Chia sẻ với Dân Việt sau khi nghe tin GS Võ Tòng Xuân qua đời sáng nay (19/8), TS.Trần Ngọc Thạch, Viện trưởng Viện Lúa Đồng bằng sông Cửu Long bày tỏ sự tiếc thương và cho biết, cộng đồng những nhà khoa học trong ngành lúa gạo Việt Nam đánh giá rất cao những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân trong quá trình phát triển của cây lúa ở Đồng bằng sông Cửu Long nói riêng, Việt Nam nói chung.
"Tôi là thế hệ đi sau nên không có nhiều dịp tiếp xúc với GS Võ Tòng Xuân nhưng tôi nhớ mãi khi nộp đơn vào học tại Trường Đại học Cần Thơ, những tân sinh viên chúng tôi được thầy đích thân dẫn đi một vòng quanh trường giới thiệu", TS. Trần Ngọc Thạch cho biết.
Theo TS.Trần Ngọc Thạch, những đóng góp của GS Võ Tòng Xuân đối với ngành lúa gạo Đồng bằng sông Cửu Long là rất quan trọng bởi GS Võ Tòng Xuân là một trong những nhà khoa học có quan hệ rất tốt với cộng đồng khoa học thế giới trong bối cảnh Việt Nam còn nhiều khó khăn sau giải phóng.
"Thầy Võ Tòng Xuân là một trong những người đầu tiên kết nối được với Viện lúa Quốc tế (IRRI), từ đó tiếp nhận được nguồn vật liệu ban đầu rất quan trọng để xây dựng, phát triển được những bộ giống lúa phù hợp với Đồng bằng sông Cửu Long, từ đó cải thiện năng suất, chất lượng lúa, nâng cao thu nhập cho người trồng lúa đồng bằng", Viện trưởng Viện Lúa ĐBSCL nhận định.
TS.Trần Ngọc Thạch cho biết thêm, GS Võ Tòng Xuân còn là người tiên phong trong việc xây dựng hệ thống canh tác lúa gạo ở ĐBSCL với các mô hình lúa - tôm, lúa - cá; có công xây dựng bộ môn hệ thống canh tác của Trường Đại học Cần Thơ, sau này là Viện Nghiên cứu và Phát triển Đồng bằng sông Cửu Long.
"GS Võ Tòng Xuân là một trong những người tiên phong kết nối, đào tạo cán bộ cho ngành lúa gạo Việt Nam, góp phần giúp Việt Nam trở thành một trong những cường quốc xuất khẩu gạo của thế giới. Sau này, khi thầy nghỉ hưu, những đóng góp, phản biện của thầy vẫn rất có giá trị trong quá trình phát triển ngành lúa gạo", TS.Trần Ngọc Thạch nói.
Quá trình kết nối với cộng đồng khoa học quốc tế trong ngành lúa gạo của GS Võ Tòng Xuân bắt đầu từ năm 1961, khi ông nhận được học bổng du học của Đại học Nông nghiệp Philippines, đến năm 1966, ông tốt nghiệp đại học bằng cử nhân Hóa nông và được nhận làm nghiên cứu sinh tại Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế (IRRI).
Năm 1971, khi đang làm công việc nghiên cứu ở Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế với mức lương cao, GS Võ Tòng Xuân nhận được một lá thư của ông Nguyễn Duy Xuân, khi đó là Hiệu trưởng Đại học Cần Thơ. "ĐBSCL không có ai chuyên về lúa cả, nếu anh về làm ở đại học chắc sẽ giúp ích được nhiều hơn. Chiến tranh rồi sẽ có ngày hòa bình, cái ăn sẽ luôn luôn đi đầu, rất cần những người như anh...", ông Nguyễn Duy Xuân đã nhắn gửi trong thư như thế.
Sau lời nhắn này, ngày 9/6/1971, GS Võ Tòng Xuân rời Viện Lúa quốc tế về lại đồng bằng và góp phần quan trọng cùng các nhà khoa học ở Đại học Cần Thơ đưa giống lúa ngắn ngày IR5, IR8 của Viện Nghiên cứu Lúa quốc tế xuống gieo cấy để cải thiện năng suất, từ đó nâng cao đời sống cho bà con từ nguồn kinh phí của Phái bộ viện trợ Mỹ.
Năm 1976, GS Võ Tòng Xuân đã cùng cộng đồng các nhà khoa học khắc chế thành công dịch rầy nâu khi đưa được giống lúa kháng rầy của IRRI vào gieo cấy, đó là giống IR36. Trong hệ thống các giống lúa của IRRI, hiện nay, giống IR 50404 vẫn còn sử dụng. Đây là giống lúa thích nghi với mọi loại đất, dễ trồng, năng suất cao, nhiều nông dân trồng được tới 8 – 9 tấn/ha trong vòng 3,5 tháng
GS Võ Tòng Xuân cùng các nhà khoa học Trường Đại học Cần Thơ cũng góp phần hóa giải, chế ngự đất phèn ở ĐBSCL. Nhờ có hệ thống thủy lợi dẫn nước ngọt thau chua rửa mặn mấy chục năm qua, vùng Bắc Long An, Hồng Ngự (Đồng Tháp) giờ trở thành vùng sản xuất lúa chính của đồng bằng.
Dấu chân của GS Võ Tòng Xuân còn đi tới 15 nước châu Phi và thử nghiệm, áp dụng kỹ thuật trồng lúa ở 8 nước, kết quả rất khả quan. Năm 2007, giáo sư cùng cùng cộng sự đã đến nước Cộng hòa Sierra Leone (Tây châu Phi) mang theo 50 giống lúa cao sản và 10 giống lúa chất lượng cao. Tất cả 60 giống đều là giống của ĐBSCL.