Làng nghề, ngành nghề nông thôn trên cả nước được hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị định số 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Chính phủ về phát triển ngành nghề nông thôn.
Đối với các làng nghề, sẽ được hưởng hỗ trợ kinh phí đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng. Nội dung hỗ trợ đầu tư, cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề, gồm: đường giao thông, điện, nước sạch; hệ thống tiêu, thoát nước; xây dựng trung tâm, điểm bán hàng và giới thiệu sản phẩm làng nghề.
Những làng nghề có nguy cơ mai một, thất truyền; làng nghề của đồng bào dân tộc thiểu số; làng nghề có thị trường tiêu thụ tốt; làng nghề gắn với phát triển du lịch và xây dựng nông thôn mới; làng nghề tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân địa phương; làng nghề gắn với việc bảo tồn, phát triển giá trị văn hóa thông qua các nghề truyền thống được ưu tiên hưởng chính sách.
Nhằm thực hiện hiệu quả Nghị định 52, UBND TP.HCM đã ban hành kế hoạch 1784 về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022-2025.
Theo đó các làng nghề, ngành nghề nông thôn tại TP.HCM sẽ được hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng, mặt bằng phục vụ phát triển sản xuất; hỗ trợ vốn, tín dụng phát triển ngành nghề nông thôn; hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể; hỗ trợ chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ trong sản xuất; hỗ trợ đào tạo nhân lực.
Ngoài ra, Thành phố còn định hướng hỗ trợ các làng nghề, ngành nghề nông thôn tham gia chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP); hỗ trợ bảo vệ môi trường; hỗ trợ phát triển sản xuất gắn với du lịch; hỗ trợ xúc tiến thương mại và hỗ trợ về khuyến công.
Trong quá trình thực hiện kế hoạch 1784, Sở NNPTNT TP.HCM có trách nhiệm đề xuất cơ quan có thẩm quyền nhằm tiếp tục tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho các cơ sở ngành nghề nông thôn, để thúc đẩy phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM. Chú trọng phát triển các ngành nghề thủ công mỹ nghệ, ngành nghề sinh vật cảnh, các sản phẩm theo chương trình OCOP, các làng nghề gắn với phát triển du lịch nông nghiệp nông thôn thu hút nhiều lao động địa phương.
Theo Nghị định 52 của Chính phủ, nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn bao gồm: nguồn kinh phí từ Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, Chương trình mục tiêu quốc gia Giảm nghèo bền vững, các chương trình mục tiêu và ngân sách của địa phương.
Nghị định 52 quy định UBND cấp tỉnh quy định mức hỗ trợ đầu tư cải tạo, nâng cấp và hoàn thiện cơ sở hạ tầng làng nghề phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương và đúng quy định của pháp luật hiện hành.