Vì sao TP.HCM vẫn bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống?

Quang Dương Chủ nhật, ngày 18/08/2024 11:01 AM (GMT+7)
Là đầu tàu kinh tế của cả nước, có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng TP.HCM vẫn quyết tâm bảo tồn và phát triển một số làng nghề, làng nghề truyền thống. Đâu là lý do?
Bình luận 0

Theo Kế hoạch số 1784/KH-UBND về hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giai đoạn 2022 - 2025, Thành phố định hướng bảo tồn và phát triển 7 ngành nghề nông thôn và 5 làng nghề, làng nghề truyền thống.

TP.HCM là địa phương có tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng đầu cả nước. Trước tình hình công nghiệp hóa, nhiều làng nghề thủ công trên địa bàn thành phố không còn hoạt động hiệu quả như xưa. Tuy nhiên, UBND thành phố vẫn quyết bảo tồn và phát triển một số làng nghề, mà hành động cụ thể là ban hành Kế hoạch 1784.

Vì sao TP.HCM vẫn chọn bảo tồn, phát triển những làng nghề truyền thống? - Ảnh 1.

TP.HCM vẫn chọn bảo tồn, phát triển những làng nghề truyền thống trong giai đoạn tới. Ảnh: C.G

Theo UBND TP.HCM, việc hỗ trợ phát triển làng nghề, ngành nghề nông thôn trên địa bàn TP.HCM giúp giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập người dân. Bên cạnh đó còn góp phần bảo tồn những giá trị văn hóa truyền thống vùng nông thôn TP.HCM.

Theo Chi cục Phát triển Nông thôn TP.HCM, làng nghề, ngành nghề nông thôn có vai trò vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn nông thôn. Tại TP.HCM có một số ngành nghề nông thôn không chỉ đóng góp trong việc tạo ra thu nhập, việc làm cho người dân nông thôn mà còn chứa đựng trong đó những giá trị, nét đẹp văn hóa truyền thống mang đậm bản sắc văn hóa.

Những ngành nghề nông thôn mới tiềm năng, có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ ổn định như trên địa bàn TP.HCM phải kể đến như: Hoa lan, hoa mai, cá cảnh, yến, sản phẩm thủy sản qua chế biến… cần được tập trung phát triển.

Hiện nay, hoạt động ngành nghề nông thôn tại TP.HCM có đủ các loại hình theo quy định tại Điều 4 Nghị định 52/2018/NĐ-CP ngày 12/4/2018 của Thủ tướng Chính Phủ về phát triển ngành nghề nông thôn, bao gồm: chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản; sản xuất hàng thủ công mỹ nghệ; xử lý, chế biến nguyên vật liệu phục vụ sản xuất ngành nghề nông thôn; sản xuất đồ gỗ, mây tre đan, gốm sứ, thủy tinh, dệt may, sợi, thêu ren, đan lát, cơ khí nhỏ; sản xuất và kinh doanh sinh vật cảnh; sản xuất muối; các dịch vụ phục vụ sản xuất, đời sống dân cư nông thôn…

Trong giai đoạn 2022-2025, Thành phố sẽ định hướng bảo tồn và phát triển các ngành nghề nông thôn, ngành nghề nông thôn truyền thống như: nghề sản xuất bánh tráng (xã Phú Hòa Đông, huyện Củ Chi); Nghề đan đát xã (xã Thái Mỹ, huyện Củ Chi); Ngành sản xuất mành trúc (xã Tân Thông Hội, huyện Củ Chi); Nghề se nhang (xã Lê Minh Xuân, huyện Bình Chánh); Nghề sản xuất muối (huyện Cần Giờ); Nghề trồng mai vàng (xã Bình Lợi, huyện Bình Chánh); Nghề chế biến khô thủy sản (huyện Cần Giờ).

Đồng thời, định hướng bảo tồn và phát triển làng nghề, làng nghề truyền thống như: Làng nghề sản xuất bánh tráng xã Phú Hòa Đông (huyện Củ Chi); Làng nghề đan đát xã Thái Mỹ, (huyện Củ Chi); Làng nghề se nhang xã Lê Minh Xuân (huyện Bình Chánh); Làng nghề sản xuất muối xã Lý Nhơn (huyện Cần Giờ); Làng nghề trồng mai vàng xã Bình Lợi (huyện Bình Chánh).

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem