Phát biểu khai mạc Hội nghị, ông Ngô Tấn – Phó Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam cho biết: "Sở NNPTNT tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tổ chức Hội nghị kết nối giao thương giữa nhà cung cấp với các doanh nghiệp xuất khẩu và các tổ chức xúc tiến thương mại với mục đích để các bên (nhà cung cấp, các doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại) lắng nghe được những nhu cầu, điều kiện, những cơ hội cũng như khó khăn, vướng mắc của các bên.
Qua đó, kịp thời tìm ra giải pháp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc và có những điều chỉnh các quy định phù hợp hơn với thực tiễn để tăng cường sự liên kết, kết nối giữa nhà sản xuất và tiêu thụ".
Qua Hội nghị này, các chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP, các đối tác cung cấp nguyên liệu đầu vào, các đối tác kết nối tiêu thụ đầu ra sản phẩm OCOP có cơ hội hiểu nhau hơn, cơ hội kết nối ký kết hình thành chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sản phẩm của các nhà sản xuất sản phẩm OCOP trên địa bàn tỉnh với đơn vị phân phối của các địa phương trong và ngoài tỉnh một cách bền vững, ổn định.
Đây cũng là dịp để các chủ thể OCOP, các doanh nghiệp hiểu, nắm bắt về cơ hội, tiềm năng của tỉnh; hiểu rõ quan điểm, chủ trương và quyết tâm của 2 tỉnh thành trong việc xây dựng triển khai Chương trình OCOP một cách hiệu quả, phát huy vai trò, trách nhiệm của cộng đồng doanh nghiệp, đội ngũ doanh nhân trong công cuộc xây dựng và phát triển.
Tại Hội nghị, các đơn vị quản lý nhà nước, chủ thể OCOP, doanh nghiệp... tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng cùng trao đổi, thảo luận về vướng mắc, kiến nghị, đề ra giải pháp để phát triển Chương trình OCOP hiệu quả đột phá hơn.
Bà Vũ Thị Bích Hậu – Phó Giám đốc Sở NNPTNT TP.Đà Nẵng chia sẻ: "Các chủ thể và các cơ quan quản lý cần tăng cường kết nối, đẩy mạnh hợp tác để phát triển bền vững, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Bên cạnh đó, cùng nhau chia sẻ khó khăn để kịp thời giải quyết các vướng mắc, đề xuất các phương án, giải pháp tháo gỡ để hướng tới đích đến cuối cùng của Chương trình OCOP.
Ông Tống Phước Tuấn – Giám đốc Hợp tác xã Dịch vụ nông nghiệp chế biến và kinh doanh tổng hợp Phước Tuyên (huyện Tiên Phước, tỉnh Quảng Nam) chia sẻ: "Hiện nay, các sản phẩm đặc trưng của Tiên Phước như tiêu, măng cụt, bòn bon... được canh tác hữu cơ và đều có giá rất cao so với thị trường, dẫn đến khó tiếp cận khách hàng và cản trở kết nối chế biến sâu. Tôi mong muốn được các cơ quan, đối tác doanh nghiệp tạo điều kiện để hợp tác xã được kết nối tiêu thụ tại các siêu thị, hướng đến tiếp cận với các khách hàng cao cấp".
Chị Nguyễn Thị Thanh Thu – Chủ hộ kinh doanh Đại Bình xanh (huyện Nông Sơn, tỉnh Quảng Nam) bày tỏ mong muốn các cơ quan, ban ngành của tỉnh Quảng Nam và TP.Đà Nẵng tạo nhiều điều kiện hơn để đưa các đoàn khách du lịch về với điểm sản xuất; thành lập các gian hàng trưng bày, giới thiệu sản phẩm OCOP địa phương để du khách thuận tiện tham quan, mua sắm, tìm hiểu rõ về nguồn gốc, xuất xứ. Mong rằng từ đó các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng, sản phẩm OCOP có thể rộng mở thị trường hơn.
Bà Hậu nhận định: "Hiện nay phần lớn các sản phẩm OCOP của Quảng Nam và Đà Nẵng có mẫu mã chưa bắt mắt, chưa tạo được sự khác biệt nên khó nhận diện. Điều này dẫn đến khả năng tiếp cận của sản phẩm bị hạn chế và khó cạnh tranh trên thị trường. Do đó, để có thể tiến xa hơn, bền vững hơn thì các chủ thể OCOP cần tập trung thêm vào cải tiến, đổi mới mẫu mã, nỗ lực đạt các tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGap, Organic, HACCP, GMP, ISO....".
Đại diện Siêu thị Coopmart Đà Nẵng cho biết: "Các sản phẩm OCOP của Quảng Nam và Đà Nẵng hiện được bày bán ở siêu thị rất ít, nguyên nhân lớn nhất là do mẫu mã kém bắt mắt, không có sự khác biệt với các sản phẩm trên thị trường. Thêm vào đó là hồ sơ giấy tờ chưa hoàn chỉnh, thiếu mã vạch.... Để các sản phẩm OCOP tiến sâu hơn thì tôi hy vọng các chủ thể nỗ lực đổi mới, sáng tạo, nâng cao chất lượng sản phẩm để phục vụ người tiêu dùng".
Kết thúc Hội nghị, các nhà cung cấp, doanh nghiệp xuất khẩu, các tổ chức xúc tiến thương mại cùng với các chủ thể OCOP Quảng Nam và Đà Nẵng ký biên bản ghi nhớ hợp tác để cùng hỗ trợ nhau hoàn thiện, phát triển sản phẩm OCOP thực chất, bền vững.