Từng giúp nông dân đánh bại "giặc rầy nâu" hại lúa, GS Võ Tòng Xuân trở thành người Việt đầu tiên nhận giải thưởng VinFuture
Từng giúp nông dân đánh bại "giặc rầy nâu" hại lúa, GS Võ Tòng Xuân trở thành người Việt đầu tiên nhận giải thưởng VinFuture
Huỳnh Xây
Thứ năm, ngày 21/12/2023 11:10 AM (GMT+7)
Nghiên cứu, nhân rộng nhiều giống lúa năng suất cao, kháng bệnh tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu, GS Võ Tòng Xuân trở thành người Việt đầu tiên nhận giải thưởng VinFuture.
Tối qua (20/12), tại Hà Nội, lễ trao giải VinFuture năm 2023 đã diễn ra. Hệ thống Giải thưởng VinFuture năm nay bao gồm 4 hạng mục, trong đó giải thưởng chính trị giá 3 triệu USD, là một trong những giải thưởng có giá trị lớn nhất thế giới.
Bên cạnh đó là 3 giải đặc biệt trị giá 500.000 USD/giải dành cho nhà khoa học nữ, nhà khoa học đến từ các nước đang phát triển và nhà khoa học nghiên cứu các lĩnh vực mới.
GS Võ Tòng Xuân và GS Gurdev Singh Khush (người Mỹ gốc Ấn Độ) nhận giải dành cho nhà khoa học đến từ các quốc gia đang phát triển, có những đóng góp quan trọng trong việc phát minh và phổ biến nhiều giống lúa năng suất cao, kháng bệnh tốt, góp phần đảm bảo an ninh lương thực toàn cầu.
Riêng GS Võ Tòng Xuân, theo Ban tổ chức giải, ông đã đóng vai trò quan trọng trong việc phổ biến giống IR36 trên khắp các vùng thường xuyên bị sâu bệnh tấn công ở ĐBSCL và hợp tác với nông dân để áp dụng các kỹ thuật cấy ghép tiên tiến.
Nhờ các sáng kiến này, GS Võ Tòng Xuân đã thúc đẩy mở rộng khả năng tiếp cận với hạt giống lúa chất lượng và tăng cường sản lượng lúa gạo với chi phí thấp hơn mà không sử dụng hóa chất độc hại.
GS Võ Tòng Xuân cũng là người Việt đầu tiên được vinh danh tại giải thưởng VinFuture sau 3 mùa tổ chức.
Trên sân khấu nhận giải, GS Võ Tòng Xuân bày tỏ niềm vinh dự và vui mừng với sự công nhận từ VinFuture với việc nghiên cứu, nhân rộng các giống lúa của mình trong suốt những năm qua.
Theo GS Võ Tòng Xuân, những nỗ lực của bản thân, sự hỗ trợ của các cá nhân và tập thể có liên quan đã giúp nông dân ĐBSCL trồng lúa đạt năng suất lúa cao hơn, cải thiện sinh kế, đóng góp vào sự vươn lên của Việt Nam, trở thành 1 trong 3 nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.
GS Võ Tòng Xuân phổ biến giống IR36 như thế nào?
Trước khi đến Hà Nội nhận giải thưởng VinFuture, GS Võ Tòng Xuân đã có cuộc trao đổi với phóng viên Dân Việt về quá trình nghiên cứu, nhân rộng giống lúa IR36 tại ĐBSCL.
"Tôi nhớ rất rõ là năm 1976, tại Tân Châu (An Giang), rầy nâu bùng phát, gây hại rất nặng trên cây lúa. Sau khi nghiên cứu kỹ về tình hình, tôi nhận thấy giống lúa lúc bấy giờ không kháng được rầy nâu. Trước tình thế cấp bách, tôi đã liên hệ với Viện nghiên cứu giống lúa quốc tế (IRRI) tìm trợ giúp. Sau đó, đã nhận được 4 giống lúa là IR 32, IR 34, RI 36 và IR 38 có thể kháng rầy nâu từ IRRI chuyển qua theo đường bưu điện. Trong đó, mỗi giống lúa được 5 gam" - GS Võ Tòng Xuân kể.
Sau khi có lúa giống, GS Võ Tòng Xuân cùng với cán bộ khác trong Khoa Nông nghiệp, Trường Đại học Đại học Cần Thơ trồng thử nghiệm các giống lúa mới. Kết quả cho thấy, 4 giống lúa đều kháng được rầy nâu, trong đó lúa IR 36 là trội nhất.
Từ đó, giống lúa IR 36 được chọn để nhân rộng cấp tốc từ 5 gam đầu tiên lên đến hơn 2.000kg sau 2 vụ trồng.
Lúc này, GS Võ Tòng Xuân đề nghị với Ban giám hiệu cho đóng cửa Trường Đại học Đại học Cần Thơ 2 tháng để đưa 2.000 sinh viên phụ giúp nông dân chống rầy nâu. Lúc đầu Bam giám hiệu trường không đồng ý nhưng sau khi được giải thích tầm quan trọng của sự việc, cũng đã đồng ý.
GS Võ Tòng Xuân nói: "Sinh viên phải học 3 bài cơ bản về trồng lúa, gồm cách làm mạ, cách chuẩn bị đất và cách cấy lúa 1 tép 1 bụi. Sau đó, 1 nhóm từ 2-3 sinh viên mang đi 1kg lúa mang tới vùng trồng lúa có rầy nâu, bàn với ngành nông nghiệp địa phương giới thiệu xuống nông dân, để sinh viên đến cấy lúa, nhân giống. Như thế, trong vòng 2 vụ, giống lúa IR 36 đã phủ hết ĐBSCL".
"Việc làm trên của chúng tôi lúc đó có vai trò lịch sử khi mà ngành nông nghiệp chưa phát triển ở ĐBSCL. Chúng tôi đã chặn đứng được trận tàn phá của rầy nâu trên cây lúa" - GS Võ Tòng Xuân nói thêm.
Được biết, đến những năm 1980, giống lúa IR36 đã được sử dụng trên toàn cầu với diện tích canh tác lên đến 11 triệu ha. Đến năm 2000, việc phổ biến rộng rãi IR36 và các giống lúa khác đã góp phần đáng kể vào việc tăng năng suất lúa gạo, với sản lượng tăng lên đến 600 triệu tấn.
Giải thưởng VinFuture là hoạt động trung tâm của Quỹ VinFuture, một tổ chức phi lợi nhuận được đồng sáng lập vào ngày 20 tháng 12 năm 2020.
Giải thưởng nhằm ghi nhận những nhà phát minh và nhà nghiên cứu xuất sắc đến từ các trường, viện nghiên cứu toàn cầu, phòng thí nghiệm và tập đoàn công nghiệp công nghệ để tôn vinh những nghiên cứu khoa học đột phá và đổi mới công nghệ, tạo ra sự thay đổi có ý nghĩa trong cuộc sống hàng ngày của hàng triệu người.
GS Võ Tòng Xuân đã 83 tuổi. Ông được phong giáo sư Nông học vào năm 1980, được phong là Anh hùng Lao động vào năm 1985 và là đại biểu Quốc hội 3 khóa liền (II, III, IV). Gần đây nhất là năm 2022, ông được Chính phủ Nhật Bản đã trao tặng Huân chương Mặt trời mọc, tia sáng vàng và ruy băng cổ. Hiện nay, GS Võ Tòng Xuân là Hiệu trưởng Danh dự của Trường Đại học Nam Cần Thơ.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.