Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Mới đây Sở Giao thông Vận tải (GTVT) TP.HCM đã lên phương án sơ bộ đầu tư các tuyến đường sắt đô thị tại tỉnh Bình Dương và Đồng Nai để kết nối với tuyến metro số 1 TP.HCM (Bến Thành – Suối Tiên).
Trước đó Sở GTVT TP.HCM cùng các sở ban ngành liên quan và đại diện Sở GTVT tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai họp về phương án kết nối đường sắt đô thị giữa 3 địa phương.
Sau cuộc họp, Sở GTVT TP.HCM thống nhất tuyến metro số 1 TP.HCM có chiều dài khoảng 19,7km sẽ được nghiên cứu kéo dài tới thành phố Biên Hòa, Đồng Nai bắt đầu từ ga Suối Tiên, đi dọc theo Quốc lộ 1 đến ngã 3 Chợ Sặt, thành phố Biên Hòa; còn kéo dài đến Bình Dương sẽ từ ga Suối Tiên - Mỹ Phước - Tân Vạn - Đường XT1 - ga trung tâm (Khu liên hợp Công nghiệp - Đô thị - Dịch vụ Bình Dương).
Riêng metro số 1 TP.HCM kết nối với tỉnh Bình Dương sẽ là tuyến đường sắt đô thị số 1 của tỉnh này (Thành phố Mới – Suối Tiên) với chiều dài 28,2km.
Trong khi đó với tỉnh Đồng Nai, tuyến đường sắt đô thị TP.HCM – TP.Biên Hòa sẽ nằm trong quy hoạch tổng thể phát triển giao thông vận tải của tỉnh này đến năm 2020 và định hướng năm 2030.
Sở GTVT TP.HCM cho biết, việc nghiên cứu, đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương và tỉnh Đồng Nai để kết nối với tuyến metro số 1 TP.HCM phù hợp với quy hoạch phát triển giao thông vận tải của các địa phương, định hướng giao thông quan trọng của vùng, phục vụ việc đi lại thuận tiện cho người dân tại 3 địa phương, góp phần thúc đẩy kết nối giao thông của khu vực phát triển kinh tế số 1 Việt Nam, do đó cần ưu tiên đầu tư giai đoạn 2024-2035.
Về phương án đầu tư, đoạn tuyến kết nối với tỉnh Bình Dương sẽ từ ga Bến xe Suối Tiên đến ga S0 và kết nối về tỉnh Bình Dương; đoạn tuyến kết nối với tỉnh Đồng Nai sẽ từ ga S0 kết nối về kết nối về tỉnh Đồng Nai.
Đối với từng đoạn tuyến, đã cơ bản xác định vị trí các nhà ga, depot trên tuyến để phù hợp với các đồ án quy hoạch (đã được cấp thẩm quyền phê duyệt và định hướng điều chỉnh), định hướng phát triển đô thị của các địa phương, các yếu tố kỹ thuật, công nghệ chính trên toàn tuyến.
Tuy nhiên, để có cơ sở xác định chi tiết các thông số kỹ thuật, phân kỳ đầu tư, chi phí đầu tư xây dựng, nguồn vốn... cần phải tổ chức lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án theo quy định của pháp luật.
Theo Sở GTVT TP.HCM, do các dự án theo đề xuất thuộc phạm vi đầu tư hoàn toàn nằm trên địa phận tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai nên để đảm bảo thực hiện theo đúng quy định của Luật Ngân sách Nhà nước năm 2015 và Luật đường sắt năm 2017, 2 tỉnh này sẽ tự lên phương án hướng tuyến, quy mô, các tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ chủ yếu, phương án đầu tư, tiến độ thực hiện,...
Để có cơ sở phối hợp triển khai phương án đầu tư kết nối các tuyến đường sắt đô thị nêu trên, Sở Giao thông vận tải TP.HCM sẽ chủ trì, phối hợp Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai lập kế hoạch tổng thể đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn 2 tỉnh này để kết nối với tuyến metro số 1 TP.HCM, từ đó làm cơ sở để UBND các tỉnh phối hợp chỉ đạo thực hiện.
Sở GTVT TP.HCM cũng đề xuất UBND TP.HCM thành lập Tổ công tác chung về phương án đầu tư các tuyến đường sắt đô thị trên địa bàn tỉnh Bình Dương, tỉnh Đồng Nai để kết nối với tuyến metro số 1 TP.HCM nhằm phối hợp, hỗ trợ kinh nghiệm các vấn đề liên quan đầu tư các tuyến đường sắt đô thị nêu trên trong quá trình triển khai thực hiện.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.