Ông Nguyễn Văn Dành, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Bình Dương, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đã tiếp và làm việc với đoàn công tác của ADB vào ngày 16/8.
Trưởng đoàn là bà Charlotte Justine Diokno Sicat, Giám đốc Điều hành đại diện cho nhóm các nước Kazakhstan, Maldives, quần đảo Marshall, Mongolia, Pakistan, Philippines và Timor Leste.
Ông Dành đã chia sẻ một số kết quả phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trong thời gian qua. Nói thêm những vấn đề các thành viên trong đoàn quan tâm về chiến lược phát triển của tỉnh trong thời gian tới, ông khẳng định Bình Dương đặt mục tiêu chuyển đổi sang mô hình tăng trưởng xanh, phát triển bền vững.
Vì vậy, trong kế hoạch phát triển, tỉnh đã dành nhiều nguồn lực đầu tư cho phát triển hạ tầng kỹ thuật thông minh, nhất là công tác đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, con người thông minh để đáp ứng yêu cầu phát triển đề án thành phố thông minh Bình Dương.
Quá trình xây dựng thành phố thông minh Bình Dương đến nay đã được quốc tế biết đến. Bình Dương đã được Diễn đàn Cộng đồng Thông minh Thế giới (ICF) vinh danh là một trong 21 thành phố có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu của Thế giới (SMART 21) trong 5 năm liên tiếp 2019-2023; và nằm trong Top 7 trong 3 năm liên tiếp 2021-2023. Riêng năm 2023, tỉnh được ICF vinh danh ở vị trí số 1 trong cộng đồng có chiến lược phát triển thành phố thông minh tiêu biểu trên thế giới.
Ông Dành cho đoàn ADB biết tỉnh đang tập trung xây dựng, phát triển kinh tế số, kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, khuyến khích sử dụng nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng sạch tham gia quá trình sản xuất theo xu thế chung như điện năng lượng mặt trời áp mái, điện sinh khối, điện rác.
Bình Dương cũng quan tâm đến công tác an sinh xã hội nhất là công tác đầu tư cho giáo dục, dịch vụ y tế. Lấy con người làm trung tâm trong quá phát triển, Bình Dương đã dành nhiều nguồn lực để phát triển cơ sở hạ tầng giáo dục, chú trọng phát triển mạng lưới y tế…
Về phía ADB, bà Charlotte Justine Diokno Sicat bày tỏ ấn tượng trước những thành tựu phát triển nhanh của tỉnh Bình Dương. Đồng thời, bà cũng đánh giá cao kết quả hợp tác giữa ADB tại các dự án do Biwase (Tổng công ty Nước - Môi trường Bình Dương) thực hiện liên quan lĩnh vực xử lý môi trường, xử lý chất thải, đặc biệt là phát triển nguồn năng lượng sạch tái tạo từ điện sinh khối, điện rác.
Ngoài ra, bà cho biết cũng nhận thấy hiệu quả sử dụng nguồn vốn phát triển hạ tầng, tạo ra không gian phát triển rộng lớn và hình thành thương hiệu Bình Dương phát triển năng động, bền vững trong thu hút đầu tư.
Trong chuyến công tác, đoàn tiếp tục đến thăm Khu liên hợp xử lý chất thải và Nhà máy đốt rác phát điện Biwase tại phường Chánh Phú Hoà (Bến Cát, Bình Dương). Đoàn đề nghị giới thiệu về quá trình phát triển và chuyển đổi từ doanh nghiệp 100% vốn nhà nước sang công ty cổ phần.
Chủ tịch HĐQT Biwase Nguyễn Văn Thiền cho biết từ năm 2004, Tổng công ty đã tiếp cận, sử dụng vốn vay từ ADB (30.000 USD) cho dự án Nhà máy nước Thủ Dầu Một. Dự án này trước tiên phục vụ nước sạch cho người dân đô thị Thủ Dầu Một. Đến năm 2010, ADB tiếp tục cho vay và tăng vốn lên 45 triệu USD phát triển Nhà máy nước Dĩ An phục vụ nước sạch đô thị và các khu công nghiệp khu vực phía nam của tỉnh.
Năm 2016, Biwase bắt đầu cổ phần hoá và tiếp tục nhận được sự hỗ trợ vốn của ADB và Cơ quan Hợp tác Quốc tế Nhật Bản (JICA) để phát triển các dự án bảo vệ môi trường, xử lý rác thải mà không qua bảo lãnh tín chấp của Chính phủ nhờ uy tín của chính công ty.
Nhờ các nguồn vốn vay cộng với khả năng tìm kiếm, kết nối, học tập, Biwase đã từng bước hoàn thiện các dự án xử lý chất thải, thu hồi biogas phát điện, sản xuất compost và tiến tới đốt rác phát điện, hoàn toàn do Biwase thiết kế và làm chủ công nghệ, theo Chủ tịch HĐQT công ty.
Hiện nay, Nhà máy đốt rác phát điện Biwase công suất 12 MW được Bộ Tài nguyên và Môi trường đánh giá có tỷ lệ tro xỉ thấp nhất cả nước: Chỉ 10%, trong khi các nhà máy khác là trên 20%.
Lượng tro xỉ sau đốt phát điện được Biwase tái chế thành vật liệu xây dựng, gạch trang trí theo hướng tuần hoàn. Vì vậy, ông Thiền khẳng định: "Biwase là hệ sinh thái kinh tế xanh, khoa học và tuần hoàn".
Câu chuyện thành công của Biwase là một điển hình cho việc đổi mới, phát triển của Bình Dương nói chung và Việt Nam nói riêng.
Hỗ trợ của ADB cho Việt Nam trong giai đoạn 2024–2026 tập trung hỗ trợ Việt Nam chuyển dịch sang nền kinh tế bền vững và thích ứng khí hậu, do khu vực tư nhân dẫn dắt đồng thời tiếp tục các cải cách chính sách.
Tính tới 31/12/2023, ADB đã cam kết 458 khoản vay, viện trợ không hoàn lại và hỗ trợ kỹ thuật cho khu vực công của Việt Nam với tổng giá trị là 16,5 tỉ USD. Danh mục theo kênh tài trợ chính phủ hiện tại của ADB ở Việt Nam bao gồm 28 khoản vay và hai khoản viện trợ không hoàn lại, với tổng giá trị là 2,95 tỉ USD.