Sáng 18/8, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đã đến Quảng Châu, bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước Trung Quốc. Việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm chọn Trung Quốc là quốc gia đầu tiên đến thăm sau khi nhậm chức, đã phản ánh đầy đủ sự coi trọng cao độ đối với việc phát triển quan hệ hai Đảng, hai nước Trung Quốc và Việt Nam.
Đánh giá về chuyến thăm Trung Quốc của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm lần này, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho rằng, các chuyến thăm của lãnh đạo cao cấp hai bên trước đây đều làm việc về rất nhiều vấn đề quan trọng, trong đó có việc mở cửa thị trường nông sản cho Việt Nam.
Gần đây nhất, trong chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10/2022, hai bên đã ký kết nghị định thư về kiểm dịch chuối, khoai lang. Tiếp đó, trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình vào tháng 12/2023, hai bên đã ký kết nghị định thư về kiểm dịch dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc.
"Với thông lệ trước đây, thì chuyến thăm lần này của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm, chúng ta rất kỳ vọng việc ký kết nghị định thư xuất khẩu sầu riêng đông lạnh. Trước đó, các giấy tờ kiểm dịch thực vật đã được cơ quan chức năng của Việt Nam gửi đầy đủ sang cơ quan Hải quan Trung Quốc để xem xét. Ngoài mặt hàng sầu riêng đông lạnh, có thể sẽ có thêm nghị định thư với dừa tươi.
Nếu 2 mặt hàng này được ký kết thì mỗi năm Việt Nam có thể thu thêm khoảng nửa tỷ USD mỗi loại, mở ra nhiều triển vọng phát triển bền vững 2 mặt hàng sầu riêng và dừa" - ông Nguyên cho biết.
Trao đổi với PV Dân Việt, theo ông Nguyên, việc Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tô Lâm đặt chân tới Quảng Châu ngay trong lần đầu tiên thăm Trung Quốc và làm việc với lãnh đạo tỉnh này không phải là ngẫu nhiên. Bởi Quảng Châu là thủ phủ và là thành phố đông dân nhất của tỉnh Quảng Đông, cũng là 1 trong 3 tỉnh đông dân nhất Trung Quốc. Quảng Châu được xem là "cửa ngõ" để rau quả Việt Nam đi khắp nội địa Trung Quốc, với hệ thống chợ đầu mối hiện đại, cảng biển - trung tâm vận tải chính, do vậy nhân chuyến thăm có thể sẽ có những đầu tư mạnh hơn về chế biến rau quả.
"Tương lai, Trung Quốc sẽ tăng cường nhập khẩu sầu riêng đông lạnh tách múi để dùng chế biến vì giảm được nhiều chi phí vận chuyển do loại bỏ vỏ từ đầu nguồn. Phía doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu sản phẩm đông lạnh cũng đỡ áp lực trong tuân thủ quy định về kiểm dịch thực vật (các sinh vật có nguy cơ gây hại đi kèm quả tươi) và có thể bán vào sâu trong nội địa Trung Quốc nhờ thời gian bảo quản dài" - ông Nguyên phân tích.
Ngoài sầu riêng đông lạnh, dừa tươi, chanh leo, ông Nguyên cho biết, Việt Nam có tiềm năng xuất khẩu rất lớn đối với trái bưởi, ớt, cây gia vị, cây dược liệu... Đặc biệt, người Trung Quốc rất thích mua cây gia vị và cây dược liệu về để chế biến dược liệu. Ngành đông y của Trung Quốc phát triển rất mạnh, có nhu cầu lớn nên chúng ta có thể thúc đẩy xuất khẩu các mặt hàng này sang nước họ.
Trong danh sách các loại trái cây đang đàm phán mở cửa sang thị trường Trung Quốc, còn có bưởi, bơ, na (mãng cầu), roi (mận miền Nam). Mỗi mặt hàng có thể đem về từ 10 - 20 triệu USD/năm do phải cạnh tranh với hàng nội địa và nhu cầu thị trường không quá lớn.
Trung Quốc hiện là thị trường xuất khẩu lớn nhất của nông sản Việt Nam, trong đó Việt Nam đang là thị trường cung cấp sầu riêng tươi lớn thứ 2 cho Trung Quốc. Sầu riêng Việt Nam được đánh giá là có lợi thế sản lượng dồi dào, thu hoạch rải vụ quanh năm, đặc biệt khi vào vụ không bị cạnh tranh với sầu riêng Thái Lan. Ngoài ra, một lợi thế của sầu riêng Việt Nam khi xuất khẩu sang Trung Quốc là thời gian vận chuyển nhanh và giá thành cạnh tranh.
Đây là những yếu tố giúp cho sầu riêng Việt Nam tạo được bước tiến lớn tại thị trường Trung Quốc chỉ sau chưa đầy 2 năm được mở cửa tại thị trường này. Theo ước tính của Hiệp hội Rau quả Việt Nam, trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu rau quả sang Trung Quốc đạt 2,1 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sầu riêng Việt Nam đã đạt 1,22 tỷ USD, tăng 46% so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm 92,4% tổng lượng sầu riêng xuất khẩu ra nước ngoài. Trong đó, hơn 90% là sầu riêng tươi, nếu nghị định thư về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh được ký kết sớm thì xuất khẩu loại quả này sang Trung Quốc sẽ còn tăng trưởng rất mạnh.
Về phía doanh nghiệp, ông Trương A Vùng, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Thương mại Toàn Thắng (tỉnh Đồng Nai) cho biết, công ty đã chuẩn bị sẵn sàng để xuất khẩu sầu riêng đông lạnh sang Trung Quốc.
"Thị trường Trung Quốc hiện nay phát triển được rất nhiều sản phẩm chế biến từ sầu riêng nên cần nguồn nguyên liệu lớn. Phân khúc này cũng có tính ổn định hơn so với sầu riêng tươi nhờ bảo quản được đến 2 năm. Sầu riêng đông lạnh chủ yếu chú trọng chất lượng cơm, không đòi hỏi về mẫu mã bên ngoài như hàng tươi nên Việt Nam có thể xuất khẩu được thêm khoảng 30% sản lượng, mang về giá trị kinh tế lớn" - ông Vùng nói.
Đến nay, Việt Nam đã có 14 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: tổ yến và sản phẩm từ tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, thạch đen, vải, chanh dây và sầu riêng.