TS Nguyễn Ngọc Anh Tuấn – Bác sĩ Y học Thể thao
Thứ tư, ngày 31/07/2024 17:29 PM (GMT+7)
Không có bản quyền Olympic 2024, người dân không có cơ hội tận hưởng những giây phút thi đấu đỉnh cao của các VĐV nước nhà ở Đại hội lớn nhất Thế giới. Rồi mai đây, có thể bọn trẻ không hiểu thế nào là Olympic, tình yêu với Thể thao (đặc biệt là Thể thao thành tích cao) cũng không được hun đúc từ nhỏ.
Ai cũng thấy rõ rằng Thể thao Việt Nam gần đây khá đuối trên trường đấu quốc tế lớn (không tính các giải đấu khu vực như SEA Games). Các VĐV dù đã nếm trải đủ đắng cay, mồ hôi nước mắt và vất vả muôn phần với cơ sở vật chất không tốt, cũng không thể hoặc rất khó mang vinh quang về cho đất nước ở những sân chơi tầm cỡ châu lục và thế giới.
Và rồi, người ta trách móc, chê bai. Chê thể thao kém, trách VĐV Việt Nam kém, trách HLV kém, chê cả nền thể thao và lãnh đạo thể thao yếu kém không bằng thế giới.
Lâu lâu có một ai đó xuất thần như VĐV Hoàng Xuân Vinh, người ta lại tung hô: Tự hào Việt Nam, ngạo nghễ Việt Nam. Nhưng cái ngạo nghễ Việt Nam đấy chắc đến khi anh Hoàng Xuân Vinh mở cửa bước vào nhà là hết, người ta quên anh ngay thôi.
Hóa ra ai đó đã nói đúng: Đa phần người Việt chỉ thích thể thao chiến thắng.
Một chuyện thời sự nhất: Thế vận hội Olympic Paris 2024, không có đơn vị nào ở Việt Nam dám bỏ tiền ra mua bản quyền truyền hình để người dân được xem, được cổ vũ cho đoàn thể thao Việt Nam. Lý do thật đơn giản: Bản quyền đắt quá, mua tốn tiền mà chưa chắc đã thu được tiền từ quảng cáo.
Trong khi đó, các nước láng giềng gần như có đủ. Tại Thái Lan, Cơ quan Thể thao Thái Lan (SAT) đã chi 400 triệu baht (hơn 280 tỷ đồng) để sở hữu bản quyền của sự kiện này. Một nửa số tiền đó do Ủy ban Phát thanh và Viễn thông Quốc gia (NBTC) chi trả, phần còn lại được Quỹ Phát triển Thể thao Quốc gia chi trả với sự hỗ trợ từ tư nhân.
"Chúng tôi muốn đảm bảo rằng tất cả người dân Thái Lan đều có thể tiếp cận chương trình Olympic thông qua nhiều kênh sóng khác nhau", Chủ tịch SAT Kongsak Yodmanee cho biết.
Còn người dân Malaysia, Singapore, Phillippines hay Indonesia đều được xem miễn phí.
Như vậy, người dân không có cơ hội tận hưởng những giây phút thi đấu đỉnh cao của các VĐV nước nhà ở Đại hội lớn nhất Thế giới nữa. Rồi mai đây, bọn trẻ cũng chẳng hiểu thế nào là Olympic, tình yêu với Thể thao (đặc biệt là Thể thao thành tích cao) cũng chẳng còn được hun đúc từ nhỏ. Hỏi bọn trẻ con Điền kinh là gì, có những môn gì chắc nhiều đứa giờ chỉ biết lắc đầu.
Tôi vẫn nhớ tình yêu với Thể thao của mình được bắt đầu qua những chiếc TV được bật chuyển kênh liên tục ngày bé vào mỗi kì Olympic. Có những môn tôi chẳng hiểu gì, nhưng vẫn xem và trầm trồ trước thành tích thi đấu tuyệt vời của các VĐV tầm cỡ Thế giới. Ngày ấy tôi cũng ước được như họ, hoặc ít nhất tôi cũng đôi lần bắt chước những gì tôi thấy trên TV, bất kể tôi có hiểu hay không.
Bây giờ, chúng ta không còn thấy cái không khí đó nữa rồi. Ngày càng ít người quan tâm tới Olympic, thỉnh thoảng lác đác trên Facebook, Tik Tok là hình ảnh những nam, nữ VĐV được khen body chuẩn, mặt đẹp như diễn viên điện ảnh thay vì được khen có những màn thi đấu xuất thần.
Trẻ con không còn cơ hội được thấy đua ngựa, bơi, nhảy cao, nhảy xa, đấu kiếm hay đua thuyền nữa. Với người Việt Nam, có lẽ Thể thao bây giờ chỉ còn là tập gym, chạy marathon giảm cân, rèn luyện sức khỏe mà thôi…
Hãy nhìn lại thể thao học đường, nền tảng quan trọng để phát triển thể thao thành tích cao của nhiều quốc gia có nền thể thao hàng đầu thế giới. Ở Việt Nam, cả 3 cấp học, người ta xếp Thể dục là môn phụ. Môn Thể dục bây giờ thậm chí không còn được cả tính điểm vào tổng điểm của học sinh mà chỉ còn ghi vỏn vẹn bằng mấy chữ Đạt/Không Đạt.
Người dân ít được tiếp cận với Thể thao đỉnh cao thì đương nhiên, tình yêu với Thể thao không được vun đắp. Cũng chẳng còn nhiều người quan tâm Thể thao Việt Nam đang ở đâu.
Các giải Thể thao trong nước, kể cả những giải hấp dẫn nhất như V.League, cũng đa phần vắng bóng khán giả. Nhà tài trợ vì thế cũng chần chừ, e ngại. VĐV thi đấu còn không có tiền đưa HLV đi cùng thì thành tích lấy đâu ra? Bây giờ may ra có vài cầu thủ bóng đá may mắn nổi tiếng đúng thời, mới kiếm được tỷ này tỷ nọ. Các môn khác thì bao giờ mới mơ tới.
Rồi người ta lại chờ tới mỗi kì Olympic hoặc ASIAD để chê Thể thao Việt Nam kém, rồi nhìn sang các nước láng giềng mà so sánh. Thể thao của cả thế giới đi lên, thể thao các nước láng giềng cũng đi lên với sự đầu tư đúng đắn. Còn chúng ta, nếu sự quan tâm và đầu tư dừng ở mức nào thì thành tích cũng chỉ ở mức đó là lẽ đương nhiên.
Chúng ta ta quên mất rằng, Thể thao cũng là một trong những phương tiện nhanh và tốt nhất để đưa hình ảnh đất nước ra với bạn bè năm châu.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.