Thái Lan là quốc gia có khá nhiều điểm tương đồng với Việt Nam, cả về điều kiện kinh tế, tình yêu thể thao và sự hâm mộ với môn bóng đá. Trong khi NHM thể thao Việt Nam gặp các vấn đề liên quan đến bản quyền truyền hình, kiểu như không được xem hầu hết các cuộc thi đấu của Olympic Paris 2024, hay muốn xem các giải bóng đá nổi tiếng như Champions League, Ngoại hạng Anh và La Liga thì cần phải đăng ký gói của cả 3 nhà đài gồm K+, VTVCab và SCTV, ... Thì NHM thể thao Thái Lan có gặp các vấn đề đó không?
Giống như ở Việt Nam, vấn đề bản quyền truyền hình của các sự kiện thể thao lớn trên thế giới có ở mọi quốc gia, ở Thái Lan cũng vậy. Có khác chăng chỉ là cách mà quốc gia đó giải quyết vấn đề này thôi, và Thái Lan có cách giải quyết vấn đề khác Việt Nam.
Chúng ta sẽ cùng tìm hiểu.
Trở lại những năm trước đây, khi VTV là đầu mối duy nhất nắm bản quyền truyền hình các trận đấu thể thao phát sóng trên lãnh thổ Việt Nam. Những sự kiện thể thao lớn trên Thế giới như Olympic, World Cup hay Giải bóng đá Vô địch Châu Âu được VTV tổ chức sản xuất và phát sóng miễn phí trên hệ thống truyền hình cả nước. Tiền mua bản quyền truyền hình các sự kiện thể thao này được lấy từ nguồn ngân sách. Từ khi VTV tự chủ tài chính, vấn đề bản quyền truyền hình các giải đấu thể thao bắt đầu xuất hiện, và đến khi có thêm những đơn vị có khả năng và muốn mua bản quyền các giải đấu này thì vấn đề trở nên rắc rối.
Đang từ được xem miễn phí hoàn toàn bằng tiền mua bản quyền từ ngân sách, người xem Việt Nam bây giờ phải trả tiền cho việc được xem các giải đấu nổi tiếng. Hoặc kể cả những sự kiện thể thao tầm cỡ thể giới, NHM thể thao Việt Nam có tiền cũng không được xem nếu không có đơn vị nào trong nước cân đối được lợi ích và chi phí của việc mua bản quyền những sự kiện này, ví dụ điển hình là Olyimpic Paris 2024 vừa qua.
Người Thái Lan họ giải quyết vấn đề khác.
Kể từ năm 2013, Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia Thái Lan (NBTC) đã quy định rằng chủ sở hữu bản quyền phải phát sóng trực tiếp 7 giải đấu thể thao lớn, đó là World Cup, Thế vận hội Olympic, Paralympic, Đại hội thể thao Đông Nam Á, Paralympic ASEAN, Đại hội thể thao châu Á và Đại hội thể thao người khuyết tật châu Á miễn phí trên TV và các nền tảng khác. Và NBTC dùng quỹ của mình hỗ trợ tiền mua bản quyền cho các chủ sở hữu bản quyền truyền hình các giải đấu nói trên. Ví dụ như World Cup 2022 tại Qatar, NBTC đã trả 600 triệu baht để đáp ứng khoản phí bản quyền phát sóng 1,4 tỷ baht mà Cơ quan thể thao Thái Lan (SAT) trả.
NBTC cũng có quyền thêm vào hoặc loại bớt khỏi danh sách các giải đấu thể thao lớn phải phát miễn phí nêu trên, mà chính World Cup 2022 Qatar cũng là 1 ví dụ khi Ủy ban này định loại giải đấu này ra khỏi danh sách 7 giải đấu phải phát miễn phí trực tiếp, vì họ cho rằng giải đấu này không xứng đáng để phát miễn phí vì không có ĐT Thái Lan tham gia.
Mục đích của quy định này là đảm bảo quyền tiếp cận bình đẳng tới các sự kiện thể thao lớn cho mọi người ở Thái Lan, kể cả những người không đủ tiền xem truyền hình trả tiền.
Còn lại, những giải đấu khác phải là trách nhiệm của khu vực tư nhân. Nó là thương mại và được điều chỉnh bởi quy luật cung cầu của kinh tế thị trường. Có nghĩa là nếu bạn muốn xem Champion League, Ngoại hạng Anh, La Liga hay Ligue 1, bạn phải trả tiền mua quyền xem cho nhà đài sở hữu bản quyền giải đấu đó, với mức giá bạn thấy chấp nhận được, với 1 hay nhiều nhà đài nếu họ sở hữu bản quyền các giải đấu khác nhau.
Như vậy, người Thái Lan đã chia tách rất rạch ròi 2 vấn đề, đầu tiên đó là quyền tiếp cận bình đẳng các sự kiện thể thao lớn cho mọi người dân Thái Lan được Nhà nước, thông qua quy định nói trên của Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia Thái Lan (NBTC) đảm bảo, và vấn đề sở hữu các bản quyền truyền hình, cân đối lợi ích, chi phí của các chủ sở hữu bản quyền này và quyền xem các giải đấu của người xem sẽ do quy luật cung cầu tự điều chỉnh.
Vậy chúng ta có thể học được gì từ cách làm của người Thái Lan không?