh, TP.HCM,... với số lượng 6.000 hũ/tháng, riêng dịp tết bán ra 10.000 hũ/tháng. Giá bán 120.000-130.000 đồng/hũ, tùy khách sỉ, lẻ.

Mắm đến với khách hàng ngày càng nhiều cũng là cả quá trình người nông dân bưng biền thực hiện “chiến lược” quảng bá sản phẩm. Bà Út cho biết: “Các hội chợ thương mại, triển lãm trong tỉnh, tôi đều đem mắm cá lia thia tham gia trưng bày. N

goài ra, con trai tôi còn quảng bá, giới thiệu sản phẩm trên mạng xã hội”. Hiện mắm cá lia thia Út Lớn đã có mặt trên Shopee, Lazada,...

Thương hiệu vang xa, mắm cá lia thia Út Lớn đến với người tiêu dùng ngày càng nhiều. Để rồi mỗi khi nhắc đến xứ bưng biền Đức Huệ, người ta lại nhớ đến mắm cá lia thia.

Lê Đức (Báo Long An)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem