Dân Việt

Chuyện lạ ở VPĐKĐĐ Hà Nội chi nhánh Gia Lâm: Những bản án có hiệu lực nhưng không được thi hành

Vũ Thị Hải 27/08/2024 11:29 GMT+7
Trong đơn gửi Dân Việt, ông Nguyễn Văn Phào phản ánh, gia đình ông được Toà án quyết định phân chia thừa kế 214m2 đất của cha mẹ để lại. Bản án đã có hiệu lực pháp luật từ 30/8/2023 nhưng đến nay gia đình ông chưa làm được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất vì những đòi hỏi vô lý từ VPĐKĐĐ Hà Nội chi nhánh Gia Lâm.

Văn phòng ĐKĐĐ Hà Nội chi nhánh Gia Lâm có làm khó người dân?

Trường hợp thứ nhất là của gia đình ông Nguyễn Văn Phào, trú tại thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm, TP Hà Nội.

Theo bản án sơ thẩm số 104/2022/DS-ST ngày 1/8/2022 của Tòa án nhân dân huyện Gia Lâm và bản án phúc thẩm số 424/2023/DS-PT ngày 30/8/2023 của Tòa án nhân dân thành phố Hà Nội về tranh chấp chia thừa kế tài sản, vợ chồng ông Nguyễn Văn Phào (sinh năm 1960) và bà Nguyễn Thị Ánh (sinh năm 1965) được quyền sử dụng 214m2 đất thuộc thửa đất số 75 tờ bản đồ 26 tại thôn Yên Mỹ, xã Dương Quang, huyện Gia Lâm.

Ngay sau khi bản án có hiệu lực pháp luật được thi hành, ông Nguyễn Văn Phào và bà Nguyễn Thị Ánh đã ủy quyền cho bà Nguyễn Thị Huệ Hà (trú tại thị trấn Thường Tín, Thường Tín, Hà Nội) hoàn thiện và nộp sơ xin cấp chứng nhận quyền sử dụng đất theo nội dung bản án.

Tuy nhiên, khi bà Nguyễn Thị Huệ Hà đến Văn phòng đăng ký đất đai (VPĐKĐĐ) Hà Nội chi nhánh Gia Lâm để nộp hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì cơ quan này trả lại hồ sơ, yêu cầu bổ sung bản gốc cấp giấy chứng nhận đã cấp.

Trong khi đó, bản gốc giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, theo hồ sơ và nhận định của Toà án, hiện do bà Nguyễn Thị Hồng Thư (em gái ông Phào) cất giữ. Bà Thư là người bị kiện, buộc phải trả đất cho ông Phào nên không giao nộp bản gốc Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên.

Trao đổi với Dân Việt, luật sư Nguyễn Thị Thìn, Văn phòng luật sư Đức Hạnh, Đoàn luật sư Hà Nội cho biết, theo quy định tại Điều 2, thông tư số 14/2023/TT-BTNMT ngày 16/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định trong hồ sơ đăng ký biến động có quy định việc thu hồi bản gốc giấy chứng nhận đã cấp trừ những trường hợp thực hiện quyết định hoặc bản án của Tòa án nhân dân… mà không thu hồi được bản gốc Giấy chứng nhận.

"Hồ sơ của ông Nguyễn Văn Phào thuộc trường hợp thực hiện theo bản án của Toà án nhân dân và không thu hồi được bản gốc Giấy chứng nhận. Việc Chi nhánh Văn phòng đăng ký Đất đai huyện Gia Lâm nại ra lý do hồ sơ không có bản gốc Giấy chứng nhận đã cấp là không đúng quy định tại Thông tư 14/2023/TT-BTNMT ngày 16/10/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường."- luật sư Thìn nhấn mạnh.

Những chuyện "kỳ cục" ở VPĐK ĐĐ Hà Nội chi nhánh Gia Lâm- Bài 1: Nhiều bản án có hiệu lực không được thi hành - Ảnh 1.

Bà Nguyễn Thị Sức chỉ cho PV Dân Việt về diện tích 39,3 m2 đang được gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh sử dụng làm ngõ đi, đã được TAND huyện Gia Lâm có quyết định công nhận phân chia thừa kế nhưng không tách được sổ đỏ. Ảnh: VTH

Không thực hiện theo bản án có hiệu lực pháp luật

Trường hợp thứ hai là của gia đình bà Nguyễn Thị Cường (sinh năm 1962, trú tại Tư Thế, Trí Quả, Thuận Thành, Bắc Ninh) và bà Nguyễn Thị Sức (sinh năm 1966, trú tại Kim Hồ, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội) là chủ sử dụng 117,4m2 tại thôn Kim Hồ, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội theo Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 134/2022/QĐST-DS ngày 29/09/2022 của TAND huyện Gia Lâm, có sơ đồ thửa đất kèm theo. 

Tại Quyết định công nhận sự thỏa thuận này, bà Cường và bà Sức thống nhất hưởng chung di sản thừa kế nên được quyền sử dụng quản lý chung diện tích 117,4m2 đất thổ cư tại thửa đất số 6, tờ bản đồ số 4, thôn Kim Hồ, Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội.

Ngay khi Quyết định có hiệu lực pháp luật, bà Cường và bà Sức đã tiến hành làm thủ tục xin cấp Giấy CNQSDĐ theo nội dung Quyết định của TAND huyện Gia Lâm.

Ngày 2/10/2023 VPĐK Đất đai Hà Nội chi nhánh Gia Lâm ban hành Thông báo số 3945/VPĐKDĐ-CNGL trả lại hồ sơ với nội dung: "Sau khi kiểm tra, đối chiếu với kích thước, diện tích thửa đất thể hiện trên Giấy CNQSDĐ được cấp số AD 854465, Chi nhánh huyện Gia Lâm thấy: Diện tích, kích thước thửa đất phân chia thể hiện tại sơ đồ kèm theo Quyết định công nhận sự thoả thuận của các đương sự số 134/2022/QQĐST-DS ngày 29/09/2022 của TAND huyện Gia Lâm, phân chia di sản thừa kế của ông Nguyễn Văn Thành và bà Trần Thị Bôi đã chia tách thửa đất số 6, tờ bản đồ số 4 thành 4 thửa trong đó có 1 thửa phân chia cho ông Nguyễn Văn Mạnh có diện tích 39,3 m2, kích thước mặt tiền tiếp giáp lối đi là 2,24 m2 không đủ điều kiện chia tách theo quy định tại K1,2, Đ5, QĐ số 20/2017/QĐ-UBND ngày 01/06/2017 của UBND thành phố Hà Nội".

Theo các hộ gia đình, lý do trả lại hồ sơ vì cho rằng khi chia tách có 1 thửa có diện tích 39,3m2 trong đó kích thước mặt tiền tiếp giáp lối đi là 2,24 m là không đúng thực tế. Diện tích được chia thừa kế này (39,3m2) được gia đình ông Mạnh sử dụng làm ngõ đi chứ không sử dụng làm nhà ở.

Ông Nguyễn Đức Hạnh, người đại diện theo ủy quyền của bà Nguyễn Thị Cường cho biết, khi giải quyết vụ việc, Tòa án đã đến hiện trường để xác định và đã có thẩm định tại chỗ, kết quả giải quyết phù hợp với thực tế sử dụng đất là gia đình ông Mạnh sử dụng diện tích đất được chia để làm ngõ đi vào thửa đất hiện có của gia đình.

"Vì vậy, điều kiện để chia tách thửa đất này phải được căn cứ vào khoản 2, điều 5 Quyết định số 20/2017/QĐ-UBND ngày 1/6/2017 của UBND thành phố Hà Nội. Theo quyết định này, khi chia tách thửa đất có hình thành ngõ đi riêng thì ngõ đi phải có mặt cắt ngang từ 2m trở lên đối với đất thuộc khu vực các xã. Diện tích đất của gia đình ông Mạnh có mặt cắt ngang 2,24m là đủ điều kiện để tách thửa đất trên cho gia đình ông Mạnh và các chủ sử dụng đất được Tòa án công nhận", ông Hạnh nói thêm.

Những chuyện "kỳ cục" ở VPĐK ĐĐ Hà Nội chi nhánh Gia Lâm- Bài 1: Nhiều bản án có hiệu lực không được thi hành - Ảnh 2.

Lô đất chia thừa kế đã có phán quyết của Tòa án từ tháng 9/2022 nhưng người dân chưa nhận được Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Ảnh: VTH

Theo luật sư Phạm Hồng Sơn - Đoàn luật sư TP Hà Nội, việc Chi nhánh đăng ký đất đai huyện Gia Lâm đề nghị UBND xã kiểm tra, xác minh các nội dung nêu trên và hướng dẫn người sử dụng đất liên hệ với Chi cục thi hành án dân sự huyện Gia Lâm để được kiểm tra xem xét, giải quyết là trái với quy định của pháp luật, làm ảnh hưởng đền quyền và lợi ích hợp pháp của người dân. Bởi vì đất của người dân đã được chia thừa kế theo bản án đã có hiệu lực và đã được thi hành.

"Mặt khác, Tòa án nhân dân Tối cao đã có Công văn số 64 ngày 03/04/2019 giải đáp những vướng mắc về Tố tụng hành chính dân sự có nêu: Cá nhân, hộ gia đình được sử dụng đất theo bản án hoặc quyết định của Tòa án nhân dân, quyết định thi hành án của cơ quan thi hành án, văn bản công nhận kết quả hòa giải thành, quyết định giải quyết tranh chấp, khiếu nại, tố cáo về đất đai của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đã được thi hành thì được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; trường hợp chưa thực hiện nghĩa vụ tài chính thì phải thực hiện theo quy định của pháp luật", luật sư Phạm Hồng Sơn nhấn mạnh.

PV Báo Dân Việt đã liên hệ với Văn phòng đăng ký đất đai thành phố Hà Nội, cấp trên của Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Gia Lâm để xác minh nội dung tố cáo của công dân.

Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội đã có văn bản số 7382 ngày 18/6/2024 phúc đáp yêu cầu cung cấp kết quả giải quyết đơn tố cáo. Theo đó, cả hai trường hợp tố cáo nói trên đều đã được Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội thụ lý giải quyết. Kết quả giải quyết của Văn phòng đăng ký đất đai TP Hà Nội xác định nội dung công dân tố cáo sai (!?).

Đối với trường hợp gia đình ông Nguyễn Văn Phào, Chi nhánh Văn phòng ĐKĐĐ Gia Lâm giải trình rằng, không có tài liệu thể hiện việc không thu hồi được Giấy chứng nhận đã cấp nên không có cơ sở giải quyết thủ tục đăng ký biến động theo Điều 2 Thông tư 14/2023 của Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Nhận định của Văn phòng ĐKĐĐ Thành phố Hà Nội tại kết luận nội dung tố cáo cho rằng, việc thiếu bản gốc giấy chứng nhận đã cấp của gia đình ông Phào thuộc trường hợp hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định, Chi nhánh VP ĐKĐĐ có quyền từ chối hồ sơ theo điều 7 Thông tư số 33/2017/TT-BTNMT ngày 29/9/2017 của Bộ Tài nguyên và Môi trường. "Việc từ chối hồ sơ đề nghị đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được thực hiện khi có một trong các căn cứ sau:

… b) Hồ sơ không có đủ thành phần để thực hiện thủ tục theo quy định"

Trong khi đó, theo luật sư Ngyễn Thị Thìn, ông Nguyễn Văn Phào là chủ thể được tòa án phán quyết cho sử dụng 214m2 đất theo bản án, ông Phào có quyền liên hệ với cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền để làm thủ tục đăng ký biến động cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật và ông không buộc phải "thu hồi" bản gốc giấy chứng nhận nói trên